Gắn bó với xã đảo

QUỐC TUẤN 19/04/2017 07:56

Gần 30 năm công tác tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), bác sĩ Phạm Văn Tuấn xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình và mong muốn gắn bó để tiếp tục công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. 

Bác sĩ Tuấn đang khám bệnh cho trẻ em ở xã đảo Tân Hiệp.
Bác sĩ Tuấn đang khám bệnh cho trẻ em ở xã đảo Tân Hiệp.

Năm nay 52 tuổi, quê gốc của bác sĩ Tuấn ở phường Tân An, TP.Hội An. Năm 1990, sau khi học ra trường bác sĩ Tuấn tình nguyện ra Cù Lao Chàm nhận nhiệm vụ. Bác sĩ Tuấn nhớ lại, ngày ấy trạm y tế trên đảo chỉ là mấy gian nhà ọp ẹp, trang thiết bị cực kỳ hạn chế chỉ với 4 nhân viên. Do quá thiếu thốn về điều kiện chữa trị cộng với nhân lực, năng lực có hạn nên trạm chỉ chữa được những ca bệnh thông thường và chủ yếu thực hiện nhiệm vụ sâu sát tuyên truyền phòng bệnh trong cộng đồng. Mãi đến năm 2006, khi bệnh xá quân dân y kết hợp xã đảo Tân Hiệp được xây dựng khang trang, tăng cường nhân lực thì điều kiện khám chữa bệnh cho chiến sĩ, người dân trên đảo mới được cải thiện.

Với đặc thù công tác tại vùng biển đảo cách trở nên trong thời gian làm việc tại đây đã để cho bác sĩ Tuấn nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vào mùa đông năm 1991, khi đang làm việc ở trạm y tế thì một sản phụ được người nhà hớt hải đưa đến do sinh khó. Qua đánh giá tình hình, thai phụ cần phải được đưa vào đất liền gấp bởi để lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả hai mẹ con. Hôm đó là ca trực của một hộ lý nhưng người này cũng đang mang thai nên bác sĩ Tuấn nhanh chóng sắp xếp cùng người nhà đưa thai phụ vào bệnh viện Hội An. Bác sĩ Tuấn nhớ lại, lúc đó trời có mưa và gió mạnh khoảng cấp 6, cấp 7. Ba chiếc thuyền buộc dây vào nhau chòng chành đi giữa những đợt sóng lớn cấp tập. Khi chưa đi được một nửa chặng đường thì một chiếc thuyền chở hàng xóm của thai phụ này đã tháo dây và quay trở về đảo bởi họ quá lo sợ sẽ không trụ vững trước con sóng dữ. “Lúc này, cả gia đình thai phụ và tôi đều bồn chồn, thất thần, một người trong gia đình còn bày trái cây thắp hương vái cúng, xin phù hộ. Chỉ đến khi con thuyền cập được bến Cửa Đại và mọi người ôm chầm lấy nhau thốt lên “sống rồi bác sĩ ơi” thì tôi mới biết rằng mình từ cõi chết trở về. Giờ đây đứa trẻ chào đời trong dông tố ngày nào đã 26 tuổi và lại sản sinh ra một thế hệ tiếp theo trên đảo” - bác sĩ Tuấn kể.

Không ít lần, bác sĩ Tuấn đã kịp thời sơ cấp cứu cho những ngư dân địa phương hoặc ở Núi Thành, Quảng Ngãi… bị tai nạn trong quá trình khai thác phải cập vào Cù Lao Chàm chữa trị khẩn cấp. Bác sĩ Tuấn cũng đã quá quen với những lần giữa đêm tối cùng với bệnh nhân lên tàu dò dẫm vào đất liền bởi những ca bệnh phức tạp mà với điều kiện trang thiết bị y tế trên xã đảo chưa thể phẫu thuật hay điều trị được. Ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, có công tác, làm việc và sinh sống ở đây lâu năm mới thấu hiểu được những khó khăn muôn phần của cuộc sống trên đảo. Vì vậy mọi người dân đều có cảm tình, yêu mến bác sĩ Tuấn và luôn mong muốn ông sẽ tiếp tục gắn bó với xã đảo.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN