Nhân chứng sống về Hoàng Sa
Với những người từng “ăn sóng nói gió” Hoàng Sa, ký ức của họ là tư liệu, tài sản quý về máu thịt biển đảo thiêng liêng mà mọi con dân Việt đều đau đáu hướng về…
1. Ngôi nhà nhỏ của ông Trần Ngọc (trú xã Quế Long, huyện Quế Sơn) nằm khuất sau con hẻm ngoằn ngoèo, phủ mát rượi bởi vườn cây ăn trái. Nghe có khách tìm hỏi chuyện về Hoàng Sa, ông đon đả mở cổng mời khách. Nằm trong đợt 24 của địa phương quân tiểu khu Quảng Nam thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cũ ra bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1966, tiểu đội của ông Ngọc gồm 13 người đóng trên đảo Hữu Nhật (thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm) nằm gần đảo Hoàng Sa. Theo hồi ức của ông Ngọc, ngày đó tiểu đội của ông mất khoảng 36 tiếng đồng hồ từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để đặt chân lên đảo thực hiện nhiệm vụ. Ngoài gạo, đoàn chỉ mang theo ít dưa cải muối và ruốc khô nhưng không bao giờ lo đói vì xách cần câu đi một chặp là được cả rổ cá. “Cứ khi thủy triều xuống thì nước biển rút cạn ra ngoài khơi khoảng cây số, chúng tôi chỉ cần lội bộ ra là tha hồ lượm cá, mực bị mắc lại ở các rạn san hô” - ông Ngọc kể.
Ông Trần Ngọc và Trần Hòa - những nhân chứng sống về Hoàng Sa. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Do tuổi đã cao, ông Ngọc chỉ còn nhớ được một người đồng đội và cũng là bạn thân từng làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa với mình là ông Huỳnh Văn Thính (trú quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Tìm được nhà ông Thính theo lời chỉ dẫn của ông Ngọc, ông Thính cho biết mình có quê gốc ở xã Duy An (nay là thị trấn Nam Phước), huyện Duy Xuyên. Ngày ông Thính đặt chân lên đảo, ấn tượng đập vào mắt là phân chim khô la liệt khắp nơi và đóng một lớp dày hàng chục xen-ti-mét. Đêm đến, ông cùng các đồng đội đi dọc bờ biển hè nhau lật những con vích to bằng cái bàn ăn bò lên đẻ (mỗi lần vích đẻ hơn 100 trứng) để lượm trứng mang về luộc cải thiện bữa ăn nhưng trứng vích rất nhão không được như trứng vịt hay trứng gà.
Theo hồi ức của phần lớn các nhân chứng đã từng sinh sống trên đảo Hoàng Sa thời đó, trên đảo có một tòa nhà đúc bê tông kiên cố có sân thượng và trên vọng gác đặt 1 khẩu súng 12 ly 7. Kế bên tòa nhà của lính ở là đài khí tượng, những thông tin từ đài khí tượng Hoàng Sa gửi về đất liền giúp dự báo thời tiết rất chính xác. Trong rừng dương liễu hoang vu, khoảng 20 nấm mồ chôn các tử sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa. Theo ông Ngọc, ở đợt quân thứ 23 có một vụ lật ghe trong lúc di chuyển làm chết 6 hoặc 7 lính. Ông Thính thở dài: “Ngày đó cá mực nhiều quá nên thường phơi khô đem về tặng bà con, bạn bè đất liền, đâu ai biết tình hình như bây giờ mà đem các vật dụng trên đảo về làm kỷ vật”. Để rồi bây giờ, những con ốc biển được trân quý trưng bày trong bảo tàng về Hoàng Sa…
Bản đồ sơ phác về quần đảo Hoàng Sa do một nhân chứng từng sống trên đảo vẽ tặng UBND huyện Hoàng Sa. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Cuối năm 1973, khi làm y tá trên đảo Hoàng Sa, ông Trần Hòa cùng đồng đội đã cứu một gia đình ngư dân Trung Quốc gồm 6 người bị bão đánh dạt vào đảo. Dù lương thực thiếu thốn nhưng những người giữ đảo đã chắt chiu, san sẻ trong 12 ngày để họ qua cơn hoạn nạn và cho phép tàu Trung Quốc ghé vào đảo đưa họ về quê hương. |
2. Tính từ khi tiếp quản sau năm 1954 đến năm 1974, tổng cộng đã có 55 đợt lính VNCH thay nhau bảo vệ quần đảo Hoàng Sa với thời gian luân phiên 3 tháng thay quân 1 lần. Năm 1961, chế độ cũ sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1963, việc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa được giao cho địa phương quân của tiểu khu Quảng Nam quản lý, bảo vệ nên từ đó hàng trăm người con phần lớn sinh ra ở xứ Quảng đã lần lượt lên đường bảo vệ quần đảo này và kinh qua biến cố lịch sử xảy đến với Hoàng Sa.
Trên hành trình tìm gặp các nhân chứng trực tiếp sinh sống ở đảo Hoàng Sa vào những thời điểm cuối trước khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào năm 1974, tôi về thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, tìm đến gõ cửa nhà ông Trần Hòa. Ông Hòa trầm ngâm thổ lộ, cuối năm 1973, khi đang công tác trên đảo Hoàng Sa với vai trò y tá đã cùng đồng đội cứu một gia đình ngư dân Trung Quốc có 6 người bị bão đánh dạt vào đảo. Dù lương thực thiếu thốn nhưng trước hoàn cảnh bi đát của họ, anh em trên đảo đã chắt chiu, san sẻ lương thực trong 12 ngày để gia đình đó qua cơn hoạn nạn và cho phép tàu Trung Quốc ghé vào đảo chở họ trở về quê hương. Nhưng đáng buồn là kể từ đó, tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở khu vực này cứ ngày một nhiều lên và liên tục xâm phạm chủ quyền biển, đảo của nước ta. Cũng trong vai trò của một y tá quân y, nhưng ông Lê Lan (xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) đã trực tiếp đụng độ với kẻ thù trong lần thứ 2 nhận nhiệm vụ trên đảo. Dù đã cố gắng chiến đấu cầm cự nhưng trước sự áp đảo của địch và không có sự chi viện từ đất liền ông cùng 53 người khác bị địch bắt và đưa về Quảng Châu, Trung Quốc giam giữ hơn 1 tháng tại đây trước khi được trao trả.
Không theo nghiệp lính nhưng ông Nguyễn Văn Cúc (trú quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) có tới ba lần đặt chân lên đảo Hoàng Sa để khảo sát, xây dựng và sửa chữa trên đảo. Ngoài 2 lần đầu ra để khảo sát xây dựng bể ngầm chứa nước mưa thì lần thứ 3 để lại cho ông Cúc ký ức khó phai nhất. Khi đó vào tháng 1.1974, ông cùng đoàn nghiên cứu đã lấy được mẫu đất để khảo sát xây dựng sân bay và lên tàu quay vào bờ thì đụng độ tàu chiến Trung Quốc rồi bị bắt giữ. Sau hơn 1 tháng bị giam giữ ở Quảng Châu, ông Cúc là một trong 5 tù nhân được trao trả đầu tiên. “Được trao trả về và biết mình còn sống cũng vui lắm chứ nhưng lúc đó khi hay tin không giữ được đảo nữa thì bàng hoàng, nước mắt cứ chực lăn trào” - ông Cúc lắc đầu nhớ lại.
3. Nhắc đến quần đảo Hoàng Sa trong những năm gần đây, không thể không nhắc tới ông Đặng Công Ngữ. Ông Đặng Công Ngữ (quê huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), là Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa “danh chính ngôn thuận” đầu tiên được bổ nhiệm vào 21.4.2009. Ông Đặng Công Ngữ cũng là chủ biên cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” được xuất bản vào tháng 11.2013 với nhiều thông tin, tư liệu quý giá để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ông Ngữ thổ lộ rằng, ngay thời điểm năm 1974 khi đang còn là một sinh viên học ở Sài Gòn, ông đã cảm nhận được nỗi mất mát này. Vì thế ông đã lặng lẽ tìm kiếm tài liệu liên quan trong suốt hàng chục năm và như một cơ duyên, dần dần Hoàng Sa cứ như thể là “máu thịt” của mình…
Khi còn đương nhiệm Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, ông Ngữ từng cúi đầu xin lỗi các nhân chứng Hoàng Sa và người dân khi tham quan các triển lãm bởi tự thấy mình chưa làm được gì nhiều cho biển, đảo quê hương với trọng trách được giao và còn đến thăm gia đình một số quân nhân VNCH từng làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa. Khi được hỏi rằng việc đó có khiến mình phải đối mặt với áp lực nào không; ông Ngữ xua tay cười đáp gọn lỏn, “có chi mà phải lăn tăn, nó xuất phát từ niềm tin, tình cảm và trách nhiệm của mình thôi”.
Ông Ngữ bộc bạch rằng, trong thời gian đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, việc tìm kiếm và thuyết phục những nhân chứng từng sinh sống ở quần đảo này trước kia gặp nhiều khó khăn. Thời gian đã qua đi rất lâu cộng với việc họ từng ở phía bên kia chiến tuyến khiến nhiều người vẫn ám ảnh và từ chối hợp tác. Thêm một nhân chứng là thêm một nguồn khai thác tư liệu quý giá, như vào một ngày hè năm 2011, khi đang làm việc ở văn phòng thì ông nghe tiếng gõ cửa hỏi thăm của một người đàn ông trạc tuổi mình nhưng tóc đã bạc trắng. Hỏi ra mới biết, ông Trần Hòa từ Duy Xuyên ra Đà Nẵng, khi ngang qua đường Yên Bái thì tò mò vì thấy bảng hiệu UBND huyện Hoàng Sa đính trên trụ ngõ nên đánh bạo vào hỏi thăm. Được tiếp đón trong một bầu không khí thân tình và cởi mở, nên ngay trong đêm đó, ông Hòa quay về Duy Xuyên thức trắng đêm viết một mạch mấy trang hồi ký gửi UBND huyện Hoàng Sa phục vụ cho việc xuất bản cuốn kỷ yếu. Từ cơ duyên ấy, dần dà nhiều nhân chứng tìm đến, để trao gửi hồi ức quý giá về máu thịt Hoàng Sa.
Ghi chép của: QUỐC TUẤN