Mỹ và Úc siết chặt tuyển lao động nước ngoài

QUỐC HƯNG 20/04/2017 08:15

Đặt mục tiêu “đất nước lên trên hết”, Mỹ và Úc thực hiện kế hoạch siết chặt lao động nhập cư nước ngoài để ưu tiên việc làm cho lao động sở tại.

Ngày 18.4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình bằng sắc lệnh “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ”. Theo đó là các quy định khuyến khích người dân mua và tiêu thụ hàng hóa của Mỹ, trong đó sắc lệnh chỉ thị các cơ quan liên quan đảm bảo việc loại bỏ các nhà thầu nước ngoài dự thầu các dự án chính phủ. Đồng thời chương trình visa (H-1B) tuyển dụng sinh viên, lao động nước ngoài có tay nghề cao làm việc tại Mỹ nay được siết chặt hơn, thay vào đó là lao động Mỹ sẽ được tuyển dụng. Các quan chức Mỹ cho biết, việc thực thi lỏng lẻo và nhiều lỗ hổng pháp lý đồng nghĩa người lao động và các công ty Mỹ đã để mất việc làm và hoạt động kinh doanh vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Được biết, công dân Ấn Độ là nhóm có lượng người được cấp thị thực H-1B lớn nhất hàng năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ”. Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ”. Ảnh: CNN

Bên cạnh hạn chế chương trình cấp thị thực, những lao động nhập cư có tay nghề buộc phải trải qua quá trình xét duyệt visa có thể kéo dài nhiều tháng, thay vì 15 ngày trước đây theo tiến trình xúc tiến nhanh. Từ nhiều năm qua, visa H-1B cho phép các công ty Mỹ thuê mướn nhân công có trình độ sau đại học sang làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn, bao gồm công nghệ thông tin, y dược, kỹ sư và toán học. Mỗi năm, Mỹ cấp 65 nghìn visa H-1B, cộng thêm 20 nghìn visa cho những người sở hữu bằng cấp cao tại Mỹ. Loại visa này có thời hạn 3 năm nhưng có thể được gia hạn thêm 3 năm nữa. Chính sách siết chặt nhập cư khiến lượng đương đơn xin visa H-1B giảm xuống 199.000 đơn, từ 236.000 đơn năm 2016, theo Sở Di trú Mỹ.

Trong cuộc họp ngày 17.4 vừa qua, Thủ tướng Úc bất ngờ tuyên bố kế hoạch bãi bỏ visa 457 hiện hành thuê lao động tay nghề nước ngoài, bằng một visa làm việc tạm thời mới TSS (Temporary Skill Shortage) với các quy định chặt chẽ hơn. Nếu chương trình visa 457 hiện tại cho phép công nhân nước ngoài nộp đơn xin thường trú và trở thành công dân thì TSS bao gồm có hai loại thời hạn 2 năm và 4 năm. TSS yêu cầu người có visa phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong nghề, phải cung cấp lý lịch tư pháp và đa số các trường hợp bắt buộc phải có bài kiểm tra thị trường lao động. Cũng có nhiều tranh cãi rằng chương trình visa 457 bị lạm dụng khi các nhà tuyển dụng đưa công nhân vào Úc làm việc để trả lương giá rẻ chứ không phải vì Úc thiếu công nhân lành nghề.

Theo báo Úc, Thủ tướng Turnbull cho biết ông dành ưu tiên cho người Úc những công việc hiện tiếp nhận lao động nước ngoài. Thị thực tạm thời visa 457 sẽ được bãi bỏ và thay thế bằng thị thực TSS mới hoàn toàn vào tháng 3.2018. Theo thống kê của Bộ Di trú Úc, hiện có hơn 95.000 người ở Úc với visa 457. Tỷ lệ lao động nước ngoài đông nhất đến từ Ấn Độ, kế đến là Anh quốc và Trung Quốc. Việt Nam nằm trong danh sách 15 quốc gia có lao động đang ở Úc với visa làm việc 457. Tuy nhiên, kế hoạch mới của Úc nhận sự chỉ trích của các doanh nghiệp thuê lao động tay nghề nước ngoài. Đồng sáng lập của Công ty công nghệ Atlassian, ông Mike Cannon-Brookes cho biết, visa 457 là rất cần thiết cho ngành công nghệ, bất cứ điều gì khiến cho việc lấp đầy khoảng trống về tài năng trở nên khó khăn hơn đều là điều xấu đối với nước Úc.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG