Phân luồng học sinh sau THCS: Phù hợp với từng địa phương
Phân luồng học sinh sau THCS, bố trí nguồn kinh phí xây dựng bể bơi tại các trường học nhằm nâng cao chất lượng bậc học THPT cũng như nguồn nhân lực cho tương lai, rèn luyện kỹ năng bơi lội phòng chống đuối nước… là những vấn đề liên quan lĩnh vực giáo dục mà cử tri Quảng Nam quan tâm.
Những năm qua, công tác phân luồng giáo dục học sinh đã được quán triệt trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hệ thống văn bản các cấp, ngành về phân luồng học sinh đã được ban hành, việc phân luồng học sinh đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác phân luồng chưa hiệu quả, tỷ lệ học sinh sau THCS, THPT đi học nghề thấp, chưa phù hợp với nhu cầu lao động được đào tạo nghề trong xã hội. Nguyên do vì nhận thức của cha mẹ học sinh và xã hội về phân luồng học sinh còn hạn chế, tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề. Việc tổ chức công tác giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả, cơ chế, chính sách về thực hiện phân luồng học sinh còn bất cập, chậm đổi mới. Sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội vào công tác phân luồng còn rất hạn chế. Sức hấp dẫn của chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với năng lực hành nghề, trang thiết bị các trường đào tạo nghề thiếu đồng bộ, thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp. Thị trường lao động phát triển chưa lành mạnh, cơ hội việc làm cho những học sinh tốt nghiệp trung học vào học giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Việc phân luồng giáo dục sớm giúp học sinh định hướng nghề nghiệp hiệu quả. Ảnh: V.ANH |
Về việc phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên, trong năm 2016 Bộ GD-ĐT đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch cụ thể. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có cơ chế, giải pháp phù hợp phổ cập bơi cho học sinh. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi. Phối hợp giữa nhà trường - gia đình - chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có bể bơi tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ có chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường, trong đó có xây dựng bể bơi khi điều kiện ngân sách cho phép. |
Nghị quyết số 29/NQ/TW chỉ rõ: “Đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT”; “Đảm bảo học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau học phổ thông có chất lượng”. Để thực hiện nội dung này, Bộ GD-ĐT đang tiến hành nhiều giải pháp. Cụ thể: trên cơ sở Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân để góp phần phân luồng học sinh theo các hướng khác nhau phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia. Phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để chỉ đạo và thực hiện phân luồng, sử dụng học sinh ra trường phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và nhu cầu nhân lực của từng địa phương và cả nước; thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực xã hội; tăng cường phát triển thị trường lao động tạo đầu ra cho giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ sở giáo dục trung học thực hiện việc tư vấn nghề, thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề…
Được biết, góp ý dự thảo Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (khóa XXI) vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp phù hợp đối với việc phân luồng đào tạo, phấn đấu để ngày càng có nhiều học sinh (ít nhất 20%) sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.
TÂY BÌNH (tổng hợp)