Nỗ lực đẩy lùi sốt rét

TUỆ LÂM - QUỲNH TRÂN 25/04/2017 09:21

Từng là một trong những tỉnh duy trì tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét cao trong cả nước, nhưng đến nay, dịch bệnh này ở Quảng Nam đã giảm mạnh và cơ bản được khống chế.

Cơ quan chức năng tổ chức đợt lấy máu xét nghiệm, khám và cấp phát thuốc dự phòng để kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh sốt rét ở miền núi. Ảnh: N.D
Cơ quan chức năng tổ chức đợt lấy máu xét nghiệm, khám và cấp phát thuốc dự phòng để kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh sốt rét ở miền núi. Ảnh: N.D

Nỗ lực khống chế

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh, năm 2016 toàn tỉnh có 146 ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét, tuy có giảm so với năm 2015 (có 170 ca) nhưng không đáng kể. Dù đáng mừng là bệnh không gây bùng phát dịch và không có trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét ác tính dẫn đến tử vong, tuy nhiên tỷ lệ giảm số ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét quá thấp cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh cho biết, đa số ca bệnh sốt rét chủ yếu ở các huyện miền núi, do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp cho loại ký sinh trùng này phát triển. Chính vì vậy, trung tâm luôn ưu tiên tập trung tuyên truyền và đẩy mạnh công tác phòng chống ở khu vực này.

Ông Võ Trung Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh chia sẻ, để khống chế bệnh sốt rét, hàng năm trung tâm luôn tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống ở mạng lưới chuyên khoa từ tuyến tỉnh đến cơ sở một cách chặt chẽ, có hiệu quả nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, ở các huyện miền núi cao như Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang,… luôn được trung tâm thường xuyên tổ chức xét nghiệm máu và test chẩn đoán nhanh để kịp thời phát hiện ca nhiễm ký sinh trùng, điều trị bệnh sốt rét cho người dân. Cũng nhờ những nỗ lực đó mà trong quý I năm 2017 cả tỉnh chỉ có 14 ca sốt rét, trong đó riêng tại xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) xuất hiện 10 ca, số ca khác nằm rải rác ở các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang. Tất cả trường hợp mắc bệnh sốt rét đều được điều trị dứt điểm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Mới đây, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh tổ chức đợt lấy máu xét nghiệm, khám và cấp phát thuốc dự phòng để kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh sốt rét tại xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My. Ông Nguyễn Văn Bức - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Ka cho hay, lâu nay để vận động bà con tham gia xét nghiệm máu phát hiện bệnh sốt rét, trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ thôn tăng cường công tác truyền thông lồng ghép tại những buổi họp thôn, sử dụng băng rôn tuyên truyền treo ở khu dân cư, nơi thường tập trung đông người dân. “Nhờ công tác tuyên truyền, người dân Trà Ka đã thay đổi được nhận thức về bệnh sốt rét, biết được sự nguy hiểm của bệnh nên khi nghe cán bộ y tế thôn thông báo có đợt xét nghiệm thì hầu hết đều đến tham gia. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống bệnh sốt rét cho người dân miền núi như xã Trà Ka” - ông Bức nói.

Có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 1 xã Trà Ka từ sáng sớm, chị Đinh Thị Bông cho biết, khi nghe thôn thông báo, chị quyết định nghỉ buổi lên rẫy để đưa hai đứa con nhỏ cùng đi xét nghiệm máu, được khám bệnh và nhận thuốc dự phòng. Chị Bông nói: “Mình hay đi làm rẫy nên sợ bị bệnh sốt rét lắm. Nhiều khi khát quá, uống nước suối chứ không nấu sôi nên cũng sợ. Lần nào nghe cán bộ thôn thông báo có đoàn bác sĩ lên khám và xét nghiệm máu để phát hiện bệnh sốt rét là mình đưa con tới làm xét nghiệm xem có mắc bệnh không mà chữa”. Còn anh Hồ Ráu (SN 1981) thì cho hay, lần này đến là để bác sĩ tái khám xem tình hình bệnh đã bớt hay chưa. “Lần trước xét nghiệm, bác sĩ bảo mình bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét; sau đó được cấp phát thuốc uống đầy đủ. Bây giờ xét nghiệm lại, bác sĩ bảo mình đã khỏi bệnh. Mừng lắm, từ nay có thể yên tâm đi làm lại rồi!”.

Sâu sát cơ sở

Ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức các đợt xét nghiệm và khám chữa bệnh cho người dân, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh còn tiến hành cấp phát cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy 2.000 võng và bọc võng có tẩm hóa chất diệt muỗi tại một số huyện miền núi của tỉnh. Đây là nguồn từ dự án do Quỹ Toàn cầu PCSR tài trợ. Mặt khác, trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chẩn đoán điều trị sốt rét cho tuyến huyện và tuyến xã nhằm duy trì những thành quả đã đạt được và hướng tới mục tiêu phấn đấu loại trừ sốt rét bền vững trên địa bàn tỉnh. Như tại Phước Sơn đặt ra mục tiêu trong năm 2017 không để xảy ra dịch bệnh sốt rét trên địa bàn huyện. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành y tế huyện đã lên kế hoạch tổ chức 235 lượt điều tra dịch tễ phòng chống bệnh sốt rét, thu 7.000 lam máu xét nghiệm; triển khai cho 1.829 hộ dân với 7.545 nhân khẩu được nằm màn tẩm hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt rét. “Mới đây Trung tâm Y tế huyện cũng đã  phối hợp với Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh tổ chức tư vấn phòng chống sốt rét, khám bệnh và cấp phát thuốc cho hơn 1.000 người dân; đồng thời thu thập 600 lam máu để xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét tại các xã Phước Chánh và Phước Công” - ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh còn cho biết, đối với những vùng núi cao hay khu vực biên giới, nơi dễ xảy ra dịch sốt rét, trung tâm thường xuyên đến tận nơi để kiểm tra sự xuất hiện của ký sinh trùng sốt rét, qua đó nếu phát hiện sẽ kịp thời triển khai phòng chống. Đối với các địa phương có số ca sốt rét cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, mỗi năm trung tâm triển khai 2 lần phun thuốc để diệt trừ muỗi truyền bệnh sốt rét. Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay đẩy lùi sốt rét.

TUỆ LÂM - QUỲNH TRÂN

TUỆ LÂM - QUỲNH TRÂN