Trên quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng

PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG 17/04/2017 08:41

THÁNG 4.2017 này, đúng 70 năm ngày cụ Huỳnh Thúc Kháng - nhà chí sĩ yêu nước về cõi vĩnh hằng. Lúc sinh thời, niềm mong ước của cụ là làm sao cho nước được độc lập, dân được tự do, bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực. Hơn thế nữa, bây giờ chính quyền địa phương đã và đang xây dựng làng Thạnh Bình xưa - xã Tiên Cảnh hôm nay, thành điểm du lịch sinh thái để du khách gần xa đến tham quan chiêm ngưỡng. Bởi Tiên Cảnh có làng cổ Lộc Yên với những ngôi nhà cổ thuần Việt hàng trăm năm tuổi, có thác Lò Thung trên sông Đá Giăng gắn liền với bao truyền thuyết, có núi Sơn Ve hùng vĩ huyền bí, có Công binh xưởng QB.150 sản xuất vũ khí, đạn dược đóng góp cho chiến trường Liên khu 5 trong 9 năm kháng chiến trường kỳ…

Thắng cảnh Lò Thung ( thôn 3, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) được ví là “Tiên giới giữa trần gian”.
Thắng cảnh Lò Thung ( thôn 3, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) được ví là “Tiên giới giữa trần gian”.

Kỷ niệm 70 năm ngày mất của cụ Huỳnh Thúc Kháng (21.4.1947 - 21.4.2017), chuyên trang địa phương Tiên Phước xin giới thiệu đôi nét về làng Thạnh Bình xưa - xã Tiên Cảnh hôm nay…

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh

Từ TP.Tam Kỳ, du khách ngược quốc lộ 40B lên thị trấn Tiên Kỳ - trung tâm huyện lỵ Tiên Phước, rồi qua cầu sông Tiên, đi khoảng 6km nữa là đến Nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở sát đường bên trái. Ngày xưa, nơi đây là làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, bây giờ là thôn 1, xã Tiên Cảnh. Phía trước Nhà lưu niệm cụ Huỳnh là cánh đồng bậc thang khá đẹp, có dòng suối nhỏ ngăn chia với dãy núi Sơn Ve hùng vĩ như một bức bình phong án ngữ. Ngôi nhà lưu niệm đã tồn tại gần 150 năm, được sửa chữa, nâng cấp từ ngôi nhà nguyên bản do thân phụ cụ Huỳnh xây dựng năm 1869 với 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương. Đây là kiến trúc cổ rất phổ biến thời triều Nguyễn. Từ bên ngoài nhìn vào khung cửa bằng mít thiết kế theo kiểu cổ kính, nơi gian giữa là bàn thờ tổ tiên, chung quanh có khắc hoa văn, chạm trổ rất tinh xảo. Bên trên là hình tư liệu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Cụ Huỳnh.

Ngôi nhà gỗ mít đơn sơ này là nơi cụ Huỳnh về quê ở ẩn và tiếp đón cụ Sào Nam Phan Bội Châu lặn lội từ Nghệ An vào để cùng “mưu việc lớn”. Năm 1990, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh được Bộ VHTT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định 1539/QĐ-VH. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Doan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc… đã từng về thăm và viếng hương tưởng niệm cụ Huỳnh…

Cuộc đời cụ Huỳnh là tấm gương sáng ngời về truyền thống hiếu học, nếp sống thanh cao, không màng danh lợi, suốt đời vì nước, vì dân. Khi trên đường đi kinh lý miền Trung, cụ Huỳnh tạ thế ngày 21.4.1947 tại Quảng Ngãi do tuổi cao sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, uy vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Với những cống hiến to lớn cho đất nước, năm 2013, cụ Huỳnh được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng. Để tỏ lòng tri ân với những công lao to lớn của cụ Huỳnh, tỉnh và huyện đang quy hoạch, mở rộng, nâng cấp lại khuôn viên nhà lưu niệm, trồng cây xanh, cây ăn quả trong khuôn viên vườn…

Kỳ bí núi Sơn Ve

“Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, uy vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Làng Thạnh Bình được bao bọc bởi các dãy núi cao như Sơn Ve, Cửa Rừng, Rẫy Tranh Lớn. Trong đó, dãy Sơn Ve cao nhất, gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn liên quan đến cụ Huỳnh qua truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Theo các cụ cao niên trong làng, núi Sơn Ve ngày xưa hùng vĩ lắm, những cây cổ thụ quý như chò, lim, huỷnh, kiền kiền… thân to, hai người dang tay ôm không xuể, dây núi leo chằng chịt, đỉnh núi mây trắng che phủ quanh năm. Núi Sơn Ve là nơi cư ngụ của bao loài động vật hoang dã như hổ, gấu, voi, tê giác… vì thế dân làng  không ai dám bén mảng tới, trừ những phường thợ săn. Trên đỉnh núi có một khoảng đất rộng, khá bằng phẳng và có phiến đá to mát lạnh. Tương truyền, vào những đêm trăng sáng các vị thần tiên đến đây đánh cờ, ngâm thơ. Và cũng trên đỉnh núi Sơn Ve có một ao nước mát lạnh, trong vắt không bao giờ cạn kể cả những mùa nắng hạn. Đây là nguồn nước cung cấp cho các thợ săn trong những chuyến đi núi săn thú, khai thác thổ sản dài ngày. Ngoài ra, trên đỉnh núi Sơn Ve còn có những phiến đá lớn với hình hài như những con thú đang xoãi mình tắm nắng, rất đẹp.

Dân gian lưu truyền, khi phong trào kháng sưu cự thuế nổ ra khắp Trung kỳ, cụ Huỳnh bị bắt đày ra đảo Côn Lôn, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều cho “yểm” núi Sơn Ve để làng Thạnh Bình không xuất hiện người hiền tài đứng lên phản kháng chế độ thực dân phong kiến thối nát. Tuy nhiên, con cháu Lê Vĩnh Khanh là Lê Vĩnh Huy, Lê Quý Liên, Lê Triêm, Lê Duyện, Lê Liễn... lại tiếp tục nối gót tiền nhân đứng lên chống Pháp. Tất cả đều là những nhân vật kiệt hiệt của phong trào Đông du, phong trào Nghĩa hội và phong trào bạo động cách mạng đầu thế kỷ XX. Trong đó, Lê Vĩnh Huy và Lê Triêm là hai nhân vật xuất sắc nhất. Lê Vĩnh Huy là dũng tướng của phong trào Nghĩa hội do Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi ông gắn liền với những chiến công trong các trận chống quân Nam triều ở Nà Lầu, Suối Đá, Dốc Miếu... Tháng 2.1886, ông cùng với dũng tướng Hồ Học kéo một cánh quân lớn xuống Tam Kỳ, phối hợp với cánh quân Nam Hà Đông do Phan Bá Phiến chỉ huy, tiến ra Vĩnh Điện vây đánh thành Quảng Nam. Khi phong trào Nghĩa hội thoái trào, ông lui về quê nhà mai danh ẩn tích và ngấm ngầm tán trợ cho phong trào Duy tân. Núi Sơn Ve hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, cây cối xanh tươi quanh năm. Chinh phục và khám phá núi Sơn Ve luôn được các bạn trẻ yêu thích.

Bãi đá Lò Thung

Bãi đá Lò Thung ở thôn 3, xã Tiên Cảnh được ví như một “vương quốc đá huyền bí” với hàng trăm hang hốc hình thù kỳ lạ trải dài gần 2 cây số trên dòng sông Đá Giăng. Điểm nhấn của bãi đá là thác Lò Thung dài 200m, dòng nước mát lạnh luồn chảy dưới bãi đá gồ ghề rồi trồi tuôn lên thành con thác trắng xóa. Bên thác nước là ngổn ngang đá tảng với nhiều hình dáng kỳ lạ nằm nghiêng ngả, xếp chồng lên nhau tạo thành nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước lý tưởng sau khi ngâm mình trong dòng nước mát lành của sông Đá Giăng. Đá ở thác Lò Thung bị dòng nước bào mòn theo thời gian, tạo nên những hình thù kỳ dị, khiến ta liên tưởng đến những vật dụng quen thuộc như cái cối, cái chén, cài chày, cái lò... và dấu của những bàn chân to tướng của ông Khổng Lồ gánh đất ngăn sông.

Địa danh này cũng gắn liền với cụ Huỳnh thời thơ ấu. Các bậc cao niên kể rằng, lúc nhỏ cụ Huỳnh hay ra bến sông Đá Giăng bơi lội tung tăng cùng bạn bè. Một hôm, cậu bé Huỳnh Hanh (tên gọi thuở nhỏ của cụ Huỳnh) thấy có một bè chuối cúng Hà Bá thả trôi sông, trên bè có xôi chè, gà qué, trái cây… Cậu bé Huỳnh Hanh kéo bè chuối vào bờ, đám bạn cùng trang lứa sợ không dám ăn, mình cậu chén sạch. Tối hôm đó, cụ Huỳnh Thước (thân sinh cụ Huỳnh) nằm thơ thấy Thần sông báo mộng. Thần sông bảo rằng, Huỳnh Hanh vô lễ, dám xơi đồ cúng bái, lẽ ra phải chết, nhưng vì “chân mệnh đế vương” nên mới thoát trọng tội. Thần sông cũng căn dặn cụ Huỳnh Thước quan tâm đến “chân mệnh đế vương” tương lai. Đó là trách nhiệm được trời giao phó. Hôm sau, cụ Huỳnh Thước tra hỏi mới hay ngày hôm trước cậu bé Huỳnh Hanh đã có việc làm đúng như Thần sông quở trách. Cụ Huỳnh Thước không nói gì, chỉ âm thầm dốc sức dạy dỗ đứa con hiếu động và cực kỳ thông minh. Theo các bậc cao niên trong làng, cậu bé Huỳnh Hanh có trí nhớ “trời cho”, sách thánh hiền chỉ đọc qua một lần là nhớ như in, thi đỗ tiến sĩ Hán học. Khi bị đày ra đảo Côn Lôn, chỉ với cuốn tự điển Pháp - Việt, cụ Huỳnh tự học tiếng Pháp và đọc thông nói thạo tiếng Pháp chỉ trong một thời gian ngắn. Và điều thú vị nữa là, sau này cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong thời gian Người đi Pháp, ứng với lời báo mộng của vị Thần sông Đá Giăng.

PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG

PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG