Đề xuất đầu tư 9.535 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Chiều 4.4, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh với Sở KH&ĐT về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025.
Theo Sở KH&ĐT, tổng vốn đầu tư xã hội miền núi (2013 - 2016) khoảng 20.290 tỷ đồng (30% vốn nhà nước và 70% vốn xã hội), tổng vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách nhà nước (ngân sách tỉnh, trung ương và trái phiếu chính phủ, ODA…) khoảng 6.102 tỷ đồng với vốn ngân sách cấp tỉnh chiếm 25,6%. Tính đến cuối năm 2016, chỉ có 11/19 chỉ tiêu (theo Nghị quyết 55/2011/NQ-HĐND) đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo là hai chỉ tiêu quan trọng đã tăng trưởng nhanh, phản ánh mức sống người dân đã được nâng lên đáng kể. Tám chỉ tiêu còn lại dù có tăng trưởng nhưng không đạt được mục tiêu. Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tiếp tục thực hiện 12 chỉ tiêu (điều chỉnh tăng 2 chỉ tiêu và giảm 3 chỉ tiêu), cắt giảm 7 chỉ tiêu, không đưa vào nghị quyết lần này và bổ sung 4 chỉ tiêu mới. Nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình phát triển này lên đến 9.535 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự kiến khả năng đáp ứng nguồn lực theo đề án chỉ sẽ hơn 7.200 tỷ đồng (hơn 4.600 tỷ đồng ngân sách trung ương, 1.080 tỷ đồng ODA, 522 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và ngân sách cấp tỉnh khoảng 2.586 tỷ đồng). Nguồn vốn này sẽ ưu tiên bố trí để hỗ trợ công tác sắp xếp, bố trí dân cư, ổn định, phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, phát triển mô hình đặc thù tại Tiên Phước, Tây Giang... Ngoài ra sẽ hỗ trợ đầu tư theo các nhóm dự án phát triển vùng tây và ưu tiên lồng ghép vốn với các chương trình, nghị quyết khác trên địa bàn. Hỗ trợ các nhóm dự án sắp xếp, bố trí dân cư (xen ghép là chủ yếu, kết hợp di dân tập trung và ổn định dân cư tại chỗ). Quan trọng nhất của đề án này là sẽ phân cấp cho UBND các huyện lựa chọn dự án đầu tư phù hợp với mục tiêu, nhu cầu thực tế địa phương (trên cơ sở thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn của tỉnh theo đúng mục tiêu, đối tượng của chương trình). Người dân là chủ thể thực hiện các dự án hạ tầng thiết yếu tại cộng đồng do mình hưởng lợi, nhằm tạo cơ hội việc làm để tăng thu nhập và tăng cường trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu chính là tìm kế sách an cư lạc nghiệp và nuôi dưỡng văn hóa tinh thần cho cư dân miền núi. Phải thiết kế được ngành nghề, định hướng sản xuất, sản phẩm cụ thể cho miền núi… Khi đề án được thông qua, các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện đề án. Cụ thể hóa các chỉ tiêu do ngành quản lý theo từng huyện, theo dõi, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình thực hiện các chính sách đã được ban hành thực hiện trên địa bàn miền núi, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp bổ sung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bảo đảm tính hiệu quả của các chính sách. Chính quyền 9 huyện miền núi cần xây dựng kế hoạch cụ thể lộ trình thực hiện các chỉ tiêu hàng năm, lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, chính sách. Định kỳ 6 tháng hay 1 năm, các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
T.D