Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vẫn còn cơ hội
Từ ngày 27.3, hội nghị đàm phán nhằm hướng tới lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc pháp lý chính thức được khởi động tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) với sự tham dự của khoảng 113 quốc gia thành viên.
Vào năm 1970, nhằm nỗ lực giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty - NPT) của LHQ đi vào hiệu lực. NPT, một văn bản pháp lý có tính chất nền tảng được thực thi dựa trên ba nguyên tắc: không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và giải trừ quân bị.
113 quốc gia tham gia đàm phán của LHQ về cấm vũ khí hạt nhân mang tính pháp lý. Ảnh: Today |
Theo thống kê của LHQ, hiện thế giới có khoảng 15.000 đầu đạn hạt nhân, chỉ cần 100 đầu đạn hạt nhân trong số này phát nổ có thể giết chết 2 tỷ người. Cùng với đó là tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân đang đe dọa đến nền hòa bình toàn cầu, các cường quốc đang chạy đua khiến tương lai về một thế giới không hạt nhân càng rất khó đoán định.
Phát biểu tại hội nghị nêu trên, Đại diện cao cấp của LHQ về các vấn đề giải trừ quân bị, Kim Won-soo mong muốn có thể đạt được mục tiêu chung về một thế giới an toàn hơn, không có vũ khí hạt nhân và mang lại điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ hy vọng, quá trình đàm phán hạt nhân của LHQ sẽ đi đến mục tiêu cuối cùng về giải trừ quân bị, bên cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm các mối đe dọa cho nhân loại. “Việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân về căn bản không phù hợp với nguyện vọng chung của nhân loại, đó là hòa bình và đảm bảo an ninh” - Tổng thư ký António Guterres phát biểu.
Thế nhưng, hội nghị về vũ khí hạt nhân của LHQ diễn ra trong lúc gần 40 quốc gia không tham gia, trong đó có các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley phát biểu bên lề cuộc đàm phán: “Là một người mẹ, một người vợ, một người con, tôi luôn luôn nghĩ đến gia đình đầu tiên, nhiệm vụ của chúng tôi là vảo vệ người dân và đất nước chúng tôi”. Đại sứ Anh tại LHQ, Matthew Rycroft nói: “ Nước Anh không tham gia các cuộc đàm phán dẫn đến hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bởi vì chúng tôi không tin rằng các cuộc đàm phán này sẽ dẫn đến tiến trình hiệu quả về giải giáp hạt nhân toàn cầu”. NPT trước đó không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Việc khởi động đàm phán lần này được xem là bước đầu tiên trong một tiến trình dài, trước khi hiệp ước được trình lên Đại hội đồng LHQ. Để được thông qua, hiệp ước phải nhận được đa số 2/3 trong tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ ủng hộ. Dù hiệp ước vẫn còn hy vọng, nhưng mục đích của nó nhằm vào các cường quốc hạt nhân lại chưa đạt được. Tuy nhiên, đàm phán lần này cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về nguy cơ và sự cần thiết để giải trừ vũ khí hạt nhân.
QUỐC HƯNG