Bên tê Tắc Pỏ, bên này Tơ Viêng

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG 25/03/2017 10:12

Nhìn Tơ Viêng (huyện Tây Giang) và Tắc Pỏ (Nam Trà My) với đầy đủ điện - đường - trường - trạm, người dân nơi đây có quyền mơ về sự chuyển mình, bởi những vùng đất ấy đã vượt qua một “vùng trống không” buổi đầu lập dựng.

Xanh màu Tơ Viêng

Chừng hơn mười năm trước, thật khó có thể hình dung Tơ Viêng như bây giờ. Là khi, “thị trấn xanh” này, ngày trước chỉ là vùng đất hoang hóa giữa trập trùng núi, bên dòng A Vương trong mát, thuộc làng Agrồng (xã A Tiêng). Mọi thứ, với Tơ Viêng đều mới mẻ, từ đường sá, trường học, cho đến khu trung tâm hành chính của huyện. Trong ký ức của cụ Blúp Bhuốch, người ở làng Agrồng, Tơ Viêng ngày ấy là nỗi ám ảnh của không ít cán bộ lần đầu tiên đến nhận công tác. Cách trở. Hoang vu. Từ trung tâm Azứt (xã Bha Lêê) muốn đến Agrồng, không còn cách nào khác ngoài đi bộ xuyên những cánh rừng nguyên sinh. Ngày Tơ Viêng được chọn làm trung tâm hành chính huyện, công tác quy hoạch nhanh chóng được triển khai đầu tư, xóa dần vẻ cô liêu của vùng đất người Cơ Tu ở Agrồng.

Một góc Tơ Viêng.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc Tơ Viêng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đó là năm 2005, như một dấu mốc cho sự đổi thay của A Tiêng, của Agrồng, sau những cuộc “chấm chọn” của lãnh đạo tỉnh thời đó, gồm Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Phúc. “Hồi đó, chưa có chỗ ăn ở như bây giờ nên một số cán bộ mới đến nhận công tác xin tá túc tại nhà của người dân ở Agrồng. Dù cuộc sống khó khăn nhưng người dân vẫn sẵn sàng cho cán bộ đến ở. Có rau rừng, con cá, miếng thịt cũng đều chia cho cán bộ, vì người dân chúng tôi coi cán bộ như con em mình” - cụ Bhuốch bộc bạch.

Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng - ông Bh’riu Quân tự hào kể lại, rằng ông là một trong số cán bộ trẻ của huyện nhận nhiệm vụ mới sau những ngày chia tách. Buổi đầu tiên đó, trung tâm huyện lỵ Tây Giang được đặt tại xã Lăng, cách Tơ Viêng hơn 3 cây số. Gần hai năm sau, Tơ Viêng chính thức trở thành địa danh của trung tâm hành chính huyện nhưng mọi thứ đều rất tạm bợ. Dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, Tơ Viêng như một dấu lặng giữa núi. Trong những gian khó ấy, câu chuyện về sự đồng thuận, sự nhiệt huyết và tình thương yêu mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Tây Giang dành cho nhau, cứ thế đong đầy. “Rồi Tơ Viêng dần nên hình dáng, bắt đầu từ việc triển khai xây dựng mặt bằng, các trụ sở và khu dân cư mới. Chỉ chừng hơn một năm sau đó, diện mạo mới của Tơ Viêng khá rõ nét, từ giao thông đi lại, điện thắp sáng, cho đến hàng loạt trụ sở khang trang được đầu tư, xây dựng” - ông Quân nhớ lại. Qua rồi những tháng năm gian khó, Tơ Viêng bây giờ như một điểm sáng của Tây Giang, với - điện - đường - trường - trạm và nhiều công trình khang trang dần được đầu tư mở rộng. Đứng từ trên Nhà truyền thống Cơ Tu Tây Giang nhìn về, Tơ Viêng hệt như một “khu phố” thu nhỏ giữa rừng, với hàng quán, các cơ quan công quyền và đông đúc dân cư.

Diện mạo Tắc Pỏ đang đổi thay từng ngày.  Ảnh: HOÀNG THỌ
Diện mạo Tắc Pỏ đang đổi thay từng ngày. Ảnh: HOÀNG THỌ

Trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo huyện Tây Giang mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường chia sẻ, chính ông cũng không thể hình dung được có một ngày Tơ Viêng đổi thay với diện mạo như bây giờ. Là bởi, chứng kiến những gian khó ngày ấy về Tơ Viêng khiến ông không thôi bị ám ảnh. “Hồi đó, không đêm nào anh em chúng tôi, những cán bộ tăng cường lên công tác Tây Giang có thể ngủ được. Những suy nghĩ cứ khiến mình trằn trọc mãi, là làm thế nào để Tơ Viêng thay đổi diện mạo, người dân miền núi không còn đói nghèo nữa… Bây giờ, nhìn thấy những đổi thay của quê hương Tây Giang, tôi thực sự rất mừng và tự hào” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

Tắc Pỏ vươn mình

Những người đầu tiên từ khi chia tách huyện cũ Trà My thành Nam Trà My và Bắc Trà My hóm hỉnh lý giải, trung tâm huyện được lấy tên là Tắc Pỏ bởi, tắc đường là phải bỏ, không đi tiếp được nữa. Từ đó thành tên. Nói thế, để hiểu được những khó khăn ở thời kỳ đầu và để có được như ngày hôm nay là nỗ lực phi thường, sự chung tay của nhân dân và cán bộ nơi đây.

Siêu thị tại Tắc Pỏ được hình thành, góp phần cho những đổi thay của địa phương.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Siêu thị tại Tắc Pỏ được hình thành, góp phần cho những đổi thay của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Giữa năm 2003, huyện Trà My chính thức được tách thành nam Trà My và Bắc Trà My, khó khăn nhiều vô kể: không trụ sở, không điện thắp sáng, không thông tin liên lạc, không trường cấp 3, không bệnh viện, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị chia cắt bởi mưa lũ... “Lúc đó, phải ở nhờ nhà người dân, ăn cùng, ở cùng trong những ngôi nhà được ghép bằng những tấm ván gỗ tạm bợ. Đường chủ yếu là đường rừng, được phát dọn sơ sài gọi là lối đi. Khó khăn chồng chất nhưng tất thảy đều động viên nhau cố gắng vượt qua” - ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, kể. Vào thời điểm đó, ông Phước là Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng của Ban chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, cùng vợ con lên xây dựng chính quyền mới. Khi đó, từ chỗ làm việc về đến nhà cách nhau hơn 3 cây số nhưng đôi khi cả tháng trời vợ chồng chẳng thấy mặt nhau. Là bởi, sáng sớm khi chưa tỏ mặt người đã phải dậy đi, vượt qua đoạn đường đất đá lô nhô rồi bơi qua một khúc sông Tranh thì mới kịp giờ đến cơ quan làm việc. Tối về nhà thì cũng là lúc vợ con đã ngủ say. “Khổ nhất là đi công tác tại các xã. Mỗi lần đi thì xác định là cả tuần, thậm chí cả tháng mới về nhà được. Mỗi nóc, mỗi xã cách nhau gần cả ngày trời đi bộ, mà mỗi lần phải đi được 3 - 4 xã nên mất cả tháng là chuyện bình thường” - ông Phước nói thêm.

Có những lần ông bị lạc giữa rừng bởi không quen địa hình. Nếu men theo những lối mòn được phát sẵn thì chắc chắn chỉ có thể vào đến rẫy của người dân, còn nếu muốn đến trung tâm hành chính xã phải băng rừng, men theo hướng mà đi mới chính xác. Những lần lạc đường, phải bẻ măng rừng ăn chống đói. Ông Đinh Mươk - nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Trà My kể, hồi đó, cả huyện chỉ có con đường độc đạo nối Nam Trà My với Bắc Trà My và tỉnh lỵ Tam Kỳ là đường ĐT616. Chỉ cần một cơn mưa lớn thì Nam Trà My trở thành ốc đảo, biệt lập. Từ huyện đi lên các xã chỉ có Trà Don, Trà Vân và nửa đường vào xã Trà Nam nếu trời nắng ráo. Còn lại phải đi bộ. Vì vậy, chuyện băng rừng, lội suối để đi học, chữa bệnh hay đi hội họp, giao thương buôn bán là chuyện thường ngày ở huyện.

Những buổi đầu lên huyện mới để phục vụ cho sự nghiệp trồng người là một khoảng ký ức mệt nhoài với những lo toan, thiếu thốn, trăn trở làm sao để có đầy đủ điểm trường cho các em học cái chữ. Khi mới tái lập, huyện chỉ có 12 đơn vị trường học. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học thiếu trầm trọng với hơn 55% phòng học được dựng bằng tranh tre, nứa lá. “Số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 25 chiếm tỷ lệ rất cao nên bằng mọi cách, chúng tôi phải vận động bà con, con em đến trường để học lấy cái chữ. Hồi đó, mỗi khi vào mùa rẫy, học sinh bỏ học đi làm xảy ra như cơm bữa. Mỗi lần đi vận động là muôn vàn khó khăn” - ông Nguyễn Trường Sinh - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT (nay là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị) huyện Nam Trà My cho biết. Nói như thế mới biết, để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình không ngơi nghỉ của tập thể các cán bộ chính quyền và nhân dân huyện. Ngước nhìn về phía ánh điện lấp lánh ở nơi vườn sâm, ông Hồ Văn Tình (xã Trà Mai) cười bảo, đó là điều không tưởng đối với người dân ở đây. “Hồi đó chỉ mong có điện tới Tắc Pỏ này đã khó lắm rồi, huống chi ở trên nớ!”.

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG

ALĂNG NGƯỚC - NGUYỄN DƯƠNG