Điện Bàn qua hơn 2 năm trở thành thị xã: Diện mạo đô thị mới
Từ ngày lên thị xã, diện mạo của Điện Bàn càng thêm khởi sắc, mặc dù địa phương vẫn còn những khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ để vững bước đi lên.
Khởi sắc
Cuối năm 2016, các xã Điện Tiến, Điện Minh và Điện Phương hoàn thành 5 tiêu chí còn lại và chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, toàn bộ 13 xã của Điện Bàn về đích với 19/19 tiêu chí, đã góp phần để thị xã Điện Bàn đạt chuẩn NTM năm 2015 theo Quyết định số 494/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tháng 3 này, công an chính quy tại Điện Ngọc chính thức về làm việc trong trụ sở kiên cố mới xây dựng xong, chấm dứt gần 2 năm “tá túc” cùng trung tâm hành chính phường. Nguồn kinh phí thực hiện trích từ ngân sách tỉnh và thị xã với khoảng 5 tỷ đồng.
Trụ sở Công an phường Điện Ngọc vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: C.T |
Theo Chủ tịch UBND thị xã - ông Trần Úc, xuất phát điểm trước đây của Điện Bàn là dựa vào ruộng đất, bây giờ đã chuyển dịch mạnh mẽ sang cơ cấu lao động phi nông nghiệp (chiếm đến 70%). Năm 2016, giá trị sản xuất nền kinh tế đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015; công nghiệp - xây dựng chiếm 60,85%, dịch vụ chiếm 31,77% và nông nghiệp chiếm 7,49%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.046 tỷ đồng, vượt 67,2% dự toán. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ; thu nhập bình quân đầu người 37,6 triệu đồng/năm. Từ chỗ nhận trợ cấp thường xuyên, năm 2017, thị xã chính thức tự cân đối ngân sách và sẽ trích nộp 48% nguồn thu về trên (tổng thu nội địa).
Ngoài các xã NTM, tỷ lệ đô thị hóa ở thị xã hiện đạt 40% với 7 phường. Đơn cử như Điện Ngọc, từ khi lên phường cơ sở hạ tầng đổi thay không ngừng. “Năm qua, cấp trên tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông huyết mạch, điển hình như các tuyến ĐT603 (nay là đường Phạm Như Xương), ĐT607 (đường Trần Hưng Đạo). Đặc biệt là việc sửa chữa, nâng cấp đoạn tuyến đấu nối ĐT607 với ĐT603A, địa điểm mà báo chí gọi đùa là “đường lao phổi”. Đường sá mở mang, người dân có điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ” - Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, ông Phan Văn Huyến phấn khởi nói. Cũng theo ông Huyến, cơ cấu kinh tế của Điện Ngọc chuyển dịch đúng theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ XIX đề ra. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 4,16%, song vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh thúc đẩy kinh tế, thị xã rất chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự. Để hỗ trợ lực lượng chức năng, 122 đội dân phòng gồm 621 thành viên ra đời. Họ được trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ với kinh phí 690 triệu đồng. Sau khi ra mắt, Chủ tịch UBND các xã đã điều động dân phòng cùng công an xã tổ chức tuần tra. Mới đầu, dân phòng đã cung cấp cho công an 57 nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự, phối hợp giải quyết 3 vụ gây rối trật tự, bắt 9 vụ đánh bạc trái phép, 1 vụ trộm cắp tài sản.
Còn đó trở lực
“Thay da đổi thịt” là vậy, song Điện Bàn vẫn đang gặp nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Chẳng hạn, đã lên đô thị mà ý thức thị dân chuyển biến chưa theo chiều sâu. Ngoài Vĩnh Điện và Điện Ngọc, công an chính quy 5 phường còn lại của vùng đông chưa có trụ sở hoạt động riêng biệt. Điện Ngọc là địa bàn rộng với diện tích 2.121ha, dân số khoảng 30 nghìn người (10 nghìn dân tạm trú), giáp ranh với TP.Đà Nẵng nên việc đảm bảo an ninh trật tự về lâu dài không thể chỉ có 11 công an chính quy. Ở phường này, nhiều khu nằm trong quy hoạch đã xuống cấp trầm trọng mà không thể đầu tư. Nhức nhối nhất là địa bàn 4 khối phố thuộc quy hoạch làng đại học miền Trung, gồm Ngọc Vinh, Tứ Hà, Câu Hà và một phần Tứ Ngân “treo” gần 20 năm qua gây bức xúc trong nhân dân. Chế độ chính sách cho cán bộ bán chuyên trách tổ quy tắc đô thị khá “khiêm tốn”, trong lúc áp lực công việc nặng nề, có khi làm cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Lãnh đạo UBND thị xã thừa nhận, cái khó nhất vẫn là nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ở vùng đông hiện nay, nhà ở cho công nhân, phòng học cho cấp tiểu học và THCS thiếu trầm trọng. Phòng khám đa khoa chủ yếu phục vụ khám bệnh chứ chưa chữa bệnh. Nước sinh hoạt cũng đang là bài toán nan giải cho 6 phường vùng cát.
Để tháo gỡ khó khăn, chính quyền thị xã đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị trọng điểm, kết nối thông suốt giao thông vùng đông và vùng tây. “Ngoài việc xin cấp trên một số cơ chế có tính đặc thù, chúng tôi đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực cho phát triển toàn diện. Phát huy mô hình hiệu quả thu gom rác thải trong khu dân cư, ví dụ như khoán hộ” - ông Trần Úc cho biết. Còn theo ông Đặng Hữu Lên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, các địa phương NTM phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Thúc đẩy dồn điền đổi thửa, xây dựng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huy động nhân dân tham gia xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp”; đồng thời xây dựng phương án vùng dân cư kiểu mẫu ở khu vực 3 xã Gò Nổi.
Nhằm phục vụ yêu cầu phát triển, Điện Bàn đang nỗ lực xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hiện chính quyền thị xã đang làm đề án để trình Thường vụ Thị ủy thông qua về việc thành lập Trung tâm Hành chính công. Sau đó, địa phương sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt và dự kiến trong tháng 7 này đi vào hoạt động, liên thông với Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Điện Bàn đang đón “làn gió” đầu tư mới, khi Tập đoàn Sungroup sẽ làm quy hoạch phân khu trên diện tích nghiên cứu 2.000ha phía tây trục tuyến ĐT607, rồi chọn 1.000ha làm đô thị. Cạnh đó, Tập đoàn T&T sẽ đầu tư khu du lịch sinh thái trên diện tích 340ha tại phường Điện Dương… Cho nên, nhiệm vụ sắp tới càng thêm nặng nề với Điện Bàn, khi quản lý hiện trạng vừa giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho vùng.
CÔNG TÚ