Chung một tấm lòng thiện nguyện
Hai mươi năm qua, Hội Từ thiện tỉnh đã gầy dựng, làm cầu nối và nâng đỡ hàng ngàn mảnh đời bất hạnh vươn lên.
1. Còn nhớ những ngày mới thành lập, không có văn phòng làm việc, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện lâm thời lúc ấy là ông Trịnh Ngọc Anh đã nhờ Trường Trung học Y tế Quảng Nam để mượn phòng học, bàn ghế, thiết bị cho anh chị em có nơi lui tới, làm việc. Địa bàn rộng lớn, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo cao, đối tượng giúp đỡ quá nhiều nên các thành viên của hội lâm thời như ông Trịnh Ngọc Anh, Nguyễn Nhì cùng các cán bộ hưu trí và nhiều tổ chức xã hội thống nhất đề nghị UBND tỉnh thành lập Hội Từ thiện tỉnh.
Hội Từ thiện đã tổ chức và kết nối với nhiều tổ chức để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.T.A |
Đồng thời đề nghị các sở, ban ngành tham gia để có điều kiện liên kết hoạt động. “Bởi không có hội cấp trên (cấp trung ương) cho nên các cán bộ phải nỗ lực rất lớn bởi vừa hoạt động vừa củng cố và xây dựng các cấp hội từ tỉnh xuống cơ sở. Đồng thời tìm nguồn kể cả trong và ngoài nước để chia sẻ với những địa phương khó khăn trong các lĩnh vực: hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội hoặc các hoàn cảnh khó khăn bất hạnh trên địa bàn tỉnh” - bà Phan Thị Tín - nguyên Chủ tịch Hội Từ thiện nhiệm kỳ 1 (từ 2000 - 2005) chia sẻ tại buổi gặp mặt kỷ niệm 20 năm thành lập hội. Ban đầu, Hội Từ thiện tỉnh chỉ có hai chi hội nòng cốt là Tam Kỳ và Đại Lộc, chi hội các huyện sau đó mới được thành lập.
Ý thức được tôn chỉ mục đích của hội, hằng năm trong chương trình hoạt động của mình, Hội Từ thiện tỉnh dù chỉ được ngân sách hỗ trợ một phần bao gồm: kinh phí hoạt động, lương, phụ cấp cho cán bộ nhưng hội đã có những đóng góp nhất định vào chủ trương xóa đói giảm nghèo, góp phần làm vơi đi khó khăn, bất hạnh cho nhiều người, nhiều gia đình nghèo khó để họ vươn lên hòa nhập cuộc sống. “Dấu ấn đậm nét về thành tựu 20 năm qua của hội là sự đồng lòng nhất trí cao, không ngại khó khăn gian khổ, đồng tâm hiệp lực chăm lo cho những mảnh đời kém may mắn. Nhờ vậy phong trào được duy trì, các chương trình dự án mang tính bền vững, lâu dài, thể hiện tính nhân văn cao” - ông Trần Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh chia sẻ. Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành, nhiều thế hệ hội viên đến nay đã có người mất, người còn nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng thiện nguyện, hướng đến những người nghèo và kém may mắn để cuộc sống ý nghĩa hơn.
2. Hàng trăm người là các thế hệ cán bộ Hội Từ thiện, là những mảnh đời bất hạnh được hồi sinh từ sự chung tay của xã hội tại buổi gặp mặt thân mật kỷ niệm 20 năm thành lập đều cảm động khi nghe câu chuyện của Trương Thị Bích Diễm. Sinh ra tại làng cát nghèo Tam Phú (TP.Tam Kỳ), dường như bao nhiêu bất hạnh đều dồn vào Diễm khi cô mồ côi cha, chưa một lần được nhìn thấy ánh mặt trời. Cuộc sống của ba mẹ con Diễm nhờ phần nhiều vào ông bà ngoại. “Được sự hỗ trợ của các chú, các bác trong Hội Từ thiện, Diễm được đưa đi học ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, được học xong phổ thông và thi vào Học viện Âm nhạc Hà Nội nhưng việc học dang dở. Lại một lần nữa, cô chú trong hội lại dang tay ra hỗ trợ ba mẹ con tôi một lần nữa khi tìm đơn vị hỗ trợ cho tôi có căn nhà nhỏ. Căn nhà không chỉ là nơi che mưa nắng mà còn là nơi hồi sinh nguồn sống của tôi vì nó được xây bằng tình thương yêu của cô chú trong Hội. Chỉ lời cảm ơn không nói hết được sự biết ơn vô hạn mà tôi muốn gửi đến cô chú” - chị Trương Thị Bích Diễm nói. Hiện nay, chị Diễm là chủ của cơ sở massage, lớp âm nhạc tại chính căn nhà mà hội hỗ trợ. Câu chuyện của Bích Diễm chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp mà hội đã chia sẻ trong 20 năm qua.
Đến nay, toàn tỉnh có 15/18 huyện thành phố có hội, BCH nhiệm kỳ III (2011- 2016). Hội cơ sở xã, phường hiện nay là 124/244 xã có tổ chức hội và đã phát triển được 19.000 hội viên; nhiều tổ chức hội hoạt động có chất lượng tốt như Đại Lộc, Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức... Nhiều năm liền, Hội Từ thiện tỉnh được UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen. Năm 2009 hội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hội vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ 30 tỷ đồng, phục vụ cho các hoạt động như: bát cháo tình thương tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân lao và bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo cả đông y, tây y và giúp đỡ các trang thiết bị y tế, lĩnh vực giáo dục đào tạo... Đặc biệt 20 năm qua đã vận động nguồn cấp học bổng thường xuyên cho 1,167 em, với số tiền là 13,4 tỷ đồng giúp cho nhiều em vượt qua khó khăn, học tốt. “Điều mong muốn nhất của chúng tôi thời gian tới là cố gắng kết nối với những người đã được hỗ trợ để cùng tiếp tục chung tay đến với số phận kém may mắn, như sự nối dài tấm lòng thiện nguyện. Để tình thân, sự sẻ chia được lan tỏa sâu và rộng hơn, ý nghĩa hơn” - ông Trần Hồng Phúc nói.
CHIÊU THỤC ANH