Xây dựng văn hóa đọc: Hành trình dài từ những chuyện nhỏ
LTS: Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kích thích văn hóa đọc, đầu tư nhiều không gian đọc ở các thiết chế văn hóa. Song, vẫn cần những “kịch bản” dài hơi hơn, để những không gian này thu hút được người đọc. Trong khi đó, ở những góc riêng, nhiều “hiệp sĩ của văn hóa đọc” cũng đang miệt mài lan tỏa niềm say mê, tình yêu với sách, bằng cách xây đắp những không gian đọc miễn phí cho cộng đồng. Xây dựng văn hóa đọc cần thời gian lâu dài, sự nỗ lực của nhiều tổ chức, và cả ý thức tự thân của người dân. Nhân Ngày sách Việt Nam (21.4), Quảng Nam Cuối tuần thực hiện chuyên đề về vấn đề này.
GIAN NAN XÂY DỰNG VĂN HÓA ĐỌC
Trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa thể thao (VHTT) cấp xã, phường hay thậm chí là các bưu điện văn hóa xã… đều là những thiết chế văn hóa có thể tạo dựng không gian đọc công cộng - nơi mọi người dân đều có quyền tới đọc, mượn sách và truy cập thông tin miễn phí. Thế nhưng sau một thời gian rầm rộ, những nơi này đều trở nên… vắng vẻ.
Vắng vẻ, cửa khóa, cũ kỹ... là tình trạng thường gặp ở các tủ sách đặt tại những thiết chế văn hóa cộng đồng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) Tam Hòa (Núi Thành) đóng cửa hơn một năm nay. Lý do đưa ra, vì không tìm được nhân viên trực, nên dù cơ sở vật chất vẫn còn khang trang, nhưng phải khóa trái cửa. Mật độ “có người” ở các BĐVHX cũng tùy thuộc vào từng sự kiện của địa phương, những ngày bình thường xem ra rất khó để tìm được “độc giả” tại khu vực đọc sách công cộng. Cũng như vậy, các điểm sinh hoạt từ nhà văn hóa thôn, trung tâm học tập cộng đồng hay trung tâm VHTT cấp xã, phường… đều có tủ sách công cộng được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án… Nhưng hầu hết đều chung một trạng thái với điểm đọc ở BĐVHX: vắng vẻ. Có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng và trầy trật này, từ cả yếu tố khách quan lẫn gian nan do chính người trong cuộc nhìn nhận. Chị Ngô Hải Âu - nhân viên BĐVHX Duy Sơn (Duy Xuyên) cho biết, có quá nhiều phương tiện công nghệ chi phối sự quan tâm của người dân dành cho các ấn phẩm bằng giấy. Lượt người dân đến mượn sách báo về nhà mỗi ngày mỗi giảm, chưa kể việc họ không có thời gian để đến tại điểm BĐVHX mà ngồi đọc. Riêng đối với câu chuyện thu nhập của nhân viên BĐVHX, khoảng hai năm trở lại đây, khi Bưu điện tỉnh làm thêm nhiều việc, từ mua bán bảo hiểm y tế, nhận chuyển giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, chuyển tiền hàng, bưu kiện, chi trả trợ cấp xã hội, cấp phát lương hưu… thì thu nhập của nhân viên bưu điện mới bắt đầu ổn hơn. Trong khi đó, khoản hỗ trợ kinh phí cho việc phục vụ công ích, chủ yếu là hoạt động liên quan đến việc đọc của cộng đồng, lại bị cắt giảm từ cuối năm 2015.
Tháng 5.2014, phát triển từ đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX phục vụ xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2012 - 2015, đề án Phát triển hệ thống điểm BĐVHX đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, với mục tiêu đưa các điểm BĐVHX trở thành một nơi để nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi. Từ trang bị bàn ghế đọc sách, tủ sách nhằm xây dựng các thư viện nhỏ, đảm bảo nguồn sách được luân chuyển cũng như tăng số lượt người tìm đến đọc sách báo tại các điểm BĐVHX… là những định hướng cụ thể mà đề án này hướng tới. Với tổng kinh phí được duyệt lên đến gần 21 tỷ đồng, đề án được kỳ vọng sẽ vực dậy một thời “hoàng kim” của các BĐVHX, cũng là mục tiêu để kích thích văn hóa đọc trong cộng đồng. Cho đến cuối năm 2016, thông tin từ Bưu điện tỉnh đưa ra, có 94 điểm trong tổng số 143 điểm BĐVHX được thụ hưởng từ đề án này, bao gồm việc tiếp nhận hơn 5,1 nghìn đầu sách và hơn 29 nghìn ấn phẩm báo chí các loại, trang bị 288 máy tính/bàn ghế máy tính, 44 bộ bàn ghế và tủ sách… Tuy vậy, lượt người tìm đến truy cập thông tin, bao gồm cả việc đọc sách, ấn phẩm báo chí và sử dụng Internet tại các điểm BĐVHX này, vẫn ít ỏi. Chị T.T.H. nhân viên bưu cục khu vực III tại thị xã Điện Bàn cho biết, có khi cả ngày không có ai tìm đến BĐVHX.
2. Không chỉ có các điểm BĐVHX, các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở vẫn ngậm ngùi cảnh trống vắng. Liệu rằng đã đến lúc nhìn lại kịch bản đầu tư cho các thiết chế, ưu ái hạ tầng to cao bề thế, hay chọn hướng đi phù hợp từ câu chuyện khảo sát nhu cầu của người địa phương? Chỉ riêng ở câu chuyện về kích hoạt văn hóa đọc cho người dân nông thôn, đã có rất nhiều ý kiến khác biệt. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - cho biết, các thiết chế thư viện cấp xã, huyện hay thậm chí ngay cả hoạt động của những trung tâm VHTT cấp xã phường, vẫn còn chưa thực sự gần với nhu cầu người dân nông thôn. “Thực sự thì lâu nay, các thiết chế của chúng ta chưa phải là mô hình gần gũi với người dân” - ông Cường nói. Trong khi đó, đọc sách là sở thích cá nhân của mỗi người, nhưng nếu không được khuyến khích, không có cơ hội tiếp cận, người ta sẽ không ý thức được nhu cầu đọc - một trong những kỹ năng quyết định hình thành khả năng tư duy và phát triển trí tuệ con người, một kênh quan trọng để cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết. Hơn nữa, không thể nhìn vào văn hóa đọc của người thành thị để nhận diện áp đặt nhu cầu đọc sách của người ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em độ tuổi đến trường.
“Để đời sống người dân nông thôn thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, rất cần đến sách, báo để nâng cao tri thức và thay đổi nhận thức. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trẻ em nghèo nông thôn hiếu học có nhu cầu tiếp cận sách báo…” - Nguyễn Quang Thạch - chàng trai của dự án “sách hóa nông thôn” - chia sẻ. Trong lần về Quảng Nam hồi đầu năm 2015, với 4 tủ sách đặt tại 4 khu vực nông thôn, mỗi tủ hơn 50 đầu sách, Nguyễn Quang Thạch đã chia sẻ cảm hứng về dự án “sách hóa nông thôn Việt Nam” cho rất nhiều bạn đọc theo chân dự án của anh từ năm 2007. Với hơn 10 năm, chương trình thành lập được hơn 9.000 thư viện trên khắp các vùng nông thôn của Việt Nam với số tiền quỹ ít ỏi và dựa trên việc quyên góp sách. Không chỉ mang sách về nông thôn, Nguyễn Quang Thạch còn mang cả tình yêu sách đến với những gia đình nông dân trước đó còn xa lạ với sách. Quá trình vận động chính sách ở các cấp tưởng như đã thành công nhưng “cuộc cách mạng thư viện từ trong ngành giáo dục” mà anh ấp ủ bao lâu nay vẫn còn quá chông gai. “Hàng chục nghìn người nông dân đã góp mỗi người 50.000 đồng/năm để xây dựng hàng nghìn tủ sách cho con cái họ. Bám trụ nông thôn vì sự đọc của con trẻ tôi thấy người nông dân đã quyết liệt thay đổi, lẽ nào ngành giáo dục lại không?” - anh nói. Và từ cái “quyền đọc sách cho trẻ em nông thôn”, đã có một Nguyễn Quang Thạch quyết liệt với từng bước chân trên mỗi vùng quê xứ anh ngang qua.
Ngẫm câu chuyện của Nguyễn Quang Thạch, tự nghĩ làm sao để những người có trách nhiệm đừng bỏ ngỏ với câu chuyện kích hoạt văn hóa đọc cho vùng nông thôn.
NHỮNG KHÔNG GIAN ĐẶC BIỆT
Một “Thi hữu quán” của Trần Phước Ninh, hay những kệ gỗ đầy chật sách thiếu nhi lẫn ngoại văn của cô gái Vương Thị Dung, những “thư viện xanh” ở vài trường trung học nơi các huyện miền núi, một chốn đọc cho trẻ em làng biển Tam Thanh hoặc một “Không gian đọc Hội An”..., tất cả vẫn đang bền bỉ lan tỏa niềm đam mê đọc sách…
Thiếu nhi làng bích họa Trung Thanh thích thú với những cuốn sách ở tủ sách miễn phí đặt tại làng. Ảnh: Đ.D |
Và chúng tôi cứ mải mê nhìn trẻ con háo hức tìm đến những không gian đặc biệt này, mà đôi hồi quên rằng, nếu không có những tấm lòng chân thành của người mê sách, thì khung cảnh này, ắt hẳn sẽ lắm hoang vu. Vì phần lớn, nơi “tọa lạc” những “chốn đọc” này, trừ Không gian đọc Hội An, còn lại, là ở những vùng quê nghèo khó – nơi cha mẹ các em phần đông là nông dân, ngư dân. Và hẳn, một cuốn sách ngoài bộ sách giáo khoa, là điều rất khó để phụ huynh chăm chút cho con em mình. Vẫn còn nhớ những lời kêu gọi của Vương Thị Dung trên trang cá nhân của mình, rằng em cần vài cuốn sách như thế này, cần một kệ gỗ để chứa sách… thì chỉ vài phút sau, đã có nhiều “mạnh thường quân” - hẳn cũng là những người yêu sách, nhắn với em sẽ tìm cách gửi đến nhanh nhất. Dung hẳn không còn mấy xa lạ với người khắp nơi, vì một cô gái bỗng dưng ngày nọ trở nên tật nguyền, vẫn không đầu hàng số phận, vẫn vươn lên - bước đi tiếp, không phải bằng những bước chân trên đường, mà bằng những bước đi từ sự bồi đắp tình yêu sách vở, chữ nghĩa, cho trẻ con làng biển Bình Minh (Thăng Bình). Những kệ sách của Dung, luôn luôn là một thế giới đầy ắp điều thú vị, với những đứa trẻ ở biển. Và những cuốn sách ấy, hẳn đang có một đời sống đặc biệt, khi mỗi ngày, được chạm đến bởi những đôi mắt háo hức. Mỗi ngày, cô chủ nhỏ của những ngăn sách – được đắp đầy bằng lòng yêu quý của mọi người, từ những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, cả những người bạn ngoại quốc, hay từ phía những bạn bè yêu sách khắp nơi, vẫn cùng trẻ con làng mình “đi khắp thế gian” qua những trang sách.
Từ làng biển Bình Minh, nơi những háo hức với sách vở của trẻ con chưa bao giờ vơi cạn, thì lại thêm một người mê sách đặc biệt, với những câu chuyện đặc biệt, đã làm nên một không gian đọc miễn phí cho mọi người ở bên bờ Thu Bồn. Thư viện của Trần Phước Ninh (Nam Phước, Duy Xuyên) mở cửa thường xuyên cho bạn đọc, đã hơn mấy năm rồi. Với cái tên “Thi hữu quán” – nơi ban đầu là chốn gặp gỡ của những bạn thơ, bây giờ, lại thêm chức năng “thư quán” - nơi những người yêu sách có thể hàn huyên. Ninh còn làm hẳn thẻ thư viện cho bạn đọc mang về, vài hôm sau lại đem trả. Từ quản thư, chọn lọc sách, phân loại đến làm thẻ, đánh dấu, chuyển đổi sách đều một tay anh làm. Từ khoảng 100 đầu sách, nay thư viện miễn phí của Ninh đã tăng lên hơn 7.000 đầu sách nhiều thể loại. Đó gần như là một thư viện tổng hợp, với rất nhiều những kiện sách ở khắp nơi chuyển đến để tài trợ. Bây giờ, mỗi mùa hè về, thư viện miễn phí này ngày một đông. Người đến tặng sách, kẻ đến đọc sách, mượn về. Từ trẻ con, người lớn, đến những bậc cao tuổi. Hình như, ở cái chốn này, người ta chỉ nói với nhau về điều mà mình đọc được ở những cuốn sách, hay đôi khi, là cảm nhận về tinh thần sống tích cực, mà Ninh là người truyền đi.
Cả ở những vùng tưởng như đang mải mê với chuyện phát triển, vẫn có những “khoảng lặng”, để người ta tìm thấy dư âm đọng lại sau tất cả những gì họ đã trải nghiệm. Những chốn yên tĩnh chỉ có sách và người đọc, nép trong một khuôn viên xanh lá - như Không gian đọc Hội An đang chọn, vào mỗi Chủ nhật hàng tuần. Hay đôi khi, chỉ cần những tủ sách được đặt đúng cái nơi mà trẻ con, người lớn có thể nhìn thấy, có thể mở cửa ra và chọn cho mình những ấn phẩm yêu thích, cũng đã tạo nên một “không gian đọc”. Sự đọc mà, đâu cần phải rầm rộ, phải cầm cuốn sách ở một chỗ thật đông người. Chỉ cần tạo nên một không gian mở, để ai cũng có thể đến, truyền với nhau về những cuốn sách - như cái cách mà những tủ sách ở làng chài Trung Thanh (Tam Thanh, Tam Kỳ) đang có, đã là một dấu nhấn cho vùng đất đang tìm cơ hội chuyển mình bằng du lịch. Ông Đỗ Đình Đồng - Trưởng thôn Trung Thanh - nói tủ sách miễn phí dành cho trẻ em được đặt tại làng bích họa Trung Thanh là do chị Nguyễn Thị Linh Nga cùng anh Nguyễn Hoàng Gia (Đà Nẵng) quyên góp và xây dựng nhằm giúp các em có sách để tự đọc, giữ, trao đổi sách một cách tự giác, chủ động. Và sau gần 6 tháng, tủ sách ngày một thêm đầy, vì những bạn trẻ du lịch đến đây, đã tự động góp thêm sách cho trẻ con, người lớn làng chài, vì họ nhìn ra những ánh mắt tươi vui của trẻ con làng biển khi cầm trên tay những quyển sách còn thơm mùi giấy mới.
Những không gian đọc - với diện tích còn rất nhỏ như vậy, nhưng là những tia nắng vui, để dần dần lan tỏa nên một ngày ấm - một ngày mà người dân không còn thờ ơ với câu chuyện đọc sách. Và những tín hiệu vui về việc kích thích văn hóa đọc, vẫn đang nhen lên từng ngày, bằng rất nhiều nỗ lực của mọi người…
TỪ CHUYẾN XE LƯU ĐỘNG...
Một chuyến xe ăm ắp sách, trang bị cả đến bàn ghế ngồi, và có thể di chuyển đến bất cứ vùng miền nào - tưởng như chuyện ở nước ngoài. Thế nhưng, trẻ con, người lớn xứ Quảng đã có thể trải nghiệm cảm giác ngồi đọc sách, truy cập thông tin từ mô hình này. Những chuyến xe thư viện lưu động Quảng Nam, đang trên hành trình đưa văn hóa đọc đến mọi miền...
Các bạn nhỏ háo hức với chuyến xe thư viện lưu động. Ảnh: S.A |
Ông La Đình Nghĩa - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh - nói, những yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và cung cấp thông tin của người dân trong tỉnh ngày càng cao, trong khi đó vốn tài liệu, phương tiện phục vụ của hệ thống thư viện các địa phương, cơ sở còn nhiều khó khăn. “Để ngày càng nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu được nghiên cứu, thông tin, giải trí của nhân dân, việc trang bị ô tô thư viện lưu động nhằm đa dạng phương thức phục vụ, khai thác hiệu quả vốn sách báo của hệ thống thư viện công cộng và đưa công nghệ thông tin đến gần với người dân hơn là rất cần thiết. Thư viện tỉnh Quảng Nam là một trong 5 thư viện cấp tỉnh trong cả nước được trang bị ô tô thư viện lưu động đa phương tiện mang tên “Ánh sáng tri thức” do Tập đoàn Vingroup tài trợ nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin, tri thức phục vụ cộng đồng vùng sâu, vùng xa” - ông Nghĩa cho biết. Với kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng cùng với sự tài trợ máy tính, thiết bị phục vụ người khiếm thị và hỗ trợ phần mềm, trên mỗi xe thư viện lưu động được trang bị hơn 4.000 bản sách, 10 máy tính, 1 máy chủ, 1 máy chiếu, ti vi, tài liệu điện tử, sách nói, thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Cũng theo ông Nghĩa, việc đưa xe thư viện lưu động đa phương tiện vào hoạt động sẽ giúp Thư viện tỉnh chủ động triển khai các hoạt động khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với thông tin, sách báo gần hơn, nhanh hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thành thị và nông thôn.
Và những đứa trẻ ở vùng ven biển TP.Tam Kỳ may mắn khi là nơi đầu tiên được chọn để khởi động cho những chuyến xe tri thức. Dưới những tán bàng xanh, các em ngồi say mê đọc sách. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ - nói, trong câu chuyện giáo dục của thành phố, bao giờ cũng đề cao việc kích thích các em đọc sách và yêu sách. Những hệ thống thư viện với các đầu sách được luân chuyển và trao đổi hằng tháng giữa các thư viện, cũng như sự hỗ trợ giữa Thư viện tỉnh đến hệ thống các thư viện trường, đã luôn luôn giúp các em không bị thiếu sách để đọc. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thì nói, cần làm sao để khắp nơi phải có sách. “Có sách cả nơi chưa cần có, nhất là các vùng ngoại vi. Thư viện tỉnh, huyện đã đành, càng cần có sách tại nhà văn hóa làng bản, trường học, gia đình nơi vùng sâu miền xa...” - ông Cường nói. Và câu chuyện, đâu là nơi gợi hứng tốt nhất cho thú vui đọc, được những người có trách nhiệm với câu chuyện kích thích văn hóa đọc ở Quảng Nam, bàn luận. Rồi cuối cùng, nhiều người đồng quan điểm khi cho rằng, chính nhà trường, chứ không đâu khác, là nơi gợi hứng thú, gợi mở sự tìm tòi, sáng tạo… bằng cách đọc sách. Những chuyến xe thư viện lưu động của tỉnh, theo kế hoạch, sẽ dành sự ưu ái cho những không gian trường học ở các vùng ven thành phố, vùng cao, vùng sâu vùng xa.
Mỗi năm, gần như khi đến Ngày sách Việt Nam 21.4, câu chuyện về xây dựng những thói quen đọc sách lại được xới lên. Ông Trần Anh Khôi, tác giả của sáng kiến “Quỹ tặng sách” nói, để có văn hóa đọc phải làm rất nhiều việc, từ chính sách vĩ mô đến tạo lập thói quen làm việc với sách của từng cá nhân. Và khuyến khích mỗi người hãy “thao tác” với sách nhiều hơn, bất kể đó là đọc, là mua, là tặng, là nhận xét... cũng dần dần hình thành nên thói quen, hay lớn hơn, là tình yêu với sách. “Có rất nhiều việc mà từng cá nhân có thể làm để từ đó dần hình thành thói quen đọc sách cho cả thế hệ” - ông Khôi nói. Xây dựng thói quen đọc, cũng như gieo một hạt mầm, phải cần thời gian, và phải đi từ những thao tác nhỏ nhất. Cũng có thể khởi đi từ một chuyến xe đầy ắp sách, từ một hình ảnh trẻ con ríu rít vây quanh thư viện lưu động, mà kích thích nên những điều lớn lao hơn… Dĩ nhiên, đó là một hành trình dài gom góp từ những câu chuyện nhỏ…
Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN