Khổ lắm, nói mãi
Cứ sau mỗi lượt trận, vấn đề trọng tài lại được nhắc tới, tần suất thậm chí còn dày và “nóng” hơn. Có người trách báo chí cứ mãi nói đến câu chuyện trọng tài, song biết làm sao được khi mà các “vua sân cỏ” lại gây sóng gió mà nếu dư luận không đề cập thì đội bóng, cầu thủ cũng lên tiếng đòi công bằng. Rồi Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng phải vào cuộc “trảm” trọng tài vi phạm. Theo thống kê của chúng tôi, V-League mới đi qua 12 lượt trận thì có đến ít nhất 9 lượt xảy ra sự cố liên quan đến “vua áo đen” làm sai lệch kết quả trận đấu, ảnh hưởng đến các đội bóng.
Trọng tài Trần Xuân Nguyện (thứ 2 bên trái) đã bị kỷ luật do sai sót nghiêm trọng trong điều hành trận đấu giữa Hoàng Anh Gia lai và FLC Thanh Hóa. |
Mới nhất là chuyện trên sân Pleiku cuối tuần qua. Tuần trước, sai lầm của trọng tài cũng tại đây trong trận Hoàng Anh Gia Lai tiếp Quảng Nam chưa kịp lắng xuống thì sân Pleiku tiếp tục được “hâm nóng”. Khác chăng là lần này, đội bóng phố núi là người chịu thiệt và với tư cách chủ nhà, họ tỏ thái độ phản ứng quyết liệt. Tất nhiên, sự phản ứng của Hoàng Anh Gia Lai vẫn có chừng mực nhất định chứ không biến thành phiên bản “Long An 2.0” phá nát trận đấu. Có thể thông cảm cho hành vi phản ứng của lãnh đạo, ban huấn luyện và cầu thủ đội bóng phố núi. Một khán giả trung dung ngồi xem trước màn hình ti vi còn tức không chịu được trước cách điều hành có thể nói là “lôm côm” của trọng tài chứ đừng nói người trong cuộc. Hoàng Anh Gia Lai bị đuổi một cầu thủ không đáng, rồi trọng tài “bẻ còi” không công nhận bàn thắng, đến lượt bỏ qua vài tình huống phạm lỗi của đối phương có thể dẫn đến phạt đền. Pha ghi bàn nhạy cảm vào phút cuối chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Rất may những “cái đầu nóng” nhanh chóng “hạ hỏa”.
Thật tình mà nói cho đến lúc này, nhiều người có cùng câu hỏi tại sao “vua sân cỏ” mùa giải năm nay lại sai sót nhiều và lỗi khá đơn giản đến thế? Thật khó tìm câu trả lời. Chỉ biết rằng, chế độ đãi ngộ đối với trọng tài hiện nay khá hậu hĩnh với mức 7 triệu đồng/trận cho trọng tài chính, 5 triệu đồng/trận cho trợ lý. Vậy mỗi tháng nếu được làm nhiệm vụ 3 - 4 trận thì có trong tay 20 triệu đồng, không hề là thấp. Đó là chưa nói đến việc được chi trả chế độ đi lại bằng máy bay, ăn ở khách sạn. Rõ ràng thu nhập không phải là vấn đề lăn tăn trong đầu của các trọng tài. Như thế chỉ có thể là do hạn chế về năng lực chuyên môn? Cũng chưa hẳn bởi những sai sót ấu trĩ đến mức nói như một vị lãnh đạo câu lạc bộ là “trọng tài vườn còn không sai”.
Người ta bảo rằng trọng tài là một phần của cuộc chơi, song thật lạ, mối quan hệ giữa các đội bóng, huấn luyện viên và cầu thủ với trọng tài tại V-League hiện nay như “nước” với “lửa”. Trọng tài đổ lỗi cho các đội bóng gây sức ép còn đội bóng nói trọng tài có vấn đề về tư tưởng, thậm chí có vị còn ví von khá cay độc là được “đào tạo tại trường mù”. Nhưng suy cho cùng, sự mất niềm tin lẫn nhau đã làm cho cuộc chơi tồn tại quá nhiều ngờ vực cả khi chưa bắt đầu và một sai sót dù nhỏ lập tức biến thành tội lớn.
Thế nên, trọng tài Việt Nam vẫn là câu chuyện dài dài cho dù Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban tổ chức V-League lần đầu tiên mạnh dạn thay đổi cách phân công trọng tài. Và thật trớ trêu cứ trước mỗi lượt trận, câu chuyện mà nhiều người bàn tán và chờ đợi nhất lại là “giờ đến lượt trọng tài nào bị phốt đây”?
AN NHI