Hội An: Yếu tố "làng trong phố"

TRƯƠNG TÂM THƯ 16/04/2017 06:40

Khu phố cổ Hội An nằm ngay bên sông Hoài, chủ yếu thuộc phường Cẩm Phô, Minh An hiện nay. Phố cổ hình thành từ hơn 400 năm trước là một cảng thị, cư dân đa quốc tịch, đến ngày nay càng được “nối gần” với các vùng dân cư lân cận và “nối tiếp” với các thế hệ trong các ngôi nhà cổ. Với đặc điểm lịch sử - địa lý này, yếu tố “làng trong phố” vẫn được xem là yếu tố đặc thù tạo nên đời sống tinh thần, lối cư xử và nền tảng phát triển của người dân phố cổ Hội An.

Tái hiện đời sống Hội An xưa.Ảnh: T.Đ.T
Tái hiện đời sống Hội An xưa.Ảnh: T.Đ.T

Yếu tố tích cực

Phố cổ Hội An là một mảnh đất nhỏ, gần như mọi người đều biết nhau. Trong không gian sống ấy, cùng với sinh hoạt cộng đồng của những tộc họ, bang, hội, phường hội, làng nghề truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo... mỗi cá nhân sẽ tự khép mình vào nếp sống chung để được chấp nhận, để tương xứng với vị thế của mình trong mỗi nhóm cộng đồng từ gia đình đến bang hội, thôn, khối phố... Theo thạc sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông (Trung tâm VH-TT Hội An), yếu tố “làng trong phố”, ở mặt tích cực của nó đã tác động rất nhiều đến sự “đồng thuận” khi xây dựng lối sống văn hóa. Dư luận cộng đồng, cũng xét ở khía cạnh tích cực, góp phần điều chỉnh sinh hoạt, cư xử của mỗi cư dân phố cổ. Yếu tố “làng trong phố” ở Hội An mạnh mẽ, tạo thành thói quen sống qua nhiều thế hệ người, hình thành một “vô thức tập thể”. Qua thực tế tiếp biến với các lối sống văn hóa khác, mới, cụ thể như “nếp sống du lịch” do du khách Âu Tây mang vào phố cổ lâu nay, chính yếu tố “làng trong phố” đã giúp người Hội An “giữ được mình”.  

Đời sống Hội An đã, đang, và sẽ vẫn phụ thuộc vào giao thương, với lịch sử hình thành là cảng thị - một “khu kinh tế mở” của xứ Đàng Trong, và nay là trung tâm du lịch sầm uất bậc nhất nước ta. Hiện trong số gần 500 ngôi nhà nằm trên mặt tiền của 4 con đường có lưu lượng khách du lịch nhiều nhất phố cổ là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi thì hầu hết đang được sử dụng làm cửa hàng, cửa hiệu, thậm chí có nhà đến 2 - 3 cửa hiệu. Tuy vậy, cũng hiếm nơi nào còn giữ được mức độ “lịch sự” trong cạnh tranh kinh doanh như của các chủ di tích - hiệu buôn. Nhà văn Nguyên Ngọc kể về lối cư xử đẹp của người Hội An: Một người vào hàng thịt ở chợ Hội An hỏi mua thịt heo, bà chủ hàng thịt hỏi mua thịt heo để ăn kiểu chi, người này bảo ăn kiểu cuốn bánh tráng - món ăn “đặc thù” xứ Quảng, bà chủ hàng thịt bèn chỉ sang hàng thịt bên cạnh để mua vì bà không có thịt heo “đủ tiêu chuẩn” để cuốn bánh tráng. Hoặc thói quen của người Hội An mỗi khi gặp đám tang là tạm dừng lại, ngả mũ, chờ đám tang đi qua mới tiếp tục hành trình.

Yếu tố “mở”

Ở một góc độ khác, tuy là “làng trong phố” nhưng người Hội An không quá bảo thủ như người ta vẫn tưởng - ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, khẳng định: “Ở những thời điểm quyết định, người Hội An sẵn sàng quyết liệt. Nhưng không hẳn không bảo thủ nghĩa là mở toang đô thị cổ đón bất cứ luồng gió nào. Không phải “mở” là đánh mất bản sắc văn hóa; “mở” để phát triển chính mình chứ không phải biến thành người khác”. Năm 1999, Hội An trở thành địa phương đầu tiên ở nước ta thực hiện mô hình phát triển kinh tế du lịch ở di sản phố cổ theo một quy chế riêng biệt về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Quy chế này liên tục được sửa đổi để phù hợp với thực tế phát triển của cả bảo tồn lẫn du lịch tại phố cổ. Về thuần phong mỹ tục, lối sống, các quy định kiểu như “nữ không hớt tóc nam, nam không hớt tóc nữ” bị bãi bỏ, rồi “lệnh giới nghiêm” lúc 12h khuya đối với hàng quán trong phố cổ cũng được dỡ bỏ, vì không phù hợp với đặc thù “đời sống du lịch” là du khách ngoại quốc sinh hoạt khác múi giờ.

Hội An cũng sẵn sàng “đi đầu”, như phát động xây dựng và được công nhận là “thành phố văn hóa” đầu tiên cả nước, và đang thực hiện việc phát triển theo mô hình “thành phố sinh thái” đầu tiên của cả nước. Đề án xây dựng Hội An - thành phố sinh thái phát triển bền vững dựa trên sự tổng hòa 3 yếu tố: kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững. Hạt nhân của sự tổng hòa ấy, chính là con người. Xây dựng TP.Hội An là thành phố sinh thái xuất phát từ mong muốn đáp ứng cao nhất chất lượng sống của con người, làm cho con người có tiện nghi đầy đủ hơn trong quá trình sống, làm việc, nghỉ ngơi… Đó cũng là xu hướng hòa quyện “làng và phố” trong không gian sinh thái mở rộng hết diện tích thành phố, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Với khu đô thị cổ có con người đang sinh sống - một “di tích động” như Hội An, việc phát huy bản sắc “làng trong phố” đã giúp Hội An tránh được cảnh “ngồi không ăn lở núi” và không ngừng tiếp tục “mở” để phát triển chính mình.

TRƯƠNG TÂM THƯ

TRƯƠNG TÂM THƯ