Mộ cụ Huỳnh vắng ông Tạo
Ông Nguyễn Tạo là người đã nhiều năm tự nguyện lên gác mộ cụ Huỳnh, hàng ngày dọn dẹp, hương khói. Nhưng gần đây nhiều người viếng mộ hỏi “ông già Tạo đâu, còn sống hay mất?” vì họ không thấy ông xuất hiện, nở nụ cười, ân cần giúp thắp hương và ban lời cầu chúc.
Ông Tạo trước ngôi nhà bên sông Trà Khúc. |
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm lặng lẽ trên đỉnh núi Thiên Ấn. Sau mùa mưa, hoa trắng nở rộ. Gió núi đưa mùi hương thơm ngào ngạt khắp nơi. Đã qua xuân, nhưng mộ cụ Huỳnh vẫn vắng bóng ông Tạo. Ông là người tự nguyện lên gác mộ cụ Huỳnh, hàng ngày hương khói. “Cụ Huỳnh nằm một mình buồn, nên mình cũng thân già, lên đây chăm sóc và hương khói cho cụ. Công của cụ lớn lắm” - đó là điều ông Tạo thường tâm tình, và cũng là động lực để ông trèo núi lên gác mộ.
Thường ngày, ông Tạo buộc chiếc võng nhỏ lên cây tre và nằm đung đưa, mắt dõi lên bầu trời, thỉnh thoảng vuốt chòm râu trắng. Gặp khách viếng mộ, ông Tạo ân cần thắp hương, nở nụ cười chào thân thiện. Gặp các cháu học sinh lên viếng mộ, ông trở thành người tự nguyện thuyết trình, đồng thời căn dặn “các cháu phải cố gắng học tập giỏi, noi gương cụ Huỳnh hết lòng vì dân, vì nước”. Từ khoảng tháng 8.2016, người lên viếng mộ cụ Huỳnh không còn gặp ông Tạo. Tìm đến thăm, điều ngạc nhiên là gia đình ông không sống ở sát chân núi. Từ núi Thiên Ấn đi ngược lên hướng cầu Trà Khúc và đến tận thôn Thống Nhất (xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) hỏi ông già gác mộ cụ Huỳnh thì ai cũng biết. Tại ngôi nhà này, mỗi ngày ông đạp xe hơn 3km để lên tới đỉnh núi gác mộ cụ Huỳnh. Khi đi, ông mang theo một đùm cơm, xôi, hoặc bánh mì để ăn bữa trưa. Chiều sẩm tối thì ông lại từ từ xuống núi và đạp xe trở về. Quãng đường hơn 6km đó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm trời.
Ông Tạo sống trong một ngôi nhà cũ, nằm ven sông Trà Khúc. Cây sầu đông già rụng đầy lá vàng trước lối đi nhỏ vào nhà. Vừa gặp và hỏi thăm, ông Tạo đã hướng mắt nhìn về phía núi Thiên Ấn và nói “ông mong có sức khỏe để tiếp tục lên thắp hương và chăm sóc cho mộ cụ Huỳnh. Bảo tàng nói bây giờ có người thuyết trình rồi, không biết ông lên đó có được nữa không”. Trông ông Tạo có vẻ gầy hơn trước, 2 mắt trũng sâu. Ông cho biết, từ khoảng nửa năm 2016, ông bị tăng huyết áp và tái phát bệnh đau tim. Con cháu phải đưa đi bệnh viện chữa bệnh nhiều ngày. Trong ngôi nhà của ông Tạo trang trọng treo tấm Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày”. Cũng theo ông Tạo, từ năm 1962 - 1969, ông liên tục bị bắt giam ở nhà lao Sơn Tịnh. Có lúc giam vài ngày, có khi vài tháng, lâu nhất là gần 1 năm. Khi bắt vào trại, bọn địch cũng chỉ hỏi mỗi câu “con Tôn Thị Đài, thằng Nguyễn Chính có về nhà không, tại sao để cho nó bị cộng sản xúi dục”. Đó là 2 người cháu trong gia đình ông Tạo đi thoát ly theo cách mạng. Sau này ông Tạo bị bắt đi lính, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị quản chế, đưa vào trại.
Ông Tạo có 6 người con (5 gái, 1 trai). Những năm trước đây, con cháu thấy ông vẫn còn sức khỏe nên yên tâm để ông thỏa tâm nguyện, hàng ngày lên gác mộ cụ Huỳnh, còn hiện nay vì lo ngại cho sức khỏe nên khuyên ông ở nhà dưỡng sức một thời gian. Nhưng ông Tạo vẫn đắn đo, mong có sức khỏe tốt để tiếp tục lên mộ. Vì theo ông, mình phải thực hiện đúng 14 chữ vàng được Hội tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi tặng: “Sống trong tù kiên trung bất khuất/Sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”.
LÊ VĂN CHƯƠNG