Điểm đến du lịch phía tây, nam: Vẫn còn sơ sài

VĨNH LỘC 04/04/2017 08:48

Lần đầu tiên, một chương trình famtrip quy tụ hơn 20 doanh nghiệp lữ hành lớn đến từ 2 đầu đất nước vừa tham gia khảo sát các điểm đến mới và du lịch MICE tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Chuyến đi đã mang đến cách nhìn đa chiều, tạo đà phát triển du lịch 2 địa phương, nhất là các điểm phía nam và phía tây của tỉnh.

Tiềm năng

Khác với những chương trình famtrip trước đây, trong những ngày khảo sát, bên cạnh tìm hiểu cơ sở dịch vụ lưu trú cao cấp  chuyên về loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác…) ở Hội An và Đà Nẵng như Hotel Royal Hoian, Palm Garden Resort, Golden Sand Resort, Koi Hoian Resort & Spa hay Royal Lotus, Khách sạn Grand Tourane, Centara Sandy Beach, Furama Resort…, đoàn cũng tham quan, khảo sát một số điểm tại Quảng Nam như Vinahouse (Điện Bàn), làng bích họa Tam Thanh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ), khám phá khu du lịch Hồ Phú Ninh, trải nghiệm homestay, chợ quê Tiên Phước, tham quan làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang), làng Bhơ Hôồng (Đông Giang)…

Đã có nhiều đoàn famtrip đến các huyện phía tây nam của tỉnh nhưng không thể xây dựng được tour bán khách do hạ tầng, sản phẩm điểm đến chưa hoàn chỉnh.Ảnh: V.L
Đã có nhiều đoàn famtrip đến các huyện phía tây nam của tỉnh nhưng không thể xây dựng được tour bán khách do hạ tầng, sản phẩm điểm đến chưa hoàn chỉnh.Ảnh: V.L

Tại một vài điểm, đa số thành viên trong đoàn đều có những cảm nhận khá tích cực. Trong đó, nổi bật là làng du lịch Bhơ Hôồng được đánh giá khá cao như là mô hình hiệu quả trong việc bảo tồn và lưu giữ nguyên vẹn đời sống, văn hóa đồng bào gắn với phát triển du lịch, nhất là vị trí thuận lợi khi chỉ cách Đà Nẵng khoảng 40km. Riêng công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được nhìn nhận là một sản phẩm du lịch khác biệt hướng đến thị trường khách là các cựu chiến binh, hưu trí…

Tuy vậy, hạn chế nhất của các điểm du lịch phía nam và phía tây Quảng Nam vẫn là hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, kể cả chất lượng phục vụ. Theo bà Phạm Hồng Châu - Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hy Vọng, hầu hết nơi đoàn đến đều có tiềm năng để xây dựng thành điểm du lịch nổi bật nhưng do chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể cũng như sự hạn chế nguồn lực đầu tư nên khó hình thành nên điểm du lịch hoàn chỉnh. “Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng không có bản dịch tiếng Anh cho khách nước ngoài, không gian buồn tẻ, lạnh lẽo, nên phát nhạc nhẹ nhàng cho sinh động. Còn Lò Thung là bãi đá rất đẹp nhưng đường vào khó khăn, riêng chợ quê Tiên Phước thì sản phẩm quá nghèo nàn, chưa có nét đặc trưng của một phiên chợ quê” - bà Châu nhận xét.   

Chưa hoàn chỉnh

Tương tự những chương trình khảo sát trước đây, mục tiêu chủ yếu của famtrip lần này nhằm giúp các đơn vị lữ hành từ nơi khác trải nghiệm thực tế điểm đến, mở ra cơ hội kết nối, hợp tác phát triển. Đặc biệt, thông qua góp ý của doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ giúp các đơn vị kinh doanh du lịch, địa phương và các cơ quan quản lý hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức famtrip tới những điểm khi chưa có sản phẩm, dịch vụ không hoàn chỉnh là không cần thiết, thậm chí phản tác dụng trong quảng bá. “Thay vì giới thiệu đoàn đến những điểm hoàn chỉnh để tìm hiểu sản phẩm, kết nối hợp tác thúc đẩy phát triển thì một vài nơi đoàn tới khảo sát chẳng có gì, từ sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng giao thông, lưu trú, kể cả kỹ năng phục vụ du lịch của người dân tại chỗ. Điều này không giúp mang lại kết quả gì cho doanh nghiệp, vì đơn vị không thể xây dựng tour tuyến đưa khách tới với tình trạng như vậy” - một đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết.    

Theo bà Vũ Thị Ngọc Thu - Tổng Giám đốc Vina Tourist, nên hoàn thiện điểm đến trước khi đưa doanh nghiệp, đối tác về khảo sát, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn. “Không thể đưa khách lên Tiên Phước hay Nam Giang khi nơi đây chỉ có vài phòng lưu trú, homestay chưa đạt chuẩn, kể cả cung cách phục vụ của gia chủ chưa chuyên nghiệp. Còn sản phẩm, món ăn na ná nhau, chưa nói đến chất lượng môi trường, vệ sinh không hẳn đã đảm bảo” - bà Thu chia sẻ. Còn ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Dấu Ấn Việt (VietMart) lại ví von phát triển du lịch Quảng Nam hiện nay giống như nhà có đông anh em, đứa con nào cũng được cha mẹ lo một tí nhưng kết quả chẳng đứa nào được lo trọn vẹn. Thay vì vậy, hãy tập trung lo cho một đứa giỏi nhất học đến nơi đến chốn, sau đó quay lại dìu những đứa khác lên. “Nên chọn một điểm có tiềm năng nhất đầu tư mạnh, khi đã hoàn chỉnh thì tăng cường truyền thông, quảng bá, famtrip để thúc đẩy điểm đến cho hiệu quả” - ông Anh đề xuất.

Thực tế, đây không phải là câu chuyện mới mẻ của du lịch phía tây nam Quảng Nam. Tính đến nay đã có hơn 3 đoàn famtrip được Sở VH-TT&DL tổ chức đưa đến khảo sát các điểm này, tuy nhiên ngoài một số điểm như công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hay hồ Phú Ninh thì những nơi khác hầu như hiệu quả chưa cao, doanh nghiệp vẫn chưa thể đưa khách đến. Nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng, dịch vụ yếu kém, dù hầu hết nơi này đều được đánh giá cao về tiềm năng. Đã đến lúc thay vì tổ chức những đoàn famtrip quy mô, tốn kém thì hãy tập trung xây dựng một điểm đến thật sự chất lượng để các công ty sau khi khảo sát về đều có thể bắt tay xây dựng ngay chương trình tour chào bán khách. Chưa kể, việc một số doanh nghiệp chỉ cử nhân viên, những người không có khả năng và thẩm quyền thay vì các giám đốc điều hành hoặc chủ doanh nghiệp tham gia famtrip cũng phần nào làm giảm đi hiệu quả của chương trình. Nói như ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước: “Đoàn đến khảo sát lo hơn mừng, bởi vì du lịch Tiên Phước như con chim non yếu ớt chưa đủ điều kiện để bay xa đón khách”. Và đây cũng là câu chuyện chung của một số địa phương hiện nay. Biết không hiệu quả, chưa đủ điều kiện để phát triển du lịch nhưng vẫn muốn có đoàn đến chỉ để giao lưu, thăm thú một hai ngày, còn doanh nghiệp sau những cuộc vui vẻ giao lưu ca tụng thì một đi không trở lại.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC