Cảm xúc ngày trở về

ĐĂNG NGUYÊN 27/04/2017 08:42

Đã hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng câu chuyện một thời vẫn còn vẹn nguyên trong các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Ban Giao vận Quảng Đà xưa với bao ký ức đẹp, dạt dào cảm xúc.

Tháng 4 lịch sử, chuyến xe chở những vị khách dừng chân tại thị trấn P’rao (Đông Giang) trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. Bởi họ là những vị khách đặc biệt, những “chứng nhân” theo chuyến về nguồn của đoàn cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Giao vận Quảng Đà cũ. Ông Nguyễn Đăng Lâm - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) không giấu được cảm xúc khi ôn lại truyền thống của Ban Giao vận Quảng Đà ngày trước. Những ký ức về một thời gian khó, cùng hào khí trong cuộc đấu tranh giành độc lập của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà được kể lại với bao cảm xúc và niềm tự hào cho lớp thế hệ đi sau.

Tuổi trẻ huyện Đông Giang chụp ảnh lưu niệm với các “chứng nhân lịch sử” của Ban Giao vận Quảng Đà. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Tuổi trẻ huyện Đông Giang chụp ảnh lưu niệm với các “chứng nhân lịch sử” của Ban Giao vận Quảng Đà. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngành Giao vận Quảng Đà có hơn 700 liệt sĩ và hơn 1.500 thương binh; đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngoài 10 Huân chương Giải phóng các hạng, 2 Huân chương Quyết thắng, 2 Huân chương Chiến công và hơn 500 huân, huy chương kháng chiến các hạng tặng cho tập thể và cá nhân Ban Giao vận Quảng Đà, tháng 12.2014 đơn vị còn vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 5.1965, do yêu cầu phục vụ chiến đấu, Hội đồng cung cấp tiền phương được thành lập và đến năm 1968, Ban Giao vận Quảng Đà tiếp tục nhiệm vụ mở 4 tuyến đường huyết mạch về giải phóng Đà Nẵng. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà thời đó đã tích cực xây dựng, tổ chức các hoạt động giao thông vận tải phục vụ kháng chiến chống Mỹ, góp sức cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đã có hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực được vận chuyển kịp thời cho chiến trường, đặc biệt phục vụ đắc lực cho chiến dịch Thượng Đức vào tháng 8.1974 giành thắng lợi và mở ra thời cơ lớn để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Trong chương trình giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà với cán bộ trẻ của huyện Đông Giang, nhiều câu chuyện giản dị về một thời được các cô, các chú kể lại khiến nhiều bạn trẻ xúc động và tự hào. Đó là những câu chuyện về tình quân dân, giữa cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà với đồng bào miền núi Đông Giang khi chia nhau từng củ sắn, hạt muối, cùng góp chung công sức của tuổi trẻ cho hành trình mở đường, phục vụ kháng chiến. Sau hơn 40 xa cách, họ lại được gặp nhau, được hàn huyên tâm sự, chia sẻ về cuộc sống bộn bề thời nay. Trong ký ức sâu thẳm, với họ, ngày trước sẽ mãi là câu chuyện đẹp ghi dấu tuổi trẻ của những người mở đường, theo hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN