Đô thị và rừng

PHÙNG TẤN ĐÔNG 09/04/2017 08:22

Người xứ Quảng, cụ thể là Quảng Nam - Đà Nẵng dù thực tại có sự khác biệt về địa giới hành chính nhưng trong lĩnh vực văn hóa - đặc biệt là văn hóa dân gian, dường như mọi người dân đều có chung một “tâm thức văn hóa”, vì thế rất khó “định biên”. Câu ca dao xưa “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà (hay Sơn Trà)/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm” hay “Chiều chiều mây phủ Hải Vân/ Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân lại buồn” được lý giải đó là nỗi lòng - trước hết là của người làm nông thương người làm biển, đi biển trước cảnh vách đá cheo leo, trùng khơi sóng gió…, thứ đến là nỗi cảm hoài về quê xứ, về tình bằng hữu, tình lứa đôi, về thân phận của người dân mất nước…

Tam Kỳ đã và đang xây dựng một hệ thống giao thông thoáng mở, cây xanh phủ kín, các tuyến phố sạch đẹp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tam Kỳ đã và đang xây dựng một hệ thống giao thông thoáng mở, cây xanh phủ kín, các tuyến phố sạch đẹp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Những thành phố miền Trung - mà thi sĩ quá cố Phạm Ngọc Cảnh (bút danh khác là Vũ Ngàn Chi) từng viết “…Thương miền Trung núi nhoài ra biển/ Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua” (Lý ngựa ô ở hai vùng đất) - là miền đất luôn “có biển, có đảo, có rừng”, như Đà Nẵng có Sơn Trà, Bà Nà. Quảng Nam có Cù Lao Chàm, có rạn Bàn Than, các huyện núi phía tây. Quảng Ngãi có Cù Lao Ré (Lý Sơn), Ba Tơ, Trà Bồng. Bình Định có xã đảo Nhơn Lý, Hòn Khô, Cù Lao Xanh, đảo Yến, Vĩnh Thạnh… Người xứ Quảng tự hào khi có Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với loài voọc chà vá chân nâu nổi tiếng thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với sự đa dạng sinh học hiếm có đã được UNESCO vinh danh…

Hai mươi năm trước, khi tách đơn vị hành chính, Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc trung ương, vấn đề thành phố có các xã miền núi, có huyện thuần nông cũng làm nhiều người băn khoăn do định kiến về mức sống và tỷ lệ phần trăm dân số phi nông nghiệp. Nhưng nay quan niệm đã khác, rừng núi, bán đảo, hải đảo thực sự là “lá phổi xanh” của đô thị và là “tài nguyên thiên nhiên, sinh thái” của du lịch đô thị. Vấn đề đất, rừng của Bà Nà, Hải Vân, Sơn Trà bị xâm hại đang từng ngày nóng lên trong dư luận về một đô thị  đang được xem là đô thị “đáng sống” ở miền Trung. Ở Quảng Nam, những đô thị như Hội An, Tam Kỳ và cả thị xã Điện Bàn  mặc dù tính chất đô thị có khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng những đô thị sinh thái với các tiêu chí cụ thể nhằm tạo ra sự cân bằng với thiên nhiên, và phấn đấu xây dựng một môi trường sống “cho phép cư dân tận hưởng tối đa chất lượng cuộc sống với sự tác động tối thiểu đến thiên nhiên” trước yêu cầu bức thiết về việc giữ gìn và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phát triển bền vững và tác động của biến đổi khí hậu. Hơn bao giờ hết, khi làng biến thành phố với tốc độ bê tông hóa chóng mặt và nhiều mảng xanh, không gian xanh bị thu hẹp hay biến mất, khiến vấn đề an toàn sinh thái được quan tâm vì đó là xu hướng mới trong xây dựng và quy hoạch đô thị: xây dựng mô hình thành phố hiện đại, giải quyết hài hòa các lợi ích kinh tế và môi trường bền vững, bảo đảm chất lượng đời sống cho người dân, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.

Trong các chỉ tiêu về đô thị sinh thái thì “không gian xanh” là chỉ tiêu hàng đầu. Một đô thị xanh phải có “diện tích cây xanh cao, tính trên đầu người từ 12 - 15m2, có các mảng xanh, có khoảng cách giữa khu dân cư và công nghiệp. Các trục lộ giao thông cũng cần cây xanh, cây che bóng mát, ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy…” (sách “Các đô thị kinh tế sinh thái” - Ngân hàng thế giới). Tam Kỳ đã và đang xây dựng “một hệ thống giao thông thoáng mở, cây xanh phủ kín, các tuyến phố sạch đẹp… Trồng cây xanh trên tất cả tuyến phố, gắn hệ thống giao thông với công viên cây xanh và hồ điều hòa”. Hội An đồng thời với việc nâng cao mật độ cây xanh trên đầu người trong nội thị là việc giữ cho bằng được các làng quê ngoại ô có cảnh quan sinh thái như Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà…, các làng chài An Bàng, Phước Trạch…, bảo tồn nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Điện Bàn quy hoạch không gian xanh khu Gò Nổi và vùng làng quanh khu đô thị phía đông… Khu đô thị Nam Hội An dọc con đường biển Cửa Đại - Chu Lai trong tương lai đang hướng đến việc xây dựng hài hòa các khu đô thị xanh kết hợp giữa làng, rừng và phố trong một không gian tổng thể bảo đảm cảnh quan đẹp, hạn chế các khu cao tầng, nhất là chung cư cao tầng vì sẽ dẫn đến hệ lụy cho “giao thông xanh” ở các khu đô thị thiên về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị…

Một trong các “đô thị xanh” mà các chính quyền đô thị hướng đến xây dựng mô hình đô thị sinh thái cần học hỏi, là thành phố Curitiba (Braxin). Chính quyền thành phố này đã áp dụng chính sách ưu đãi cho các dự án về môi trường ngay trong khâu quy hoạch đô thị; khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải công cộng để giảm ô nhiễm; ổn định mật độ dân số; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hồ nước, công viên; trồng hàng nghìn cây xanh mỗi năm; xây các tuyến đường xe đạp và đường dành cho người đi bộ. Trong vòng 30 năm, thành phố đã tăng không gian xanh trung bình từ 1m2/người lên 52m2/người, với việc trồng thêm 1,5 triệu cây xanh dọc theo đường cao tốc của thành phố. Thuế tài sản được loại bỏ hoàn toàn cho những trường hợp chủ đất duy trì từ 70 đến 100% rừng bản địa…

Những đô thị xanh còn bao nhiêu việc phải làm. Điều đáng quan ngại là, cùng với chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhiều nơi có hiện tượng “tát nước theo mưa” là triệt hạ cây xanh - những hàng cây vốn thân thiện, hài hòa với con người, chẳng ảnh hưởng chi tới giao thông, bởi chúng chỉ mang bóng mát và không khí trong lành cho phố.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG