Xanh thắm Ta Ri

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN 22/04/2017 08:24

Từ làng Ta Ri (xã Lăng, huyện Tây Giang), ngước nhìn lên đỉnh núi Đh’lôm, nơi lưu dấu thời làng cũ, chỉ một màu xanh mê mải của rừng già. Sống với rừng, cư dân của làng xem màu xanh ấy như một thứ tín ngưỡng thiêng liêng, bảo bọc cho cả cộng đồng làng đi hết thời gian khó…

Làng Ta Ri yên bình nằm giữa bạt ngàn màu xanh của núi.Ảnh: C.N
Làng Ta Ri yên bình nằm giữa bạt ngàn màu xanh của núi.Ảnh: C.N

Bên “mẹ rừng”

Chúng tôi còn nhớ, lần đầu nghe tên, Ta Ri còn là “biểu tượng” cho những xa ngái khắc khổ của xã Lăng ngày ấy. Như một cánh rẫy lạc loài, cư dân của làng sống giữa bộn bề gian khó. Đói ăn, thiếu mặc, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi theo dặm dài lo toan. Biệt lập so với các làng khác, nên nỗi nhọc nhằn cứ bám víu lấy từng căn bếp, từng mái nhà, mặc cho phía trung tâm xã đang từng ngày đổi khác. Khi cư dân các làng Pơr’ning, Nal... lần lượt dựng gươl, về làng mới, thì người Ta Ri còn phải chen chúc nhau trong những căn nhà nhỏ chật chội, tách biệt. Đi hết làng, phải mất gần nửa giờ đồng hồ. Già làng Ta Ri, ông Clâu Nứch vẫn nhớ như in bao bận băng rừng, cắt suối, chỉ để… đi dự họp ở trung tâm xã. Không có đường, chuyện học hành của con cháu nhiều lúc phải dở dang theo mùa nước lũ. “Nghĩ lại, cái gì cũng thiếu, cũng khổ. Nhà cửa toàn tạm bợ, nhiều người còn chưa biết đến ánh điện. Cứ mỗi lần có việc phải ra khỏi làng, là mất cả ngày đường. Khó khăn quá, không ai dám nghĩ sẽ có một làng Ta Ri như bây giờ” - già Nứch bộc bạch.

Ám ảnh về gian khổ vẫn chưa phai trong trí nhớ của những người từng đặt chân đến làng Ta Ri ngày trước. Thế nên, khi trở lại, bây giờ chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước một Ta Ri quá nhiều đổi khác. Con đường bê tông vắt qua từng ngọn đồi, len lỏi vào tận ngõ nhà. Không còn những mái lá tạm bợ, xiêu vẹo theo mưa nắng. Cả làng dời về mặt bằng mới, rộng rãi, sạch đẹp hơn hẳn từ gần 10 năm nay. Phó Chủ tịch UBND xã Lăng - Nguyễn Khoa Vẽ dẫn chúng tôi đi quanh làng, kể về hành trình “tái lập” Ta Ri. Từ chủ trương của huyện, một mặt bằng được đầu tư, sẵn sàng cho bà con về làng mới. Từng tộc họ bốc thăm chọn đất, sinh hoạt theo cụm nhà. Gươl mới được dựng lại, như thủ tục cuối cùng để xác lập tên làng. Cùng với mặt bằng mới, điện, đường, trường lớp được đưa về tận thôn. Như một cuộc tái sinh, Ta Ri rũ bỏ ngột ngạt nghèo khó, tự thay đổi diện mạo của chính mình. Duy chỉ có một điều không đổi khác, là màu xanh, của “mẹ rừng”. Chỉ cần ngước nhìn lên, là thấy rừng, sừng sững mảng màu nguyên sinh.

Với rừng, không chỉ là tình yêu, dân làng Ta Ri còn tôn thờ như một tín ngưỡng. Họ sống trong sự bảo bọc của “mẹ rừng”, trong màu xanh vây quanh ngôi làng nhỏ dưới thung lũng R’viêng. Già làng Clâu Nứch nói với chúng tôi, rằng không có rừng thì không có Ta Ri. Bao thế hệ từ ngày mở đất lập làng, đã sống bằng tình yêu và lòng tôn thờ ấy. Rừng đã cho họ từng sợi mây, từng ngọn măng, giữ nguồn nước cho sự sinh tồn của cả làng. Vì thế, họ không phá rừng. Những cánh rẫy là “tài sản” mà cha ông đời trước đã khai phá, đủ để nuôi sống dân làng. Ngay cả khi dựng gươl, già làng cũng chỉ yêu cầu lấy một ít gỗ mới thay cho phần mục ruỗng, hư hỏng khi di dời. “Làng Cơ Tu, dù ở đâu, cũng sống dựa vào rừng. Đó là tục. Từ cái ăn, từ mái nhà để ở, tất cả đều từ rừng. Thế hệ cha ông chúng tôi, đến cháu con bây giờ vẫn tin vào điều đó” - già Nứch nói chắc nịch. Khi chúng tôi hiện diện ở làng, giữa gươl, trùng hợp cũng là lúc bà con đang được tập huấn về sản xuất gắn với bảo vệ rừng, do một dự án phi chính phủ tài trợ. Thông tin từ vị phó chủ tịch xã đi cùng, một trăm phần trăm cư dân ở Ta Ri được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Như một sự đền đáp xứng đáng cho cư dân Ta Ri, rừng bây giờ còn mang lại thêm nhiều sinh kế bền vững. Cuộc sống bây giờ, nhờ đó, yên ấm hơn nhiều so với trước. Vang lên giữa rừng già, là những thanh âm trong trẻo của cuộc sống mới, dù vẫn còn ít nhiều gian khó…

Sống khác

Về làng mới, như một dấu mốc khởi đầu cho sự đổi thay. Không chỉ ở vẻ bề ngoài, ngay cả nếp sống cũng bắt đầu dịch chuyển. Sống gần nhau, lại phân chia từng cụm nhà theo tộc họ, không chỉ giúp hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất và đời sống, mà còn gắn kết tình cảm cộng đồng làng. Riêng trường học, được đặt ở phần đất nằm phía cuối làng, nơi yên tĩnh nhất. Trưởng thôn Ta Ri, bà Bh’ling Thị Nhoom kể lại, ngày trước, do thiếu điểm trường, các em phải học tạm ở gươl. Khi dời về làng mới, bà con thống nhất dành khoảnh đất rộng để dựng trường, đảm bảo chuyện học hành cho các em. “Về làng mới, cuộc sống khác trước nhiều lắm. Đầy đủ hơn, vui vẻ hơn. Nhưng cái khác nhiều nhất, là ở tư duy làm ăn của đồng bào” - bà Nhoom hồ hởi.

Tiệm tạp hóa của vợ chồng anh Acha đủ cung ứng hàng hóa thực phẩm cho cả làng mà giá cả lại rất rẻ.Ảnh: C.N
Tiệm tạp hóa của vợ chồng anh Acha đủ cung ứng hàng hóa thực phẩm cho cả làng mà giá cả lại rất rẻ.Ảnh: C.N

Chúng tôi theo lời giới thiệu của trưởng thôn, tìm đến nhà vợ chồng Bh’nướch Acha. Anh là người xã Zuôih (Nam Giang) sang đây định cư nơi quê vợ. Với người Cơ Tu, trước đây, hiếm người đàn ông “ở rể”, dù chỉ là dựng nhà ở làng của vợ. Nhưng với Acha thì lại khác. Anh chọn nơi này là để tiện cho nghề… kinh doanh. “Ngày xưa, khi nhận thấy thổ cẩm ở đây khá nhiều, mình bàn với vợ mua lại của bà con, rồi gùi sang tận Zuôih để bán. Vốn liếng tích lũy dần dần từ những chuyến đi đó, mình lại đầu tư mua hàng hóa, mở tiệm tạp hóa phục vụ bà con” - anh Acha kể lại.

Hành trình lập nghiệp  của vợ chồng Acha, như một câu chuyện cổ tích, từ làng. Ngày đầu, anh băng bộ ra trung tâm xã, để mang từng gùi hàng một về bán ở làng. Khi đường ô tô được mở, anh một mình lặn lội về xuôi đi tìm đại lý cung ứng hàng. Nhờ những chuyến xe ngược núi, Acha mua được hàng từ tận gốc, giá bán cho bà con cũng rẻ hơn nhiều so với trước. Vợ chồng anh còn thu mua tất cả lâm sản mà dân làng kiếm được như mây, đót, nấm, mật ong rừng… Đôi vợ chồng trẻ trở thành “cầu nối” giúp bà con biết cách sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống từ rừng thay vì tự cung tự cấp, hoặc phải bán sản phẩm cho tư thương với giá rẻ bèo. Trong tiệm tạp hóa của Acha, có đầy đủ hàng hóa từ nhu yếu phẩm đến nước giải khát và cả… bia. Khi thu nhập đã ổn định, vợ chồng Acha đầu tư trồng cao su, xem như của để dành cho con cái. Cũng ở vùng cao, chúng tôi không ít lần bị ám ảnh bởi câu chuyện những người đàn bà lầm lũi với ruộng nương, với cuộc sống chạy ăn từng bữa, khi chồng chìm đắm trong men say triền miên tháng ngày. Câu chuyện của Acha, của dân làng Ta Ri này, rất khác. Họ, đập tan thứ định kiến “đàn ông uống rượu, đàn bà làm rẫy”, xóa đi ám ảnh buồn khổ của hủ tục, như một thứ ánh sáng tươi mới, làm nên sinh khí cho ngôi làng nhỏ đầy màu xanh nơi này.

Ta Ri, ngôi làng của những ân tình. Người Ta Ri kể chúng tôi nghe câu chuyện cảm động về chị Zơrâm Thị Tình, một mảnh đời kém may mắn tại làng. Cách đây chừng vài năm, khi chồng của chị - một cư dân của làng - đột ngột qua đời. Từ ngày đó, dân làng Ta Ri góp nhau từng lon gạo, bó củi giúp gia đình vượt qua cơn khốn khó, như một cách bù đắp cho những mất mát của người phụ nữ nghèo. Cứ đến ngày mùa, bà con gọi nhau đi phát rẫy, tỉa lúa giúp chị. Nghĩa tình cứ thế dày thêm, theo nếp sống hồn hậu, chất phác của bà con dân bản.

Bóng gươl làng đổ dài theo ráng chiều đỏ rực phía tây. Khói bếp bắt đầu vương vất trên từng nóc nhà. Chúng tôi rời Ta Ri, ngoảnh nhìn lại, đã thấy lấp lánh những chấm sáng từ ánh điện hắt ra, phía làng. Ngay cả đêm, ở nơi này, cũng đã thôi không còn u tối…

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN

Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN