Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Nam: Cụ thể, thiết thực

DIỄM LỆ 04/04/2017 08:51

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, rất nhiều chương trình, dự án về giảm nghèo đã được triển khai ở Quảng Nam. Trong đó, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng đầu tư về cả cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân. Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Dự án) được triển khai từ năm 2014 đến nay tại các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My với 15 xã được đầu tư, đã tiếp thêm động lực cải thiện cuộc sống của khoảng 7.500 hộ dân là đối tượng yếu thế, đặc biệt là hộ nghèo ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, hạn chế tình trạng tái nghèo. Chia sẻ về tác động của các mô hình sinh kế bền vững do dự án hỗ trợ cho người dân của huyện Nam Giang, ông Thái Minh Hoàng - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện thông tin: “Các mô hình hỗ trợ sinh kế theo cách làm của dự án rất phù hợp với tính cộng đồng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân được tập hợp trong một nhóm, cùng nhau bàn bạc nuôi con gì, trồng cây gì và hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi. Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật từ dự án, người dân dần thay đổi thói quen sản xuất “dựa vào trời” của mình, tiếp cận được với cách sản xuất khoa học nhưng không tách rời với cuộc sống của họ. Người dân đã được nâng cao năng lực từ hoạt động thực tế. Và sau đó là cách thức quay vòng đồng vốn trong nội bộ nhóm sản xuất, từ đó có vốn để tái sản xuất, có nguồn thu. Có thể chưa đánh giá được hiệu quả giảm nghèo cụ thể, nhưng sự chuyển biến từ ý thức người dân sẽ là cái gốc để có thể thoát nghèo và thoát nghèo bền vững hơn”.

Các chương trình hỗ trợ người nghèo từ Trung ương đến tỉnh từ trước đến nay hầu như đều hướng đến hỗ trợ hoàn toàn cho người nghèo theo kiểu “cho không”, mang tính đơn lẻ, không có sự phối hợp lẫn nhau giữa người dân. Chính vì sự “cho không” đó mà người nghèo sinh ra tâm lý ỷ lại, muốn được ở trong hộ nghèo để hưởng lợi. Hướng thực hiện của dự án chỉ là hỗ trợ, còn người dân phải có phần “đối ứng” nhỏ, như nuôi con gì phải có trách nhiệm làm chuồng trại, thêm vào một phần công sức để có trách nhiệm với chính tài sản của mình. Đồng thời các hộ dân cùng nuôi một loại con, cùng trồng một loại cây được kết nối với nhau, chia sẻ kinh nghiệm để làm tốt hơn. Hộ nào làm tốt sẽ là điển hình để hộ khác học theo và cố gắng làm tốt. Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án cấp tỉnh cho biết: “Đây là dự án đa mục tiêu, trong đó mục tiêu phát triển kinh tế bền vững là quan trọng nhất.

Thời gian qua, dự án đã góp phần cải thiện điều kiện sinh kế cho người dân. Người dân thay đổi tập quán, thói quen và nhận thức sản xuất, như thay đổi từ thói quen trồng lúa rẫy sang lúa nước, từ chăn nuôi thả rông sang nuôi chuồng trại, có phòng trừ dịch bệnh khoa học hơn. Trong sản xuất, người dân đã biết tổ chức quản lý theo nhóm, tạo nên hiệu quả kinh tế từ chính bàn tay của họ”. Ông Thanh cho biết thêm, các mục tiêu khác của dự án đều nhằm xoay quanh việc phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con. Như làm đường từ khu dân cư đến nơi sản xuất giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, các cây cầu hay con đường giúp việc giao thương được thuận tiện, nâng cao giá thành sản phẩm. Ngoài ra, phương pháp lập kế hoạch theo hướng cộng đồng đã giúp người dân thấy được vai trò, trách nhiệm của họ kể từ khi có quyết định ban đầu, đến khi bắt tay và thực hiện kế hoạch chung của cả nhóm hộ hay của cộng đồng.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ