Bảo vệ sâm Ngọc Linh

HOÀNG THỌ 26/04/2017 08:22

Vụ mất trộm 500 gốc sâm Ngọc Linh tại nóc Tăk Ngo (xã Trà Linh) hồi cuối tháng 2.2017 là lời cảnh báo về tình trạng quản lý lỏng lẻo của người dân địa phương đối với các vườn sâm trồng dưới tán rừng già. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra mất trộm sâm. Vậy làm thế nào để quản lý tốt loại dược liệu quý hiếm này?

Người dân chủ quan

Nóc Tăk Ngo ở thôn 2 nằm cách trung tâm xã Trà Linh hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng. Từ nóc này đến khu vực vườn sâm bị nhổ trộm phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ leo dốc đường rừng nữa. Người dân địa phương cho biết, tại các điểm trồng sâm, bà con đều lập chốt canh gác, nhưng hôm xảy ra mất trộm, những người canh gác bỏ chốt về làng dự tết truyền thống. Nhiều người nghĩ rằng khu vực trồng sâm xa xôi, hẻo lánh, không ai có thể đến được nên chủ quan. Mặt khác quanh các khu vườn bà con cũng đã rào lưới thép và cắm chông dày đặc, nhưng không ngờ kẻ trộm có cách lọt qua an toàn.

Phòng ngừa kẻ trộm, người dân dùng lưới sắt rào quanh vườn sâm. Ảnh: A LĂNG NGƯỚC
Phòng ngừa kẻ trộm, người dân dùng lưới sắt rào quanh vườn sâm. Ảnh: A LĂNG NGƯỚC

Lâu nay người dân Trà Linh thường trồng sâm theo nhóm hộ, phần ai nấy chăm sóc và luân phiên nhau canh giữ. Sâm ở đây được trồng dưới tán rừng nguyên sinh. Củ sâm có giá trị kinh tế cao, dao động từ 40 đến 100 triệu đồng/kg nên chỉ cần sơ hở là bị mất trộm ngay. “Vườn sâm của tôi bị trộm nhổ hết sạch. Sâm của tôi là sâm rừng, có củ nặng hơn 1 lạng, trồng để lấy hạt giống. Tính ra trộm đã nhổ của tôi hơn 4kg sâm củ, bây giờ trắng tay” - ông Hồ Văn Dép ở Tăk Ngo chua xót nói.

Trước đó, vào giữa tháng 12.2016, cũng đã có hơn 10 gốc sâm hàng chục năm tuổi ở Tăk Ngo bị nhổ trộm; xa hơn một chút, vào tháng 10.2016 tại khu vực thôn 3 xã Trà Linh cũng đã xảy ra vụ mất trộm 4kg sâm củ. Các vụ mất trộm sâm thường do người địa phương thực hiện. Vụ mất trộm 500 gốc sâm vừa qua là lần đầu tiên người nơi khác đến tận khu vực trồng sâm ở Tăk Ngo nhổ trộm. Hầu hết vụ mất trộm sâm đều do sự chủ quan, lơ là của người dân trong công tác bảo vệ.

Chính quyền vào cuộc

“UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm và huyện Nam Trà My có biện pháp bảo vệ khu vực sâm giống và vùng trồng sâm thành phẩm. Bây giờ giống sâm đang khó khăn nên phải bảo vệ an toàn cho vùng tạo giống. Giá sâm hiện nay đang rất cao, sâm rất quý nên phải đề phòng tình trạng trộm cắp. Chưa kể tác nhân gây hại khác là chuột ăn sâm. Nam Trà My hiện là địa phương trực tiếp tổ chức trồng, quản lý, khai thác thì phải có phương án bảo vệ. Phải phòng ngừa từ xa, tuyên truyền, giáo dục nhận thức của cộng đồng về ý thức tự bảo vệ, phát hiện tố giác những đối tượng khả nghi; tổ chức lực lượng tuần tra theo dõi thường xuyên”.(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Ngay sau khi xảy ra vụ mất trộm 500 gốc sâm, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra những diện tích sâm do người dân tự trồng và vườn sâm gốc của huyện. Theo ông Bửu, việc bảo vệ sâm không ai khác hơn là lực lượng tại chỗ, mà chủ thể chính là những hộ trồng sâm phải có trách nhiệm với tài sản của mình. “Chúng tôi đã vào cuộc tuyên truyền cho các hộ trồng sâm phải đảm bảo có người canh gác tại vườn 24/24 giờ. Đặc biệt, hướng dẫn người dân tập hợp thành những nhóm hộ để thay nhau canh gác; các chốt giữ vườn sâm phải đoàn kết với nhau. Khi có người lạ vào vùng sâm lập tức thông báo cho chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng đã cử lực lượng công an huyện triển khai bảo vệ vòng ngoài cho vùng sâm. Đồng thời hướng dẫn cho người dân lắp đặt camera quan sát và các thiết bị chống trộm hiện đại trong vườn để bảo vệ sâm an toàn” - ông Bửu nói. Riêng với nạn chuột phá hoại, huyện Nam Trà My hướng dẫn người dân dùng tôn hoặc tấm ny lon bọc quanh các luống nhằm ngăn không cho chuột chui vào. Các hộ dân cũng dùng nhiều bẫy tự chế để diệt chuột khá hiệu quả.

Theo đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020, trên địa bàn 7 xã vùng cao ở huyện Nam Trà My sẽ có 17.000ha đất dưới tán rừng già được dành để trồng sâm. Bình quân mỗi héc ta vườn sâm qua 5 năm đầu tư trồng và chăm sóc có thể thu về hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, do việc quản lý, bảo vệ chưa nghiêm ngặt nên sâm bị mất gây khan hiếm nguồn hạt giống để mở rộng diện tích trồng. Hiện chính quyền Nam Trà My mở rộng diện tích vườn sâm gốc Tăk Ngo lên 100ha, đồng thời xây dựng Trung tâm Bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh tại đây. Cùng với đó là việc xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trồng mới 500ha; vận động bà con thành lập các tổ, nhóm hộ vay vốn đầu tư trồng mới khoảng 350ha, để nâng tổng diện tích trồng sâm tại đây lên hơn 1.500ha. Địa phương cũng đang xây dựng, vận động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện, thông tin liên lạc, giải quyết đầu ra cho sâm Ngọc Linh. Vì vậy việc tăng cường công tác bảo vệ bằng những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo cho cây sâm sinh trưởng tốt là yêu cầu cấp thiết và lâu dài cần được chính quyền và người trồng sâm quan tâm thực hiện.

HOÀNG THỌ

HOÀNG THỌ