Dân vận, chuyện của người trong cuộc
Trên hành trình phát triển của Quảng Nam kể từ ngày tái lập tỉnh, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng, đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác dân vận của Đảng.
Hiệu quả của công tác dân vận chính là ở sự gần dân. Ảnh: VINH ANH |
Ngày đầu gian khó
Ông Đinh Văn Dân (63 tuổi, trú tại phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là một trong 5 người đầu tiên vào nhận nhiệm vụ ở Ban Dân vận Tỉnh ủy năm 1997. Đến lúc về hưu (năm 2016), ông có thâm niên gần 30 năm lái xe cho Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), sau này là Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam. Vì thế, có thể nói ông Dân là người chứng kiến khá đầy đủ dấu ấn của công tác dân vận trong chặng đường 20 năm qua. Năm đầu tái lập tỉnh, theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, Ban Dân vận Tỉnh ủy được giao biên chế 12 người. Nhưng thời điểm tháng 1.1.1997 chỉ có vỏn vẹn 5 người từ Đà Nẵng vào nhận công tác. Trong đó có 1 trưởng ban, 2 phó ban, 1 chuyên viên và 1 lái xe là ông Dân. Do thiếu cán bộ nên ông Dân vừa lái xe vừa kiêm luôn thủ quỹ của cơ quan. Ông cho biết, cả 5 người lúc bấy giờ vào Quảng Nam nhận công tác đều phải chịu cảnh xa gia đình. Ban ngày làm việc chung cơ quan, tối đến cũng ở chung khu tập thể, ăn uống, sinh hoạt cùng nhau nên tình cảm rất gắn bó. Nhất là trong công việc, ít người nhưng làm việc “đều tay” nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong câu chuyện của mình, ông Dân chia sẻ, bản thân đã lái xe qua 8 “đời” Thường vụ Tỉnh ủy là Trưởng ban Dân vận. Nhưng nhiều kỷ niệm nhất vẫn là những năm tháng đầu tiên từ Đà Nẵng vào Quảng Nam công tác. Thời kỳ đó, ông Lương Văn Hận (đã qua đời) làm Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Hồi tưởng về người thủ trưởng, đồng thời cũng là người anh thân thiết, ông Dân nói: “Anh Hận là một người cán bộ mẫu mực, tính tình ngay thẳng và rất hòa đồng, gần gũi với mọi người. Khi đi cơ sở, anh ấy rất điềm đạm, xử lý công việc nhẹ nhàng nhưng lại hiệu quả, đi vào lòng người. Có lần anh bảo tôi chở mấy chục lít rượu từ Tam Kỳ lên tận Đông Giang để uống với các vị già làng, trưởng bản tiêu biểu”.
Ông Đinh Văn Dân kể câu chuyện bằng ký ức và những tấm hình lưu niệm chụp cùng anh em cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy những năm đầu tái lập tỉnh. Ảnh: VINH ANH |
Ông Dân còn kể câu chuyện khi Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với cán bộ thuộc Phân viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng thực hiện đề tài khoa học: “Thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở Quảng Nam, thực trạng và giải pháp”. “Để có tư liệu thực hiện đề tài, chúng tôi về các địa phương để phát phiếu khảo sát tình hình nhân dân. Mỗi tờ khảo sát, người dân được hỗ trợ 5.000 đồng, nhưng lúc ấy chẳng ai dám làm dối, cũng chẳng dám ăn bớt một đồng kinh phí thực hiện đề tài khoa học. Ai cũng làm vì trách nhiệm, vì sự quan trọng của đề tài khoa học liên quan đến công tác dân vận” - ông Dân nói. Về chuyện thực hiện công trình khoa học này, ông Hoàng Thanh Tùng - cũng là một trong 5 cán bộ Ban Dân vận đầu tiên vào Quảng Nam năm 1997, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho biết thêm, ở thời điểm đó, ngay sau khi tái lập tỉnh, mặc dù biên chế, nhân sự còn thiếu, nhưng với quyết tâm cao thực hiện đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đăng ký và thực hiện việc nghiên cứu đề tài khoa học này. Công trình nghiên cứu được nghiệm thu cuối năm 1998 và xuất bản tháng 3.1999, là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của những người thực hiện, nhất là các cán bộ ở Ban Dân vận.
Ba cùng với dân
Trong từng giai đoạn của hành trình 20 năm tái lập tỉnh luôn ghi rõ dấu ấn của công tác vận động quần chúng. Các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ cũng đều nhấn mạnh về vai trò của công tác dân vận. Trên hành trình ấy, có biết bao câu chuyện dân vận ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để nhắc đến. Chuyện gần dân, bám cơ sở vẫn là lời nói suông nếu không có những cán bộ nhiệt tâm, “nói đi đôi với làm”. Câu chuyện về một cán bộ cấp tỉnh xuống tận cơ sở trong nhiều năm liền để giúp dân, làm dân vận không phải thời điểm nào cũng có. Chúng tôi đang muốn nhắc đến câu chuyện của ông Phạm Bằng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Ông Bằng từng có 11 năm công tác ở Ban Dân vận Tỉnh ủy và cũng là một trong những cán bộ dân vận thời kỳ đầu mới chia tách tỉnh. Những năm 1998-2001, thời điểm được cử đi học lớp cử nhân chính trị tại Đà Nẵng, đều đặn mỗi dịp hè, ông Bằng lại được cơ quan phân công lên xã Kà Dăng (huyện Đông Giang) để theo dõi, nắm bắt tình hình nhân dân; đồng thời làm “cố vấn” cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. “Tôi nhớ không nhầm thì có khoảng 3 năm, mỗi năm tôi cắm chốt, cùng ăn, cùng ở với nhân dân xã Kà Dăng từ 5 - 7 ngày. Đây là địa phương cực kỳ khó khăn, để đến được trung tâm xã chúng tôi phải lội bộ hàng chục cây số đường rừng. Ngày đầu mới lên, tôi hết sức bất ngờ vì trong tủ hồ sơ của xã chẳng lưu một văn bản, nghị quyết nào cả. Sau đó, tôi đã phải về tỉnh, huyện lục lại các văn bản, nghị quyết hiện hành để tham mưu cho Đảng ủy xã ban hành 2 nghị quyết, một về công tác vận động quần chúng của Đảng, hai là nghị quyết về xây dựng Đảng và một chương trình hành động thực hiện nghị quyết cấp trên” - ông Bằng kể. Từ đó, công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng ở xã Kà Dăng đạt được những kết quả quan trọng.
Sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ được khơi dậy khi công tác dân vận được chú trọng. Trong ảnh: người dân làng Yều, xã Đại Hưng, Đại Lộc vui hội đoàn kết. ảnh VINH ANH |
Thời điểm đó, tại địa phương còn nổi lên những vấn đề phức tạp về việc truyền đạo trái quy định pháp luật. Ông Bằng vừa bám cơ sở để hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế vừa phối hợp với những cán bộ ở huyện, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân để không bị kẻ xấu lợi dụng. Vấn đề truyền đạo sau đó lắng xuống, người dân Kà Dăng tập trung vào lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới. Quý cái tình và nhớ sự đóng góp của ông Bằng, nhiều cán bộ, người dân ở Kà Dăng đã gọi ông với cái tên thân mật: “Alăng Bằng”. Những năm sau này, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh tiếp tục các hoạt động kết nghĩa với xã Kà Dăng thông qua việc hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Sẽ còn nhiều câu chuyện dân vận khác nữa nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp, bài viết này chúng tôi chỉ nói đến những con người gắn với những kỷ niệm của giai đoạn đầu tái lập tỉnh, như một sự nhắc nhớ về một thời gian khó đã vượt qua.
VINH ANH