Cần "người nào, việc nấy"
Có lẽ quản lý hiện trạng vùng dự án đầu tư còn khá nhiều bất cập và việc không thể xử lý hết nạn khai thác cát lậu trên các dòng sông là hai câu chuyện đang làm đau đầu chính quyền và các cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết không thể hoàn tất cấp 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân vùng đông vào tháng 6 tới. Lý do được đưa ra là việc xác định nguồn gốc đất quan trọng, trách nhiệm này thuộc về chủ tịch các xã, nhân viên địa chính địa phương. Nhưng họ không chịu trách nhiệm, không dám đối đầu với thực tế, không đứng ra giải quyết thì cái khó sẽ vẫn hoàn khó. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý nêu lên thực trạng khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng khiến nhà đầu tư dù có tiền vẫn không thể tiến hành dự án như mong đợi. Câu chuyện dai dẳng này đã khiến Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã phải nói rằng việc đổ trách nhiệm cho địa phương đã trở thành bệnh của các cơ quan quản lý. Quản lý hiện trạng bất cập thể hiện một hệ thống chính quyền thiếu trách nhiệm với nhân dân. Sử dụng công cụ pháp luật chưa thật chặt chẽ. Chính sách pháp luật còn nhiều vấn đề. Tham mưu không hết trách nhiệm. Bồi thường thiệt hại không đúng cam kết, thiếu hiệu quả, dẫn đến khiếu kiện. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, nếu giải quyết quyền lợi chính đáng cho dân thì sẽ hạn chế ngay chuyện xây nhà trái phép, nhất là những gia đình có đến 2 hay 3, 4 gia đình ở chung. Họ cần đất để tái định cư. Tại sao cơ quan quản lý không nghĩ đến cơ chế gì, tại sao không tính toán phương thức hợp lý, tham mưu chính quyền cấp trên xử lý vấn đề này? Áp dụng ngay các chính sách phù hợp. Chính quyền sẽ xử lý kinh phí, giúp dân tái định cư. Đó là sự chính đáng!
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng đã nhiều lần cho biết những vấn đề nóng thì tìm “bài thuốc” giải quyết. Không thể chỉ bằng những chỉ thị, công văn. Tại sao có nhiều cơ quan quản lý nhà nước mà trên dòng sông có hàng trăm ghe tàu không đăng ký, đó có phải là buông lỏng quản lý không? Tại sao doanh nghiệp được cấp phép khai thác lại hợp đồng với đoàn tàu “không số”? Tại sao đổ cho địa phương? Đâu phải không có người kiểm tra. Không thể đổ năng lực địa phương yếu kém. Tại sao không thể kiểm tra các bãi cát sử dụng đúng mục đích hay không? Ai cho phép sử dụng bến đò làm bến cát. Hiện tại gần như mất kiểm soát trong việc lập lại trật tự các hoạt động này trên ven bờ và dòng sông? Tại sao không thể hạn chế lấy cát lòng sông san lấp mặt bằng hoặc quy định cát xây dựng chỉ phục vụ cho các công trình xây dựng?
Quảng Nam đã từng tuyên bố cam kết luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, quyết tâm cải thiện nền hành chính theo quan điểm phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Song, điều quan trọng hơn là những cam kết trên vai trò một chính quyền kiến tạo cần đến một chính quyền hành động lan tỏa, thâm nhập sâu vào cấp dưới. Nếu từng cơ quan quản lý, từng công chức chưa thay đổi thì những cam kết, quyết tâm đổi mới dù có hay ho thế nào cũng không có nghĩa. Cải cách hành chính có lẽ nên bắt đầu bằng khái niệm “chính việc”, cần “người nào, việc ấy” trên cơ sở xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ khả năng xử lý và đánh giá trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức. Nếu từng sở, ngành, công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp, người dân, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn thì các nghị quyết, kế hoạch mới thực sự tác động vào đời sống.
NHẬT PHONG