Người giữ lửa văn hóa
Trong hành trình lưu giữ nét đặc sắc văn hóa của vùng Sông Trà (Hiệp Đức), không thể không nhắc đến bà Hồ Thị Hà với những đóng góp để giữ “cái hồn” của người Ca Dong trong dòng chảy của sự giao thoa các giá trị văn hóa.
Bà Hồ Thị Hà với trang phục truyền thống của đồng bào mình. Ảnh: LÊ BÌNH |
Gần 60 tuổi với hơn 20 năm lặng lẽ gìn giữ văn hóa của người Ca Dong, bà Hồ Thị Hà (người làng hay gọi là cô Minh Hà, thôn 5, xã Sông Trà) nắm giữ được những tinh hoa của nghề nấu rượu cần, may trang phục truyền thống và cả những điệu nhảy múa cồng chiêng. Trong các dịp lễ hội 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia, màn trình diễn cồng chiêng của Sông Trà do bà chỉ dạy luôn được mọi người khen ngợi và đón nhận nồng nhiệt. Các đội múa cồng chiêng của xã khác cũng thường đến tìm hiểu và mong học hỏi những kinh nghiệm từ bà. Không những thế, những mẻ rượu cần do bà nấu để phục vụ những ngày hội cũng để lại trong lòng người tham dự những dư vị khó phai.
Được biết, tại vùng này chỉ có gia đình bà nắm được bí quyết nấu rượu cần ngon. Có vài vị cao tuổi trong làng cũng biết nấu nhưng chỉ làm ra để cúng trong các ngày lễ chứ không thể phục vụ lễ hội vì họ cũng không nắm chắc được quy trình sản xuất để có thể làm ra loại rượu như ý. Từ lúc còn là cô gái đôi mươi, bà Hà đã tỉ mỉ học hỏi kỹ thuật làm rượu từ củ sắn của cha mẹ để nấu nên loại rượu thơm, ngọt, càng để lâu thì rượu càng ngon hơn. Trước đây vùng này trồng nhiều sắn nên có sẵn nguyên liệu, trung bình bà nấu 40 - 50 lít/tháng để phục vụ cho người trong làng, nhưng từ khi chuyển hầu hết diện tích đất sang trồng keo thì gia đình bà không còn nấu rượu thường xuyên. Mỗi khi diễn ra lễ hội, có người đặt trước đem nguyên liệu đến thì bà mới nấu, tuy không nhiều nhưng bà luôn giữ nghề để níu lại chút hương vị truyền thống của dân tộc đang dần mai một.
Ngoài nấu rượu, bà Hà còn được dân làng yêu mến vì có đôi bàn tay tài hoa của người con gái Ca Dong khi làm nên những bộ trang phục truyền thống mà bấy giờ ở vùng này không còn ai có thể làm được. Đem những bộ trang phục ra giới thiệu cùng chúng tôi, bà không giấu nỗi niềm tự hào. “Trang phục của đồng bào mình, nhất là phụ nữ thường mặc áo màu trắng, váy thổ cẩm ngang hông có đai lưng. Nét độc đáo trong trang phục của người Ca Dong vùng này là có trang sức đeo ở cổ chân, cổ tay, đeo vòng cổ và làm đẹp cho đầu tóc một cách cầu kỳ với nhiều loại trang sức” - bà nói. Điều đáng buồn là dù làm đẹp cho nữ giới, tôn lên vẻ truyền thống của trang phục nhưng ở vùng này không có ai ngoài bà Hà biết cách làm trang sức ấy. Những vòng cổ, vòng tay, vòng chân... kết bằng tay với nhiều hạt cườm nhỏ li ti, nhiều màu sắc từ xanh, trắng, vàng, nhiều màu phải được xen kẽ theo một quy luật riêng mà chỉ còn bà Hà là người nắm giữ.
Thời đại thay đổi, văn hóa của người Ca Dong giao thoa với các dân tộc khác nên nghề nấu rượu cần, làm trang phục truyền thống cũng dần mai một. Những tháng ngày còn khỏe mạnh này, bà Hà đem hết tâm huyết để truyền lại cho thế hệ sau nhưng dường như người trẻ không thể làm bà vừa lòng. Rượu nấu ra không đậm đà như bà nấu, người học làm trang phục thì không đủ kiên nhẫn để xuyên từng hạt nhỏ nên hay bỏ ngang giữa chừng, họ học để biết chứ không nhiệt tâm. Lý giải về việc này, bà cho rằng người trẻ dường như không nặng lòng với những nghề truyền thống nên không dồn hết tâm sức để học như bà ngày xưa. Hiện nay, mọi người đều vì miếng cơm manh áo thường ngày mà dần quên đi cái nghề truyền thống của chính dân tộc mình. “Tôi luôn nặng lòng với nỗi lo rồi đây văn hóa của dân tộc mình sẽ không còn được lưu truyền vì thế hệ nghệ nhân cao tuổi không còn nhiều, mà lớp trẻ lại không có ai hứng thú” - bà Hà ngậm ngùi.
LÊ BÌNH