Du lịch 3 tỉnh miền Trung: Từ con đường di sản đến hợp tác liên vùng
Năm 2017 đánh dấu cột mốc tròn 15 năm kể từ ngày ông Paul Stoll - Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng (năm 2002) đưa ra sáng kiến thiết lập “Con đường di sản thế giới” ở miền Trung, đặt nền móng cho việc hợp tác, liên kết 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế để cùng thúc đẩy du lịch phát triển.
Ba địa phương một điểm đến
Ý tưởng của Paul Stoll dựa trên một thực tế là các tỉnh miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển du lịch khi sở hữu nhiều giá trị văn hóa thiên nhiên độc đáo, từ các Di sản văn hóa thế giới (Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn) đến tiềm năng về biển đảo. Trên cơ sở ý tưởng đó, tháng 12.2006 tại TP.Đà Nẵng, 3 Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đã ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng 3 địa phương thành một điểm đến với những giải pháp thực hiện như hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực.... Khởi đầu cho bước đi hợp lý và cũng rất cần thiết trong phát triển du lịch 3 địa phương sau này, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, liên vùng và không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Du lịch sinh thái trở thành nét khác biệt trong liên kết du lịch của 3 địa phương. Ảnh: VĨNH LỘC |
Từ khi việc ký kết ra đời, thông qua các hoạt động chung, ngành du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, lượng khách gia tăng nhiều hơn. Thống kê năm 2007 (sau một năm ký liên kết và ra đời Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch), có khoảng 2 triệu lượt khách (hơn 1 triệu lượt khách quốc tế) đã đến tham quan lưu trú tại Quảng Nam, riêng tốc độ tăng trưởng khách tính đến 2016 luôn đạt con số hơn 20%/năm. Kết quả rõ nét nhất của sự hợp tác liên kết 3 địa phương chính là đã đưa thương hiệu du lịch miền Trung đến với du khách trong và ngoài nước như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam. Thông qua các hoạt động chung, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến, du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã từng bước hướng đến sự bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam - hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương – một điểm đến”…. Cùng với đó, các chương trình tham gia hội chợ, roadshow, giới thiệu sản phẩm du lịch trong và ngoài nước, từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nam Bộ đến châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… cũng được 3 địa phương tích cực phối hợp tham gia, qua đó giúp gia tăng tần suất xuất hiện hình ảnh du lịch 3 tỉnh, thành đến du khách và doanh nghiệp lữ hành thế giới.
Liên kết vùng đã trở thành xu hướng tất yếu, mang tính hiệu quả và tiết kiệm trong phát triển du lịch. Địa giới hành chính giữa 3 địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. Liên kết, hợp tác du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã được Tổng cục Du lịch đánh giá khá cao về tính hiệu quả, tạo điều kiện để 3 địa phương tiếp tục mở rộng sự hợp tác kết nối ra các địa phương khác như Quảng Bình, Hà Nội…, và mới đây nhất là Lâm Đồng.
Giữ “sắc màu” trong liên kết
Có thể khẳng định, hơn 10 năm qua sự phối hợp tổ chức các hoạt động du lịch chung của 3 tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả nhất định, từ công tác quản lý nhà nước đến xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù. Đặc biệt, thông qua mối liên kết này đã mang đến những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp khi mà không gian du lịch được trải dài, kết nối liên vùng. Việc thống nhất các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp về giá, chia sẻ nguồn khách, tiếp cận thị trường… đã góp phần giúp doanh nghiệp có những hưởng lợi cụ thể. Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, việc hợp tác 3 địa phương với tư cách là một điểm đến chung có sản phẩm đa dạng sẽ tạo điều kiện cho khách dễ lựa chọn điểm đến khi du lịch Việt Nam, điều này cũng giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm khác biệt, dựa trên lợi thế mỗi địa phương để bán tour dễ dàng hơn. “Khách du lịch không có khái niệm Đà Nẵng hay Hội An mà chỉ biết đến miền Trung Việt Nam nên việc liên kết với những cơ chế, chính sách đồng bộ giữa 3 địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xây dựng tour tuyến tham quan” - ông Lực nói.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, liên kết không phải là Nhà nước phải làm gì, mà Nhà nước cần tạo một hành lang để các doanh nghiệp thuận lợi trong kinh doanh đưa đón khách. Vì vậy, dù chính thức hay không chính thức thì mối liên kết này vẫn luôn được tiếp diễn, phát triển, thậm chí mạnh mẽ hơn bởi khách du lịch về miền Trung không bao giờ đi một chỗ. “Phải hiểu liên kết nghĩa là tạo điều kiện hỗ trợ đẩy nhanh trong phát triển chứ không phải liên kết để biến thành một. Khái niệm “Ba địa phương một điểm đến” chỉ là nói khái quát, nghĩa là 3 địa phương cùng hướng đến một chủ trương chung, thị trường chung, kể cả khách chung, nhưng mỗi nơi phải có sự khác biệt, sắc màu riêng mới có thể hấp dẫn khách” - ông Hài phân tích.
Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho rằng, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung của 3 địa phương là không bàn cãi, điều này đã giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng, nhất là thương hiệu điểm đến miền Trung đã được khẳng định. Tuy vậy, có thể nhận thấy thời gian qua sự phối hợp cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, những vấn đề đặt ra như xây dựng sản phẩm, quản lý nhà nước, đào tạo nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, việc xác định thị trường trọng điểm thỉnh thoảng vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi nơi cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều. Đòi hỏi việc xây dựng kế hoạch phối hợp phải toàn diện hơn như liên kết đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách, liên kết các lễ hội; hệ thống đặt chỗ khách sạn; xây dựng sản phẩm, nhất là xây dựng bộ nhận diện chung cho du lịch 3 địa phương (logo, slogan, ấn phẩm, vật phẩm, tập gấp chương trình…) hướng đến mục đích phát huy mạnh mẽ hơn sự phối hợp, liên kết trong hoạt động quảng bá du lịch chung của 3 địa phương, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của 3 địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam với sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt.
VĨNH LỘC