Sát sườn hơn với người nghèo

LÊ DIỄM - ALĂNG NGƯỚC 17/04/2017 08:33

Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021 dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND khóa IX sẽ diễn ra vào ngày mai 18.4. Chính sách này nếu được thông qua, sẽ có tác động rất lớn đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Làm thế nào để chính sách đưa ra sát sườn với người nghèo? Đâu là những việc cần làm ngay để công cuộc giảm nghèo hiệu quả?

Áp lực từ nông thôn mới hoặc tình trạng rà soát qua loa của đội ngũ điều tra viên miền núi, khiến không ít hộ “chuẩn nghèo” lại được cho ra khỏi nghèo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Áp lực từ nông thôn mới hoặc tình trạng rà soát qua loa của đội ngũ điều tra viên miền núi, khiến không ít hộ “chuẩn nghèo” lại được cho ra khỏi nghèo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

BẤT CẬP KHÂU ĐIỀU TRA

Tiêu chí đánh giá hộ nghèo vẫn còn "độ vênh" so với thực tế, tâm lý ngại va chạm của điều tra viên cũng như từ phía người dân trong việc phản biện... khiến con số hộ nghèo từ miền núi đến đồng bằng đều chưa chính xác.

Lỗ hổng

Trước khi thực hiện đợt điều tra hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều vào cuối năm 2016, ông Bríu Diệu - Trưởng thôn Aró, xã Lăng (huyện Tây Giang) được mời về xã tập huấn cụ thể. Thế nhưng ông Diệu vẫn còn lấn cấn khi tiếp nhận nội dung bộ tiêu chí đánh giá, phải nhờ cán bộ LĐ-TB&XH của xã về thôn hỗ trợ khâu chấm điểm. Ông Diệu nói: “Tôi căn cứ vào các vật dụng có trong nhà dân để tính điểm. thấy cái nào thì chấm cái đó, nếu không có thì thôi. Ở thôn Aró này, một nóc nhà có 2, 3 hộ khẩu là chuyện bình thường. Nhưng khi chấm điểm chỉ tính nóc, không tính theo hộ khẩu. Còn việc tính toán để cho ra kết quả cuối cùng nằm ở cấp trên”. Thực tế này đang diễn ra các huyện miền núi, huyện nào cũng điều tra theo nóc nhà, một nóc có 2, 3 hộ nhưng chỉ tính 1 phiếu điều tra. Nhưng khi tính tỷ lệ hộ nghèo lại tính theo hộ khẩu, như thế thì không thể nào cho ra được con số chính xác.

Nhiều địa phương ở miền núi đều nêu những khó khăn trong công tác rà soát hộ nghèo. Ngoài yếu tố chủ quan, chưa nắm bắt kỹ của các điều tra viên, nhiều hộ dân ở miền núi còn cất giấu, không kê khai tài sản của mình như trâu bò, chiêng ché, vàng bạc. Thậm chí, có nhiều hộ dân còn xin cán bộ điều tra xem xét để được… nghèo. Đó là chưa kể, do điều kiện thực tế đường sá, dân cư ở vùng cao, cộng với áp lực công việc và thời gian nên nhiều cán bộ không thể đến từng hộ để điều tra, rà soát mà huy động tập trung tại một địa điểm để “vấn đáp”. Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch UBND thị trấn P’rao (Đông Giang) chia sẻ, một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi thiếu thực chất, chính là quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo của các điều tra viên vướng phải những bất cập tại chỗ. Đó là tình trạng có không ít cán bộ ngại mất lòng người dân nên không dám đưa họ ra khỏi hộ nghèo, hoặc do nể nang “vì người thân của sếp mình”. “Ngay cả địa phương chúng tôi, có nhiều trường hợp phải rà soát nhiều lần và họp bàn thống nhất để đưa một số hộ dân có điều kiện kinh tế ra khỏi hộ nghèo. Nhưng thực tế thì có không ít địa phương ở miền núi không dám làm chuyện đó, vì ngại hoặc do nể nang” - ông Tân nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - bà Ating Tươi thẳng thắn nhìn nhận, công tác điều tra hộ nghèo ở miền núi gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ phía người dân lẫn các điều tra viên cơ sở, dẫn đến việc đưa ra con số tỷ lệ hộ nghèo chưa thực chất và thiếu chính xác. Trong khi đó, tiêu chí bộ công cụ mới chưa thực sự phù hợp với miền núi, thậm chí còn khá chung chung. Bà Tươi đưa ra dẫn chứng, trong tiêu chí đánh giá về tài sản người dân, do điều kiện thực tế nên ở miền núi người dân thường ít mua sắm các vật dụng gia đình như: tủ lạnh, máy điều hòa, lò vi sóng nhưng ngược lại, ở một số hộ đồng bào lại sắm sửa chiêng ché rất có giá trị, khiến việc rà soát khá bất cập và lúng túng. Vì thế, bà Tươi đề nghị nên có hướng rà soát mới nhằm đảm bảo tính thực chất, cũng như điều chỉnh một số tiêu chí chưa phù hợp với miền núi.

Có thể thấy, từ khi điều tra theo chuẩn tiếp cận đa chiều hạn chế nhiều áp lực cho điều tra viên. Thế nhưng việc đánh giá bằng mắt nhìn vẫn chưa thể cho ra con số chính xác. Bởi số liệu điều tra chỉ căn cứ trên lời khai của người dân mà không có sự kiểm chứng là đúng hay không. Việc xác định hộ nghèo chủ yếu dựa trên tiêu chí đánh giá chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy vậy, trong thực tế có nhiều hộ dân có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo, nhưng trong nhà có trang thiếu bị, tài sản gia đình vượt thang điểm chuẩn nghèo quy định nên không thể là hộ nghèo. Và có trường hợp người dân không có tài sản để chấm điểm nhưng thực tế thu nhập lại cao, khi chấm điểm không đủ thì lại rơi vào hộ nghèo.

Mấu chốt vẫn là cơ sở

Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 11,13%. Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, đây hoàn toàn vẫn chưa phải là con số chính xác. Đặc biệt sau nhiều đợt kiểm tra, giám sát gần đây của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã cho thấy những bất cập trong điều tra, rà xét hộ nghèo ở địa phương. Theo đó, thời gian tới cần có cơ chế giám sát trong điều tra, rà xét hộ nghèo chứ không nên chỉ xem đó là việc của điều tra viên hay của ngành LĐ-TB&XH, nhằm đảm bảo công bằng, cho ra một con số thực, để từ đó chính sách tác động đúng đối tượng.

Điều tra, rà soát hộ nghèo, dù là theo cách cũ dựa trên thu nhập hay cách mới đánh giá đa chiều, con số có phản ánh đúng thực trạng nghèo hay không thì mấu chốt vấn đề vẫn ở điều tra viên: trưởng thôn, trưởng khối phố và sự trung thực từ người khai. Theo lời một điều tra viên, cứ đến đợt điều tra hộ nghèo, người này phải giải thích, thuyết phục nhiều người đừng đến nhà xin vô hộ nghèo. Chưa kể thực tế, khi đăng ký hưởng cơ chế thoát nghèo, có một số hộ đã “lách” để hưởng chính sách. Như hộ bà V.T.L. (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) là hộ đơn thân, đã ngoài tuổi lao động nên được xét là hộ nghèo vào năm 2015. Nếu đánh giá về điều kiện, tiêu chí thì bà L. không thể thoát nghèo được. Vậy nhưng, bà L. lại được đưa vào danh sách hộ thoát nghèo, bằng cách nhập hộ khẩu cho một người cháu gọi bà bằng cô về cùng chung hộ khẩu với bà. Như vậy, hộ bà L. có lao động, nên sẽ được đăng ký trong danh sách hưởng chế độ thoát nghèo. Hoặc có trường hợp nhập khẩu vào hộ nghèo để được hưởng chế độ thẻ BHYT, như trường hợp của cụ ông N.X. (cũng ở Duy Vinh, Duy Xuyên), ở cùng với con trai bệnh tật liên miên nên được xét là hộ nghèo. Lúc này, có một người cháu tên N.T.Đ. ở một hộ khác không phải hộ nghèo, nhưng ông Đ. hay bị bệnh, nên gia đình ông Đ. nhờ vả nhập khẩu cho ông về hộ của ông X. để ông Đ. được hưởng thẻ BHYT dành cho hộ nghèo. Rõ ràng, điều tra viên là người biết rõ hoàn cảnh của từng gia đình, hộ dân trong khu dân cư mà họ quản lý, nhưng khi điều tra họ đã làm ngơ cho qua những nghi vấn trong từng hộ, dẫn đến việc hộ dân “được” nghèo hoặc “được” thoát nghèo một cách dễ dàng.

Bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn cho rằng, bộ tiêu chí điều tra áp vô cho phường và xã sẽ dẫn đến không chính xác. Ví dụ như ở Điện Bàn nhiều xã giờ đã lên phường nên áp theo tiêu chí dành cho đô thị, nhưng thực tế người dân làm nông nghiệp vẫn chiếm đa số. Khi áp khung đánh giá thì không có tiêu chí chấm điểm về đất nông nghiệp, nên sẽ dễ dẫn đến một số hộ rơi vào hộ nghèo, nếu như điều tra viên không linh động mà cứ áp theo khung điểm sẽ trật ngay. Các địa phương dù ở miền núi hay đồng bằng đều không thể khẳng định con số tỷ lệ hộ nghèo sau khi điều tra là hoàn toàn chính xác. Hộ nghèo hay không nghèo là dựa trên tiêu chí đánh giá, ước lượng thu nhập từ phía điều tra viên. Đến lúc đưa ra bình xét, họp dân công khai thì nhiều người ngại va chạm nên không có ý kiến. Từ đó mà xã, huyện, tỉnh tổng hợp, chọn hộ ngẫu nhiên để đi rà soát lại. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ đi rà soát lại vô cùng ít, nên không thể rà soát tất cả địa phương mà chỉ chọn địa phương có những dấu hiệu bất thường như tỷ lệ hộ nghèo không giảm, còn quá cao hoặc giảm quá nhanh để điều tra lại. Điều đó không thể kiểm soát hết con số tỷ lệ nghèo của toàn tỉnh, nên dẫn đến con số tổng hợp của tỉnh cũng liên tục “nhảy múa”.

ƯU TIÊN HỘ THOÁT NGHÈO
Định hướng trong giai đoạn mới của tỉnh không gì khác là ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hộ thoát nghèo và cận nghèo để họ có đủ điều kiện thoát nghèo bền vững. Việc này đồng nghĩa với hộ nghèo sẽ không được nhận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, mà chỉ thực hiện theo các chính sách chung của Trung ương về giảm nghèo.

Người nghèo cần tự vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Ảnh: D.LỆ
Người nghèo cần tự vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Ảnh: D.LỆ

Tự lực vươn lên

Theo kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sau các phiên giám sát ở cơ sở, cách hỗ trợ hiệu quả nhất là chỉ hỗ trợ hộ thoát nghèo. Trước khi hỗ trợ phải đối thoại với hộ thoát nghèo để biết họ cần gì cho phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và có sự hỗ trợ đúng, chính xác theo nhu cầu và khả năng của người dân. Chính sách hỗ trợ được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, hộ nghèo phải tự vươn lên chứ Nhà nước không bao cấp. Và quan trọng nhất là ngay từ đầu khi điều tra, rà xét hộ nghèo phải thực chất, đúng người đúng địa chỉ. Bởi con số người nghèo, hộ nghèo là căn cứ để xây dựng chính sách phù hợp với nguồn lực của địa phương, từ đó xác định ưu tiên làm việc gì trước, việc gì mang tính căn cơ, việc gì cần được đầu tư. Người hưởng cơ chế khuyến khích thoát nghèo bền vững cũng cần được giám sát bởi Mặt trận, đoàn thể ở địa phương. Sự giám sát này nhằm chống trục lợi từ chính sách, chống tái nghèo sau khi đã hưởng chính sách. Hình thức hỗ trợ, theo như ý kiến từ các địa phương đều cho rằng hỗ trợ về thẻ BHYT, học phí, đất sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo. Các chính sách nhỏ lẻ không những không tác động tốt mà còn trở thành rào cản khó thoát nghèo bền vững, người làm chính sách không nên có suy nghĩ được đồng nào cho hộ nghèo thì tốt đồng ấy, mà cần nghĩ đến những vấn đề sâu xa hơn, làm sao tác động hiệu quả để hộ thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, hộ nghèo đang được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục, đào tạo nghề... bằng các chính sách của Trung ương. Vì thế, trong giai đoạn mới, theo đề án của tỉnh chỉ dành nguồn ngân sách để tập trung cho hộ thoát nghèo bền vững và hộ cận nghèo. Vì vậy, đề án mang tên là “Đề án chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững”. Ưu tiên của đề án sẽ là 100% người thuộc hộ thoát nghèo bền vững được hỗ trợ các điều kiện sinh kế phát triển sản xuất, tạo việc làm và có thu nhập ổn định. Đồng thời hỗ trợ mua thẻ BHYT, con em đi học được hỗ trợ học phí, được vay vốn để phát triển sản xuất. Trong giai đoạn mới này, việc thưởng thoát nghèo sẽ không trao tiền mặt mà thay vào đó là phương tiện sinh kế để phát triển sản xuất, kinh doanh, thêm điều kiện bền vững cho việc thoát nghèo. Và đặc biệt, các hộ gia đình, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo công ăn việc làm ổn định cho người nghèo sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn, với tiêu chuẩn 50 triệu đồng/lao động nghèo được giải quyết việc làm. Như thế, hộ nghèo sẽ không được hưởng chính sách gì từ đề án của tỉnh, muốn được hưởng chính sách thì tự thân hộ nghèo phải nỗ lực vươn lên.

Hỗ trợ cần đúng địa chỉ

Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH bàn về công cuộc giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã yêu cầu phải xây dựng đề án trong giai đoạn tới là khuyến khích thoát nghèo bền vững, nguồn lực của tỉnh chỉ dành cho hộ thoát nghèo, tác động, hỗ trợ thêm cho hộ cận nghèo đủ điều kiện thoát nghèo bền vững. Và chính sách chỉ dành cho hộ dân, chứ không thưởng gì cho xã thoát nghèo. Đối với xã, phải đặt mục tiêu năm này đưa bao nhiêu hộ dân ra khỏi diện nghèo, mục tiêu cụ thể, thoát nghèo thực chất chứ không làm thành tích. Nếu xã năm này thoát nghèo được cho bao nhiêu hộ, thì năm sau nguồn lực đầu tư sẽ lớn hơn. Bí thư Nguyễn Ngọc Quang cũng lưu ý chính sách khuyến khích thoát nghèo còn ưu tiên cho những hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ tại địa phương tạo được công ăn việc làm ổn định, tạo thu nhập cho người nghèo vào làm việc. Cách hỗ trợ là cho họ vay vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm.

Đi sâu hơn vào cách hỗ trợ ra sao cho đạt được mục tiêu đề ra, đúng với đối tượng, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, cần hỗ trợ đúng địa chỉ với sự giám sát của Mặt trận và các đoàn thể, không thể giao phó cho thôn, xã. Bởi nếu không có sự giám sát, sẽ xảy ra tình trạng chạy để được hưởng chính sách thoát nghèo. Hộ đăng ký thoát nghèo phải đủ điều kiện thoát nghèo thì mới cho đăng ký thoát nghèo, không đăng ký theo kiểu phong trào để hưởng chính sách. Và nhiều ý kiến của các ngành đều yêu cầu cần có một chế tài đối với việc đăng ký thoát nghèo, chế tài không thể áp dụng cho hộ thoát nghèo nhưng phải áp dụng cho cán bộ thôn, xã, huyện chịu trách nhiệm trong việc đăng ký danh sách thoát nghèo với tỉnh. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc cố tình đưa hộ nghèo vào danh sách thoát nghèo theo chỉ tiêu mà chính bản thân hộ nghèo cũng không biết mình nằm trong danh sách thoát nghèo.

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh góp ý, việc hướng dẫn người dân thoát nghèo phải được triển khai thực hiện tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, bởi nếu áp dụng cơ chế chung sẽ gây ra tình trạng không phù hợp và thiếu tính bền vững. Do vậy, theo bà Thủy, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư theo từng nhóm hộ, cần hướng đến việc hình thành tổ hợp tác kinh tế ở miền núi gắn với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát hộ nghèo cho thực chất, để có cơ sở hỗ trợ đúng địa chỉ và tìm cách xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại. “Các địa phương cũng nên tham khảo ý kiến của người dân để xây dựng kế hoạch giảm nghèo, bởi hơn ai hết họ biết mình cần gì để làm kinh tế, để thoát nghèo. Ngoài ra, cần tập trung cho việc trồng rừng kết hợp làm trang trại chăn nuôi và có sự định hướng, hỗ trợ cụ thể, nhằm tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Thủy nói.

NÓI KHÔNG VỚI CHUYỆN... NUÔI NGHÈO
Đã đến lúc nói không với việc “nuôi” nghèo, mà đổi hướng sang đẩy đuổi cái nghèo. Làm sao để người nghèo thấy việc nằm trong hộ nghèo là xấu hổ, làm sao để địa phương thấy nghèo là gánh nặng thì mới mong giảm nghèo thực chất.

Bà Zơrâm Thị Hai - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Giang cho rằng, những bất cập, thiếu sót trong việc xác định tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là khó khăn chung của các địa phương miền núi. Đồng thời cần có chế tài cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện việc rà điều tra, soát hộ nghèo. Không nên áp dụng tiêu chí thang điểm thành thị cho khu vực thị trấn ở miền núi, bởi không phù hợp do điều kiện thực tế ở miền núi khó khăn.

Thực tế, những năm gần đây, từ các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần đổi thay về diện mạo, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống theo hàng năm. Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, công tác giảm nghèo của địa phương được xác định bởi các vấn đề trọng tâm liên quan đến chú trọng tập trung sắp xếp dân cư gắn với phát triển sản xuất; hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, cây dược liệu và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tạo lao động tại chỗ. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Tây Giang đã xuất hiện nhiều gương mặt điển hình trong phát triển kinh tế từ các dự án, chính sách giảm nghèo của địa phương. Trong đó, phải kể đến các hộ Bríu Pé (ở thôn Arớh, xã Lăng), với hơn 3 hecta sâm ba kích được gia đình ông đầu tư trồng, chăm sóc từ nhiều năm qua, ước khoảng hơn 5 nghìn cây ba kích cho hiệu quả kinh tế cao. Noi gương ông, giờ có rất nhiều hộ dân địa phương triển khai trồng và nhân giống sâm ba kích con, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Tiêu biểu như mô hình trang trại nhân giống vườn sâm ba kích của hộ ông Bríu Hùng, với khoảng 4 nghìn cây sâm con, cung ứng mặt hàng giống sâm ba kích cho người dân địa phương. Hay như thành công của hộ ông Bh’ling Hiêr (ở thôn Arớt, xã A Nông) với mô hình chăn nuôi tập trung gắn với hình thành trang trại phát triển rừng đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi năm thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đối với các địa phương ở đồng bằng, cùng với việc ngày càng có nhiều khu, cụm công nghiệp với những nhà máy mọc lên thì đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo cần được quan tâm hơn hết. Ông Phạm Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ góp ý: “Trong bất cứ giai đoạn nào, thu nhập luôn là cái gốc để phân biệt giàu nghèo. Và để có thu nhập, không gì khác là phải tạo được việc làm bền vững cho hộ nghèo để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo”.

Qua các đợt giám sát, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá: trong tổng số 714 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo được khảo sát, vẫn có hộ có con cháu trong độ tuổi lao động muốn thoát nghèo, nhưng nhiều hộ nghèo, nhất là ở miền núi còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Ông Long nói: “Nhiều hộ dân có con cái nhà cửa đàng hoàng cả, nhưng lại tách hộ cho cha mẹ để ông bà hưởng chế độ nghèo, được hỗ trợ làm nhà. Rồi các huyện chạy theo chỉ tiêu, nên nhiều hộ dân không đủ điều kiện thoát nghèo nhưng cũng đẩy cho họ ra khỏi hộ nghèo để hưởng chính sách thoát nghèo. Cần phải có một cơ quan giám sát quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo chứ không thể để điều tra viên đơn độc, như thế mới hiệu quả”.

 LÊ DIỄM - ALĂNG NGƯỚC

LÊ DIỄM - ALĂNG NGƯỚC