"Món nợ" kiến trúc thượng tầng

HỮU PHÚC 01/04/2017 08:43

TP.Tam Kỳ trở thành đô thị loại 2, huyện Điện Bàn lên thị xã. Để có thành quả đó, các địa phương đã trải qua 20 năm bền bỉ phát triển kinh tế - xã hội, dành nguồn lực lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, trên hành trình kiến tạo đô thị, vẫn chưa trả được món nợ về kiến trúc thượng tầng và xây dựng lối sống thị dân.

Thị dân thời hiện đại cần đời sống vật chất lẫn văn hóa tinh thần đủ đầy. Và chính lối sống thị dân đã làm nên sắc thái văn hóa của một đô thị, là nền tảng vững chắc để xây dựng đẳng cấp cho một đô thị. Song do chạy đua với tốc độ đô thị hóa nhanh, mà các đô thị trẻ như Tam Kỳ, Điện Bàn để lại không ít hụt hẫng.

Đô thị Tam Kỳ, nhìn từ đường Phan Châu Trinh.
Đô thị Tam Kỳ, nhìn từ đường Phan Châu Trinh.

Yếu hạ tầng khung

Để nhanh có đường nội bộ dọc ngang khắp thị trấn Vĩnh Điện, trước đây việc thi công hạ tầng giao thông chỉ đơn giản một mục đích để đi lại mà quên mất các chức năng khác. Nhiều tuyến đường không có lề, vỉa hè nên cũng chẳng có chỗ để bỏ thùng rác vệ sinh. Hay, chỉ cần có trận mưa to, thì nhiều tuyến phố ở Vĩnh Điện ngập úng cục bộ. Nhức nhối nhất là các chợ - một hình ảnh thu nhỏ của xã hội, luôn là nơi mất vệ sinh dai dẳng. Điển hình, chợ  Kỳ Lam (xã Điện Thọ), chợ Hương Đàn (Điện Phương), chợ Hạ Nông Tây... các công trình phụ không có hoặc đầu tư tạm bợ. Ngay cả khu phố chợ Vĩnh Điện xây mới khang trang, nhưng vẫn không xử lý dứt điểm ô nhiễm rác thải, gây bức xúc cho người buôn bán và thị dân sống chung quanh. Chưa kể một số chợ không có bãi giữ xe, hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán gây mất trật tự an toàn giao thông.

Một số khu phố Tam Kỳ dọc sông Bàn Thạch vẫn còn nhếch nhác, nghèo khó. TRONG ẢNH: Làng chàì thuộc khối phố 6 phường Phước Hòa (Tam Kỳ).
Một số khu phố Tam Kỳ dọc sông Bàn Thạch vẫn còn nhếch nhác, nghèo khó. TRONG ẢNH: Làng chàì thuộc khối phố 6 phường Phước Hòa (Tam Kỳ).

Ông Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam đánh giá, chất lượng đô thị Điện Bàn chưa được cải thiện đáng kể là do đầu tư thiếu đồng bộ. Ngay cả khi phát triển các khu công nghiệp, hình thành đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, bất cập nhất là chưa cung ứng đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt lẫn sản xuất của người dân. Đơn vị làm quy hoạch xây dựng, kiến trúc thì khó dự báo phát triển kinh tế cũng như nhu cầu xã hội phát sinh. Vì vậy, quy hoạch hầu hết bám theo hiện trạng nên thường dễ bị lệ thuộc, ràng buộc.

Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc ra đời hơn 13 năm, hàng chục nghìn công nhân làm việc cho khu công nghiệp, nhưng đến nay người lao động phải sinh hoạt trong các căn phòng trọ chật chội, thiếu tiện ích và không đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều công nhân an cư lập nghiệp, thậm chí lôi kéo cả gia đình định cư gần nhà máy, xí nghiệp. Công nhân Trần Thị Hạ (quê xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) làm việc cho một xí nghiệp may ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc 5 năm nay. Hạ cho biết, đồng lương công nhân bèo bọt, lại phải di chuyển chỗ ở liên tục do chủ nhà đẩy giá thuê phòng trọ lên. “Sợ nhất là sang năm con vào lớp 1, phải lo sốt vó trường học cho con do chỗ học cách xa nơi làm việc quá” - Hạ lo lắng.  Nỗi lo của Hạ cũng là tâm trạng chung của rất nhiều công nhân có ý định “cắm rễ” lâu dài ở đô thị vùng ven thị xã Điện Bàn. Bởi nhiều năm trời, họ mòn mỏi chờ đợi vào sinh sống trong ngôi nhà ở xã hội kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch, an ninh...

Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc thừa nhận, lên hạng đô thị nhưng địa phương còn ngổn ngang nhiều hạng mục hạ tầng dở dang. Thực tế, các công trình công cộng trường học, khu vui chơi thể thao giải trí, công viên, nhà ở cho công nhân... còn thiếu, xuống cấp. Rõ nhất là cơ sở vật chất trường học, y tế vùng đông luôn trong tình trạng quá tải. Lực lượng công nhân đại diện cho lối sống thị dân với tác phong công nghiệp nhưng nhiều năm nay vẫn chưa tiếp cận các dịch vụ xã hội đa dạng của đô thị văn minh.

Xáo trộn đời sống thị dân

Một tiêu chí bắt buộc của đô thị loại 2 là hạ tầng khu vực nội thành được đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và hơn 40% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Phải có các không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có tổ hợp kiến trúc. Nhưng, 20 năm qua, Tam Kỳ gần như mới chú trọng trục giao thông dọc. Các tuyến đường ngang như đường Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo... cụt ngủn. Con đường “xương sống” Điện Biên Phủ kết nối 2 vùng đông - tây thì mới khởi công. Đường Hùng Vương - tuyến đường dài nhất ở trung tâm TP.Tam Kỳ dự kiến năm nay sẽ cải tạo, nâng cấp do mặt đường một số đoạn bị hư hỏng cục bộ, nứt liên kết từng mảng lớn; kết cấu bó vỉa không đồng bộ giữa các đoạn qua khu dân cư và công sở. Các đường Điện Biên, Tiểu La, Nguyễn Thái Học, Trần Dư... là các tuyến nội thị có dân cư đông đúc nhưng lại xây dựng quá nhỏ hẹp, thậm chí bỏ quên luôn hạng mục vỉa hè cho người đi bộ. Mỗi lần chỉnh trang đô thị thì xáo trộn đời sống thị dân và gây ra lãng phí. Không gian đô thị ở một số tuyến phố bị chia cắt vỡ vụn. Nhiều năm qua, vỉa hè đã biến thành bãi giữ xe, điểm bán hàng rong, kinh doanh, buôn bán... gây mất mỹ quan đô thị.

Nhận thấy không gian sống bị thu hẹp, làm giảm chất lượng đời sống thị dân, nên từ tháng 3.2017 chính quyền TP.Tam Kỳ đã dùng biện pháp mạnh để trả lại lối đi bộ cho vỉa hè. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Huỳnh Quốc Hội (Hội Kiến trúc sư Quảng Nam), sai lầm quy hoạch các dãy nhà lô phố, cơ chế đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, khai thác cân đối tài chính đầu tư và có lãi đã tạo ra các khu dân cư thật buồn tẻ. Các khu dân cư ngột ngạt bởi thiếu hụt nghiêm trọng về diện tích cây xanh lấp đầy. Nhiều khu dân cư có quy hoạch công viên, hệ thống cây xanh nhưng địa phương đã chuyển công năng sử dụng sang các công trình, trụ sở cơ quan.

TP.Tam Kỳ là “vùng đất ngụ cư” của dòng lao động nghèo khắp nơi dạt về. Trên mọi nẻo đường, vỉa hè trước đây thường bắt gặp cảnh người “buôn gánh bán bưng” nhưng chủ yếu không phải là cư dân bản địa như TP.Hội An - một đối tượng làm nên bản sắc đặc thù của lối sống thị dân phố cổ. Nhiều năm, dòng người di cư tự do này ít nhiều tìm được sinh kế bên đường phố nhưng nay chính quyền siết chặt chính sách quản lý đô thị nên họ không còn “đất sống”. Phát triển đô thị nóng một thời cũng tạo khoảng cách phân hóa giàu nghèo rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo ở các phường nội thành vẫn còn khá cao, thu nhập bình quân đầu người thấp so với các đô thị loại 2 trên cả nước. Tam Kỳ vẫn chưa là vùng đất hấp dẫn để các nhà đầu tư đến “chọn mặt gửi vàng” hoặc có lực hút với dòng người đến sinh sống, định cư lâu dài. Bằng chứng là suốt thời gian dài, chính quyền vẫn còn nợ tiêu chí tăng tỷ lệ dân số hàng năm, đảm bảo quy mô dân số của đô thị loại 2. Cụm công nghiệp Trường Xuân, các khu công nghiệp Tam Thăng, Thuận Yên đến nay vẫn thiếu hụt hàng chục nghìn lao động phổ thông, lao động có tay nghề. Theo ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, tồn tại lớn nhất vẫn là chất lượng đô thị và ý thức thị dân chưa cao. Sắp tới địa phương sẽ tập trung đầu tư mạnh các dự án về giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, quản lý chất thải... Từ nay đến năm 2020, thành phố dành nguồn lực đầu tư các tuyến đường Bạch Đằng giai đoạn 2, N10, N24, nâng cấp cải tạo đường Hùng Vương;  khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị mới Hòa Hương, khu dân cư tái định cư đường Điện Biên Phủ và hoàn chỉnh các khu dân cư dở dang. Thành phố cũng phát động nhân dân đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, tuyến phố văn hóa và nâng cao nếp sống văn minh đô thị.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC