Lại dừng bán đấu giá
Không đồng tình trước việc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (DVBĐGTS) tỉnh dừng bán đấu giá tài sản thi hành án, 2 khách hàng tham gia đăng ký đã cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc sớm làm rõ những thắc mắc.
Liên tục dừng bán tài sản đấu giá
Theo bà Trương Thị Hoàng (SN 1965, trú 93 Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ), cách đây hơn một năm, nhiều người đến Trung tâm DVBĐGTS tỉnh mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá thửa đất số 274, tờ bản đồ số 68, diện tích 880,1m2 của ông Trần Đăng Du và bà Võ Thị Thu. Trong đó có 200m2 đất ở và 680,1m2 đất trồng cây lâu năm; hiện trạng có nhà ở cấp 4 tường xây gạch, nền lát gạch men với diện tích xây dựng 90m2 tại khối phố Phương Hòa Tây (phường Hòa Thuận). Đây là tài sản thi hành án sau khi có bản án của TAND TP.Tam Kỳ. Giá khởi điểm đưa ra lúc đó là hơn 450 triệu đồng.
Văn bản dừng bán đấu giá tài sản của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh. |
“Tuy tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng để “thuyết phục” khách hàng bỏ ý định mua tài sản này, nhân viên của Trung tâm DVBĐGTS tỉnh viện lý do là gia cảnh của người có tài sản rất khó khăn, để cho họ chuộc lại tài sản” - bà Hoàng nói. Tuy nhiên, ngày 28.2.2017, trung tâm lại tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản trên, với giá khởi điểm đưa ra chỉ còn hơn 235 triệu đồng. Ngày 8.3.2017, bà Hoàng đã nộp tiền ứng trước hơn 23,5 triệu đồng để được tham gia mua đấu giá tài sản này. Vậy nhưng, ngày 4.4.2017, bà lại được nhân viên của trung tâm điện thoại, trao trực tiếp các văn bản liên quan cũng như thông báo dừng bán đấu giá tài sản thi hành án. “Bản thân tôi thấy có quá nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trên các giấy tờ, văn bản. Lạ lùng ở chỗ, tài sản này đã đưa ra thi hành án theo Bản án số 18/2013/KDTM-ST ngày 4.6.2013 của TAND TP.Tam Kỳ, đến nay gần 5 năm chuyển cho trung tâm làm đủ các thủ tục bán đấu giá, khi có người đăng ký mua lại cho dừng” - bà Hoàng giãi bày.
Một khách hàng khác - bà Mai Thị Thu Huyền (trú 73 đường Đỗ Thế Chấp, thuộc khối phố 2 phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Bà Huyền nộp tiền ứng trước hơn 23,5 triệu đồng để tham gia mua tài sản đấu giá nhưng nhận thông báo trì hoãn của trung tâm. Theo bà Huyền, thực chất những văn bản giấy tờ mà các bên liên quan đưa ra để dừng bán đấu giá tài sản thi hành án đều không đảm bảo tính pháp lý, có biểu hiện hợp thức hóa hồ sơ thủ tục. Căn cứ để Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ có văn bản (số 80/CV-CCTHA, ngày 3.4.2017) về việc đề nghị tạm dừng đấu giá tài sản là do phía ngân hàng có văn bản đề nghị hoãn thi hành bản án của TAND TP.Tam Kỳ đối với ông Trần Đăng Du và bà Võ Thị Thu về việc bán đấu giá tài sản. Trong Giấy đề nghị ghi ngày 3.4.2017 của ông Phạm Văn Hương - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển chi nhánh Quảng Nam lại bỏ trống phần ghi số, ngày của giấy ủy quyền; đồng thời giấy đề nghị chỉ đóng dấu treo. “Giấy đề nghị này của ngân hàng thiếu tính pháp lý, hơn nữa tôi đã qua trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Bách Thọ - Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển chi nhánh Quảng Nam. Ông Thọ cho biết là ông Hương tự ý làm giấy đề nghị dừng gửi Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ mà không có sự chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng. Trong khi đó, chỉ một cái giấy đề nghị cẩu thả này mà bà Nguyễn Thị Hường - Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ đã ra văn bản đề nghị tạm dừng bán đấu giá” - bà Huyền nêu thắc mắc.
Cũng theo phản ánh của khách hàng đăng ký đấu giá tài sản, hiện tại giá khởi điểm đưa ra đấu giá thấp hơn 2 lần so với giá trị cho người bị thi hành án nhận lại và thấp hơn 5 lần so với giá trị thực tế. Số tiền mà khách hàng đóng tạm ứng cho Trung tâm DVBĐGTS tỉnh không phải nhỏ, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?
10 lần rao bán nhưng bất thành
Yêu cầu Sở Tư pháp vào cuộc Liên quan đến bài viết “Có minh bạch bán đấu giá tài sản” trên Báo Quảng Nam số ra ngày 31.3.2017, ngày 5.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp khẩn trương kiểm tra làm rõ những nội dung phản ánh của bà Mai Thị Thu Huyền, báo cáo UBND tỉnh. Trong khi đó, theo bà Huyền, qua trao đổi trực tiếp, ông Trần Tám - Chánh Thanh tra Sở Tư pháp cho biết sự việc trên sở đã có báo cáo UBND tỉnh, trong đó nêu ra những sai sót từ phía Trung tâm DVBĐGTS tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự TP.Hội An, tuy nhiên đến nay bà Huyền vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng. |
Đại diện lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ khẳng định, cơ sở để chấp hành viên ra văn bản đề nghị Trung tâm DVBĐGTS tỉnh dừng bán đấu giá tài sản là xuất phát từ văn bản kiến nghị của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển chi nhánh Quảng Nam. Tuy nhiên, trước đó giữa chấp hành viên và bên có tài sản phải thi hành đã thỏa thuận, cụ thể ông Du có thiện chí cam kết trả nợ ngân hàng, chuộc lại tài sản. Cơ quan thi hành án cũng chính thức nhận được văn bản của UBND phường Hòa Thuận đề nghị dừng đấu giá, bởi lý do gia đình ông Du là hộ nghèo. Nhưng đây chỉ là một trong những yếu tố để xem xét. Trong trường hợp dừng đấu giá tài sản, nếu gây thiệt hại cho những người đăng ký đấu giá thì được xem xét bồi thường.
Có hay không việc gần đây khách hàng đăng ký tham gia mua tài sản thi hành án thì bị Trung tâm DVBĐGTS tỉnh gây khó dễ? Trả lời câu hỏi này, ông Trương Văn Vỵ - Giám đốc trung tâm cho rằng, đơn vị chỉ bán tài sản theo ủy quyền, bên cơ quan thi hành án bảo dừng thì đơn vị buộc phải dừng, chứ nếu bán là sai quy định. Lô đất 880,1m2 của vợ chồng ông Du phải thi hành án đem ra đấu giá 10 lần, nhưng phần lớn đều không có người đăng ký mua, lần này có 2 khách hàng đăng ký. Ngày 4.4.2017, Trung tâm DVBĐGTS tỉnh đã có văn bản dừng đấu giá tài sản và thông báo 2 khách hàng trên liên hệ nhận lại số tiền đặt trước và phí tham gia đấu giá. Về việc đưa giá khởi điểm thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của tài sản, ông Vỵ thừa nhận có sự chênh lệch lớn từ mức giá hơn 400 triệu đồng đưa xuống còn hơn 230 triệu đồng. “Luật cho phép mỗi lần bán không được tài sản thi hành án sẽ điều chỉnh giảm xuống tối đa 10%. Tính đến nay đã trải qua 10 lần thông báo bán đấu giá tài sản trên. Ngân hàng đã thỏa thuận với cơ quan thi hành án và chấp hành viên chỉ chấp nhận sự thỏa thuận đó. Hoàn cảnh của đương sự rất đặc biệt, sau này cũng rất khó bàn giao tài sản nếu bán đi nên tạo cơ hội để cho họ trả nợ theo cam kết. Pháp luật vẫn còn bất cập là ở chỗ đó” - ông Vỵ nói.
Cách giải thích của lãnh đạo Trung tâm DVBĐGTS tỉnh dừng bán tài sản đấu giá chẳng khác nào nặng tình hơn lý. Thực tế sau khi có Bản án số 18/2013/KDTM-ST ngày 4.6.2013 của TAND TP.Tam Kỳ, phía ngân hàng đã tạo điều kiện gia hạn trả nợ nhưng vợ chồng ông Du - bà Thu (người có tài sản phải thi hành án) không có khả năng nên mới chuyển thi hành án. “Nếu vì xét hoàn cảnh của khách hàng thì cần gì phía ngân hàng phải đưa ra cơ quan thi hành án, chuyển Trung tâm DVBĐGTS tỉnh làm đủ các thủ tục đấu giá để chúng tôi phải xoay xở kiếm tiền nộp tạm ứng gần một tháng trời?” - bà Huyền phân trần.
TRẦN HỮU