Bon chen nơi phố thị

VƯƠNG HẰNG SA 27/04/2017 08:38

Vì cuộc mưu sinh, những người mẹ đơn thân xứ Quảng phải bon chen nơi phố thị, với mong ước chắt chiu cho con tương lai tươi sáng hơn, nhưng bất hạnh, khổ cực vẫn vây tứ bề…

Ở khu chung cư dành cho người thu nhập thấp Eco home (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), có rất nhiều phụ nữ quê Quảng Nam được thành phố hỗ trợ cho thuê trợ giá để có chốn đi về. Rất nhiều người trong số họ, ở tuổi xế chiều vẫn nặng gánh mưu sinh. Chị Đinh Thị Chín ở xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) được chị gái dắt ra Đà Nẵng mưu sinh. Ngồi nghỉ bên vệ đường, hình ảnh người đàn bà đậm dáng, quần áo mặt mũi lấm lem sau một ngày đi lượm ve chai cứ ám ảnh.

Chị Lê Thị Thanh (bìa phải) ưu tư khi nhắc đến chuyện con cái.Ảnh: V.H.S
Chị Lê Thị Thanh (bìa phải) ưu tư khi nhắc đến chuyện con cái.Ảnh: V.H.S

Dẫn chúng tôi lên nhà, một căn hộ chung cư được nhà nước ưu ái cho thuê mỗi tháng 200.000 đồng, không khí ẩm mốc. Chị Nguyễn Thị Lệ - cán bộ Chi hội Phụ nữ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng lên tiếng: “Thằng con lớn rồi, sao không bảo nó ở nhà dọn dẹp bớt đi”. “Thôi chị ơi, nó đừng phá phách, đừng đuổi đánh tôi mỗi khi lên cơn là mừng rồi. Mong mỏi chi dọn dẹp. Còn tôi đi một ngày về thì rã rời tay chân” - chị Chín nói. Hai mẹ con chị Chín đều có tiền sử về thần kinh. Ngay cả bản thân chị cũng không thể biết được ai là cha đứa trẻ. Chị Chín có sổ tâm thần của bệnh viện nên mỗi tháng cũng được hỗ trợ đôi ba trăm nghìn để thuốc men. Còn còn trai chị cứ lang thang khắp ngõ phố, hễ lên cơn là đánh mẹ. Mọi người tìm cách đưa cháu vào bệnh viện tâm thần nhưng không được.

Mở cửa ra, mỗi ngôi nhà trong khu chung cư dành cho người thu nhập thấp, những khổ cực cứ bày ra trước mắt. Chị Lê Thị Thanh quê ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn năm nay vừa tròn 60 tuổi nhưng đã già sụm. Chị đang móm mém nuốt vội mỳ tôm cho bữa tối thì chúng tôi đến. Răng đã rụng gần hết. Tai cũng đã bắt đầu nghễnh ngãng. “Già cả rồi chỉ có đi lượm ve chai bán lấy tiền đắp đổi qua ngày. Mà cả tháng nay trời mưa nên ở nhà, ăn mỳ tôm” - bà Thanh vừa nói, chỉ đống ve chai gom ở góc nhà, chờ kiếm kha khá bán một thể. Rồi bà Thanh trầm ngâm khi kể chuyện con cái. Con chị Thanh nghe lời bạn đua đòi trộm cắp nên bị bắt và kêu án 7 năm tù giam; mới thụ án được hai năm. “Mấy bữa trước nó còn giam ở Hòa Sơn (TP.Đà Nẵng - PV) tôi đạp xe đạp lên thăm được. Chừ chuyển lên Trại giam An Điềm (huyện Đại Lộc - PV), tiền xe mỗi lần đi gần 200.000 đồng nên lâu rồi chưa đi thăm con. Vì vậy, nó mới gởi thư về cho tôi nhắn lên thăm vì nhớ mẹ”. Dường như nước mắt của người đàn bà này đã không thể chảy ra ngoài mà thấm hết vào ruột gan. Ở cái xóm này, ai cũng biết gần 40 tuổi bà mới chắt chiu kiếm đứa con mong nương nhờ tuổi già. Ai ngờ nương nhờ đâu không thấy, chỉ thấy thêm phần cơ cực.

Mỗi khi lặp lại câu hỏi: “Chị ưng điều chi nhất?”, chúng tôi lại ước mình có phép màu để biến niềm mong mỏi của những người phụ nữ đơn thân ấy thành sự thật.Những ước mơ giản đơn mà nghe ra xa xỉ: Chừ tôi ưng nhất là có tiền đi thăm con, có cái xe đạp đi thu gom ve chai cho đỡ cực. Ưng chừng đó còn chưa được nữa là...

Chị Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm: “Ở khu chung cư dành cho phụ nữ đơn thân, có hàng chục chị quê Quảng Nam vì cảnh đời trôi dạt đã bám trụ ở khu này như chị Chín, chị Thanh, chị Huyền... Hoàn cảnh của họ đều đáng thương, tôi thuộc lòng mỗi cảnh đời. Phận mẹ đơn thân như chúng tôi coi như qua rồi, chỉ mong những đứa trẻ vượt lên nghịch cảnh mà thành người hữu ích”.

Mỗi khi lặp lại câu hỏi: “Chị ưng điều chi nhất?”, chúng tôi lại ước mình có phép màu để biến niềm mong mỏi của những người phụ nữ đơn thân ấy thành sự thật. “Chừ tôi ưng nhất là có tiền đi thăm con, có cái xe đạp đi thu gom ve chai cho đỡ cực. Ưng chừng đó còn chưa được nữa là. Ưng sửa lại cái tivi để xem cho vui. Mua năm mươi nghìn đồng của hàng xóm về phủ khăn để đó lâu nay” - chị Thanh chia sẻ. Còn chị Chín thì nghẹn ngào: “Ưng có tiền thuê miếng đất mở thu gom phế liệu, ưng cái xe ba gác mới đi lượm ve chai cho khỏe, ưng có tiền sắm sửa bàn thờ Phật, bàn thờ mẹ cho tươm tất. Ưng nhiều lắm mà không được nên thôi!”. Chỉ là mong ước giản đơn nhưng những người mẹ ấy đi đến mòn đôi chân trên phận đời của mình vẫn bấp bênh, bước hụt. Để rồi, các chị gửi gắm ước mơ của mình vào các con nhưng số phận càng thêm nghiệt ngã. Rồi đây, khi những người mẹ ấy già đi, những đứa con chưa kịp trưởng thành, thì phận người vẫn cứ nổi trôi.

VƯƠNG HẰNG SA

VƯƠNG HẰNG SA