Rác thải & môi trường sống

AN DÂN 31/03/2017 08:32

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, Điều 20 của Nghị định này quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng (quy định cũ là 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng) đối với hành vi vứt rác, mẩu thuốc lá… không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Như vậy, theo quy định mới, tất cả hành vi xả rác nơi công cộng dù là nhỏ nhất đều tăng mức phạt gấp 10 lần so với mức phạt cũ; đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi. Việc tăng mức phạt được coi là nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc xả rác bừa bãi ở nơi công cộng.

Theo ước tính, trung bình mỗi người thải ra khoảng 200kg rác thải/năm. Do mức sống ngày càng được nâng cao và công nghiệp hóa ngày càng phát triển sâu rộng, rác thải cũng được tạo ra ngày càng nhiều với những thành phần ngày càng phức tạp và đa dạng. Không bàn đến việc rác thải có nguy cơ cao như thế nào đến môi trường sống và sức khỏe con người, chỉ nói về ý thức của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sống là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến những hành vi “chướng tai, gai mắt”, từ thôn quê đến thành thị. Rác trong nhà được quét thẳng ra ngoài đường; ở nơi công cộng thì thoải mái vứt rác, khạc nhổ, vật nuôi chết không đem chôn mà bỏ vào thùng rác. Những khu đất trống, những con đường mới mở vắng người, những mương nước, sông suối, ao, hồ là mảnh đất “màu mỡ” để đổ phế liệu, rác thải… Ở đâu cắm bảng “Không được đổ rác” thì rác lại đầy ra, lại nhiều lên. Nói tóm tắt ở đâu cũng gặp rác!

Rác ở vùng nông thôn hiện nay cũng tăng theo cấp số nhân, đồng nghĩa với sự gia tăng cả về khối lượng và tính chất độc hại của chất thải rắn nông thôn; đặc biệt là đối với các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đối với các loại rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, người dân ở các vùng nông thôn trước giờ thường có thói quen loại bỏ đi bằng cách đổ rác bừa bãi ngoài lề đường, ao, hồ, sông, suối... UBND tỉnh đã phê duyệt đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn của tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu để triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân; góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hy vọng môi trường sống ở nông thôn sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

AN DÂN

AN DÂN