Sắp xếp lại dân cư trên quy mô lớn
Triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện miền núi, dự kiến tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (khóa IX) tổ chức trong tháng 4 này, UBND tỉnh sẽ trình đề án Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
Thường trực HĐND tỉnh khảo sát thực tế tình hình bố trí, sắp xếp dân cư tại khu tái định cư thôn 4A, xã Phước Thành, Phước Sơn. Ảnh: NG.ĐOAN |
THỜI gian qua, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát tại các địa phương miền núi nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (khóa VIII) về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2013-2016. Kết quả khảo sát này là cơ sơ để Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra, gợi mở cho các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, góp ý hoàn thiện và thông qua đề án do UBND tỉnh trình.
Chuyển biến tích cực
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, tập trung các nguồn lực nhằm đưa miền núi phát triển là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của tỉnh. Nhiệm vụ này phải được xem là một cuộc cách mạng đưa miền núi thay đổi diện mạo, vì vậy, phải có tư duy mới, cách làm mới và gắn các giải pháp quyết liệt, thiết thực nhất. “Có thể, Nhà nước chỉ hỗ trợ về nguồn lực, còn người dân sẽ tự quyết định chọn đất định cư, xây dựng nhà cửa, cùng chung tay tạo dựng làng xóm, cảnh quan môi trường sống của khu dân cư mình. Nhà nước cũng đầu tư hạ tầng hệ thống lưới điện, đường, nước sạch... đảm bảo các điều kiện hạ tầng thiết yếu cho mỗi khu dân cư. Việc bố trí, sắp xếp lại dân cư ở miền núi không cứ phải bạt núi, san đồi để xây dựng khu tái định cư rồi đưa dân vào ở, mà cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động đến môi trường tự nhiên, phù hợp với văn hóa, tập quán sinh sống, sản xuất của đồng bào. Tất cả đều phải tính toán kỹ lưỡng nếu không thì có đầu tư thêm bao nhiêu nữa cũng sẽ không đạt hiệu quả” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang gợi mở. |
Đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đạt được kết quả cụ thể. Có 11/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, gồm 2 chỉ tiêu về mức sống dân cư, 3 chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, 5 chỉ tiêu xã hội, 1 chỉ tiêu về môi trường. Việc thực hiện nghị quyết đã mang lại những kết quả quan trọng, đóng vai trò tích cực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi. Về cơ bản, việc thực hiện nghị quyết đã đạt mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu; cải thiện sinh kế thông qua công tác khuyến nông, giới thiệu và hướng dẫn cho người dân tiếp cận các phương thức, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp; từng bước đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Những nội dung này được triển khai lồng ghép thông qua việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới... trên địa bàn.
Nghị quyết số 55 được triển khai cũng đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cán bộ trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Đặc biệt, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể. Theo thống kê, năm 2016 người dân khu vực miền núi có mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng, đạt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2016 chỉ còn 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% là Nam Trà My (64,4%), Nam Giang (52,36); có 4 huyện tỷ lệ hộ nghèo 40% - 50% gồm Bắc Trà My (47,68%), Phước Sơn (45,5%), Tây Giang (46,32%), Đông Giang (43,49%) và 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 30% là Nông Sơn (29,59%), Hiệp Đức (19,87%), Tiên Phước (12,06%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND còn nhiều hạn chế, 8 chỉ tiêu đề ra chưa đạt được. Tốc độ phát triển của miền núi còn thấp và chưa đảm bảo tính bền vững; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế chưa cao, có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển so với miền xuôi, tỷ lệ tích lũy từ nền kinh tế cho đầu tư thấp, chủ yếu đầu tư từ nguồn lực bên ngoài, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức.
Ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư
Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, qua khảo sát từ cơ sở, nhiều địa phương cho rằng cần cắt giảm 7 chỉ tiêu của Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND và bổ sung thêm 3 chỉ tiêu gồm: tỷ lệ xã có rác thải sinh hoạt được tổ chức thu gom; tỷ lệ diện tích đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số hộ được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất. Trong đó, dự án sắp xếp, bố trí dân cư gắn với sản xuất là một trong 5 nhóm dự án quan trọng về phát triển vùng tây giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2025 theo Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy.
“Qua khảo sát ở các địa phương, nhu cầu số hộ dân miền núi cần được ổn định chỗ ở rất lớn. Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2020 có 1.800 hộ và đến năm 2025 có 2.000 hộ được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội miền núi trong giai đoạn đến, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ưu tiên nguồn lực thực hiện và sự đồng lòng của người dân trong trong quá trình tổ chức thực hiện” - ông Bảo nói.
Thông tin của ông Bảo đã lý giải vì sao tại các cuộc giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, thành viên trong đoàn đều hết sức quan tâm đến việc thực hiện bố trí, sắp xếp người dân vào sinh sống ở các khu tái định cư do các địa phương miền núi xây dựng. Bởi lẽ, bài học kinh nghiệm từ “những được mất” của các dự án tái định cư thủy điện vẫn còn đó. Bây giờ, công tác bố trí, sắp xếp dân cư ở miền núi phải đặt yêu cầu về tính hiệu quả bền vững lên hàng đầu. Có thể thấy, dự nguồn ngân sách cho việc bố trí, sắp xếp dân cư đã được tính đến, nhưng phương thức hỗ trợ như thế nào, cách làm ra sao để mục đích cuối cùng phải đạt được là người dân miền núi có chỗ an cư, có nơi sản xuất ổn định để phát triển kinh tế.
Quan tâm đến vấn đề này, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, chính quyền các địa phương miền núi nhằm tìm tiếng nói chung, đề xuất giải pháp góp ý hoàn thiện đề án, trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Giảm nghèo bằng hỗ trợ người khá giả Tại các cuộc giám sát của HĐND tỉnh, nhiều địa phương đề nghị tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho những người có kinh tế khá giả biết làm ăn, giúp họ có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này mới nghe có vẻ nghịch lý, bởi lẽ lâu nay chính sách giảm nghèo của Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ hộ nghèo khó. Nhưng ý tưởng này đưa ra đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, vì cho rằng, khi được hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh, chính những người này sẽ tham gia vào việc giải quyết lao động tại khu dân cư, góp sức vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, muốn chiến thắng trong cuộc chiến giảm nghèo, đã đến lúc phải nhận diện cho được trường hợp nào là hộ nghèo thật sự để trực tiếp hỗ trợ thoát nghèo; trường hợp nào lợi dụng sự bao cấp của chính sách để có hướng xử lý. Đồng thời chính sách hỗ trợ phải thay đổi, làm sao cho người ta thấy sớm thoát nghèo thì sẽ được hưởng lợi về nhiều mặt, không còn muốn làm hộ nghèo. Cùng với đó nên xem xét xây dựng cơ chế hỗ trợ đối với những trường hợp làm ăn hiệu quả để họ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. |
HÀN GIANG