Surat - "kinh đô kim cương" của Ấn Độ

NAM VIỆT 08/04/2017 09:15

Mặc dù không phải là vùng đất sở hữu các mỏ kim cương, thành phố Surat của Ấn Độ lại là nơi chế tác kim cương số một thế giới.

Chế tác kim cương là công việc vô cùng phức tạp, từ các khâu cắt, đánh bóng đến mài..., đòi hỏi người thợ phải có tay nghề khéo léo, công phu cùng với thiết bị tinh vi, hiện đại. Kim cương được chế tác từ thô sơ đến những hạt nhỏ li ti nhưng phải có hình dạng quy chuẩn, góc cạnh, đáp ứng nhu cầu khách hàng và tỏa sáng lấp lánh quyến rũ như sắc thái tự nhiên của nó. Do vậy, chi phí cho công đoạn chế tác thường rất cao và ngành công nghiệp chế tác kim cương luôn thu về lợi nhuận rất cao. dịp lễ hội truyền thống ánh sáng Diwali lớn nhất tại Ấn Độ hồi cuối năm rồi, 1.200 nhân viên công ty xuất khẩu kim cương Hari-Krishna tại Surat từng được ông chủ là đại gia kim cương thưởng ô tô, căn hộ và trang sức đắt tiền.

Một xưởng chế tác kim cương tại Surat. Ảnh: Alamy
Một xưởng chế tác kim cương tại Surat. Ảnh: Alamy

Ngành chế tác kim cương bắt đầu nở rộ ở thành phố Surat, bên vịnh Khambhat, thuộc bang Gujarat, ở phía tây Ấn Độ vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi Ấn Độ bắt đầu xuất sang Mỹ những viên đá đẹp nhưng không quý như kim cương. Hiện khoảng 80% kim cương thế giới được các nghệ nhân chế tác tại Ấn Độ, chủ yếu tập trung tại Surat. Ngành công nghiệp chế tác kim cương ở Surat phát triển thịnh vượng nhờ vào số lượng kim cương thô khá lớn từ các nước châu Phi, như Angola, Botswana, Namibia đổ về đây và lao động giá rẻ lại đặc biệt có tay nghề cao. Cứ 5 người dân ở Surat thì có một người lao động trong ngành chế tác kim cương. Bởi vậy, Surat không những là trung tâm sản xuất thảm, hàng dệt mà còn là “kinh đô kim cương” của Ấn Độ. Khu chợ Mahidharpura hay còn gọi là “con đường kim cương” của Surat, nổi tiếng với những gian hàng bày bán kim cương thô và kim cương đã tinh chế. Người ta trao tay những viên kim cương, mặc cả chúng ngay trên đường phố, từ những viên bé xíu tới những viên to, sáng lóa. Nếu không rành về kim cương, ắt hẳn nhiều người không tin rằng kim cương thật sao lại bày bán phổ biến và tràn lan ở Mahidharpura. Mỗi buổi sáng, hàng nghìn người kéo về đây để giao thương mặt hàng kim cương.

Theo ước tính, việc cắt và đánh bóng cho một đơn vị ca-ra kim cương tại Ấn Độ nói chung hay Surat nói riêng mất khoảng 10USD trong khi chi phí này tại Trung Quốc là 17USD, tại Nam Phi là 40USD và tại Mỹ là 60USD. Lương công nhân chế tác kim cương tại Ấn Độ chỉ từ khoảng 80 - 100USD mỗi tuần tùy vào kỹ năng, kinh nghiệm của mỗi người. Mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu những viên kim cương đã cắt và mài xong có tổng giá trị khoảng hơn 10 tỷ USD. Sau khi xuất xưởng, chúng sẽ có mặt tại các thị trường kim cương lớn của thế giới như Mỹ, Bỉ, Singapore, Hồng Kông, Israel, Thái Lan, Dubai của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Thụy Sĩ…

Tuy nhiên, “kinh đô kim cương” Surat giờ đây đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia có các mỏ khai thác kim cương dồi dào bắt đầu có xu hướng chế tác kim loại quý này ngay ở đất nước sở tại để gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế tác kim cương Ấn Độ đối mặt với sự cạnh tranh nguồn nhân công giá rẻ dồi dào của Trung Quốc cũng như Trung Quốc đang có các dự án đầu tư quy mô trong ngành chế tác kim cương tại nhiều mỏ kim cương lớn của châu Phi - lục địa hiện sản xuất nhiều kim cương nhất thế giới.

NAM VIỆT

NAM VIỆT