Cân nhắc khi nghỉ hưu trước ngày 1.1.2018

CHÂU NỮ 11/04/2017 08:20

Từ ngày 1.1.2018, lao động nam đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 35 năm, lao động nữ là 30 năm sẽ được hưởng lương hưu tối đa 75%. Trong khi đó, hiện nay, nam chỉ cần đủ 30 năm và nữ chỉ cần đủ 25 năm là đã được hưởng lương hưu tối đa. Vì vậy, nhiều người lao động xin nghỉ hưu trước tuổi trước năm 2018 để không bị ảnh hưởng lương hưu…

Những điều chỉnh mới

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1.1.2018, cách tính lương hưu sẽ thay đổi theo hướng tăng dần thời gian đóng BHXH để được hưởng lương tối đa và thay đổi cách tính tỷ lệ lương hưu đối với người về hưu trước tuổi. Từ ngày Luật BHXH 2014 có hiệu lực (ngày 1.1.2016) đến trước ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% (đối với nam) và 3% (đối với nữ); mức tối đa bằng 75%.

Chi trả lương hưu qua hệ thống bưu điện tại Quảng Nam (ảnh minh họa). Ảnh: C.N
Chi trả lương hưu qua hệ thống bưu điện tại Quảng Nam (ảnh minh họa). Ảnh: C.N

Từ ngày 1.1.2018, để hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, lao động nam phải đóng BHXH đủ 16 năm (hiện nay là 15 năm). Năm 2019 là 17 năm đóng BHXH, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Như vậy, từ năm 2022 trở đi, để được hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng BHXH 35 năm (hiện nay là 30 năm). Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi khi đóng đủ 15 năm BHXH. Sau đó, từ năm thứ 16 trở đi, thêm mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% và đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (hiện nay là 25 năm). Trong khi đó, cũng theo Luật BHXH, từ 1.1.2018, nếu nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi theo quy định, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2% (trước đây là 1%) tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi nhưng người lao động tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm, tỷ lệ lương hưu tăng tương ứng 2%.

Cán bộ, công chức băn khoăn

Nghỉ hưởng BHXH một lần
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;  ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH.

Luật BHXH cũng quy định tăng dần tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động theo kết quả giám định y khoa. Theo đó, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi (trước đây là 50 tuổi và 45 tuổi) và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên... Anh H.N.H., năm nay 52 tuổi, công tác ở một công ty cổ phần có thời gian đóng BHXH hơn 30 năm; trong đó có gần 10 năm làm việc độc hại. Tuy nhiên, anh H., vẫn không biết nghỉ hưu trước tuổi có lợi hay không. Về trường hợp của anh H., một cán bộ làm công tác BHXH cho biết, anh H. đã đủ thời gian đóng BHXH, tuy nhiên chưa đủ tuổi để được hưởng lương hưu. Vì vậy, để được nghỉ hưu trước tuổi, anh cần phải đi giám định y khoa để chứng minh suy giảm sức khỏe. Do cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu thay đổi từ ngày 1.1.2018 nên nhiều người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi. Một công chức cấp xã sinh năm 1963, có thời gian đóng BHXH 24 năm và gần 4 năm phục vụ trong quân đội cũng băn khoăn không biết nghỉ hưu trước tuổi năm nay theo Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế hay nghỉ sau năm 2018…

Tuy nhiên, Luật này cũng quy định, từ ngày 1.1.2018 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Người lao động nào đóng BHXH cao hơn thì lương hưu sẽ cao hơn. Như vậy, theo cách tính mới này, không phải trường hợp nào nghỉ hưu trước ngày 1.1.2018 cũng có lợi. “Tiền lương đóng BHXH bình quân, tỷ lệ hưởng, thời điểm hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu... có ảnh hưởng đến lương hưu nên nên người lao động cần cân nhắc trường hợp trước khi quyết định nghỉ hưu trước tuổi” - vị cán bộ này  nói. Ngoài ra, người lao động cũng cần lưu ý về chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ