Phụ nữ Phước Sơn giúp nhau thoát nghèo
Nhiều năm qua, Hội LHPN Phước Sơn đã có nhiều cách làm hay để giúp các chị em phụ nữ trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo.
Bà Hồ Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN Phước Sơn cho biết, Phước Sơn là một huyện miền núi với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của chị em phụ nữ còn nhiều khó khăn, kinh tế bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Nên trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở tập trung giúp đỡ các phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là những phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ nghèo là lao động chính có địa chỉ ổn định.
Phụ nữ Phước Sơn đóng góp gạo trong hoạt động “Hũ gạo tiết kiệm” . Ảnh: H.H |
Cụ thể, toàn huyện có 66 chi hội phụ nữ, mỗi chi hội nhận giúp đỡ từ 1 - 2 chị em phụ nữ có khả năng thoát nghèo bằng các cách: hỗ trợ sinh kế làm ăn, trao gà, vịt giống, hỗ trợ cây giống và ngày công làm… Đến nay, các cấp hội trên toàn huyện đã giúp nhau được 327 ngày công, 538kg gạo, cây giống... với tổng vốn hơn 36 triệu đồng. Nhờ đó mà các chị em có điều kiện phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Hội LHPN thị trấn Khâm Đức cũng là một điển hình trong phong trào mỗi chi hội nhận giúp đỡ 1 - 2 chị em. Trong năm 2017, 8 chi hội phụ nữ tại đây đã nhận giúp đỡ 8 chị em phụ nữ trên địa bàn thông qua hình thức trao phương tiện sinh kế. Như trường hợp của chị Hồ Thị Điểu (khối phố 2, thị trấn Khâm Đức) có gia cảnh khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Trong một lần không may, căn nhà của chị đã bị lửa thiêu rụi. Nhờ Chi hội phụ nữ thôn 2A giúp đỡ và trao tặng tủ bán tạp hóa nên gia đình chị đã dần ổn định cuộc sống và đã đăng ký thoát nghèo.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn tổ chức và duy trì 14 tổ góp vốn quay vòng, thực hiện “hũ gạo tiết kiệm”, “đồng tiền tiết kiệm”, “nuôi heo đất”… để động viên và giúp đỡ kịp thời cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2016, toàn huyện đã duy trì được 15 hũ gạo, tiết kiệm được 650kg gạo, duy trì 6 mô hình nuôi heo đất. Ngoài ra, hội còn duy trì 3 câu lạc bộ về phụ nữ phát triển kinh tế, duy trì và phát triển dịch vụ gia đình tại xã Phước Năng như: dịch vụ cho thuê bàn ghế nấu ăn của chị Dương Thị Thiện, dịch vụ cung cấp thịt vịt của chị Dương Thị Phương… Phối hợp với các ban ngành, đoàn chuyên môn từ huyện đến cơ sở mở các lớp truyền thông, tập huấn về công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi. “Nhờ vào sự giúp đỡ của hội phụ nữ các cấp mà chúng tôi đã biết cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho hiệu quả hơn. Trước đây chỉ biết dựa vào nương rẫy, bây giờ tôi đã biết cách chăn nuôi hiệu quả để ổn định kinh tế gia đình. Năm nay, tôi đã đăng ký thoát nghèo” - chị Hồ Thị Thương (xã Phước Năng) cho hay.
Từ những hoạt động đầy ý nghĩa kể trên, Hội LHPN huyện Phước Sơn đã góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ, từng bước cải thiện điều kiện sống, mở ra hy vọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa các hoạt động và việc làm mang lại hiệu quả thiết thực cho chị em, giúp chị em vươn lên thoát nghèo” - bà Hảo nói.
ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG