Thầm lặng giữa cuộc đời
Có thể nói, chính cái tâm với nghề đã giúp cán bộ, nhân viên trong ngành công tác xã hội gắn bó lâu dài, tận tâm với công việc. Bởi, sẻ chia nếu không xuất phát từ tâm, sẽ khó chạm đến trái tim đang bị tổn thương, để có thể hoàn thành công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng được đặt để thành “sứ mệnh”.
Xoa dịu tổn thương
Đến cơ sở xã hội đã được hơn tháng nay, 3 mẹ con chị M. và người mẹ già được cán bộ, nhân viên ở cơ sở cưu mang lúc cuộc sống của họ rơi vào cảnh khốn cùng nhất. Mẹ con chị M. và người mẹ già được các nhân viên của cơ sở xã hội và công an phát hiện khi đang chạy trốn khỏi một kẻ làm chồng, làm cha, làm rể vũ phu. Mười hai năm chịu đựng, cho đến một ngày không chịu nổi những trận đòn roi, những lần quát mắng, mẹ con, bà cháu khăn gói ra đi.
Những trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp nhận và được cô giáo hướng dẫn học tập tại cơ sở xã hội. Ảnh: DIỄM LỆ |
Đối diện với họ, những giọt nước mắt mặn chát, nghẹn đắng cứ rơi không ngừng khi nhắc về quá khứ tủi nhục. Bà D., mẹ chị M. tức tưởi: “Mỗi ngày chứng kiến cảnh con gái bị đánh đập, tôi xót xa lắm. Mấy đứa nhỏ thấy mẹ bị đánh cũng khóc hết nước mắt. Chúng tôi lựa chọn ra đi, sống chết cũng bỏ đi chứ không thể về căn nhà đó nữa”. Từ ngày được cơ sở xã hội ra tay giúp đỡ, mang về nuôi nấng, cưu mang, mấy mẹ con, bà cháu mới thoát cảnh nơm nớp lo sợ. Hiện hai con chị M. được cán bộ cơ sở xã hội dạy lại chương trình các cháu đang học dang dở. Lãnh đạo cơ sở xã hội đã hướng dẫn chị M. về lại địa phương làm giấy tờ, mọi việc thuận lợi các cháu có thể đến trường trong năm học tới.
Đó chỉ là một trong những công việc hàng ngày của những người làm công tác xã hội trong suốt nhiều năm qua. Từ chuyện trợ giúp, cưu mang những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa, người bị bạo hành gia đình, bị bạo lực tình dục đến nạn nhân của nạn mua bán người, cưỡng bức lao động, bệnh nhân nhiễm HIV, nghiện ma túy, tâm thần, người khuyết tật… Giúp đỡ họ trong cơn khốn khó, rồi tìm cách liên lạc với gia đình, địa phương tạo điều kiện để họ quay về. Những người không có gia đình thì tiếp tục được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội, tạo công ăn việc làm. Trẻ em sẽ được tiếp tục đến trường, tái hòa nhập với cộng đồng. Hay những người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được những người làm công tác xã hội kết nối với các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ vươn lên trong cuộc sống.
Sứ mệnh
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 25.3 hằng năm là ngày Công tác xã hội Việt Nam, ghi nhận vai trò to lớn của nghề công tác xã hội trong đời sống dân sinh tại Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Nhận định của các chuyên gia lĩnh vực an sinh xã hội, nghề công tác xã hội “thâm nhập” và có vai trò quan trọng ở nhiều góc cạnh của cuộc sống, như: bảo vệ trẻ em, giúp đỡ các thành viên trong gia đình giải quyết xung đột, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người già và người khuyết tật... Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nghề này chỉ được biết đến trong 10 năm gần đây.(T.B) |
Ông Võ Văn Kiến - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội bộc bạch: “Công việc của chúng tôi là dang tay, mở lòng với những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, là chỗ dựa để họ vượt qua khốn khó. Gánh nặng của xã hội sẽ càng nặng hơn nếu họ bị đẩy đến đường cùng rồi sinh ra bao nhiêu hệ lụy. Việc trợ giúp kịp thời, được định hướng con đường tương lai góp phần hạn chế tiêu cực, giúp xã hội ngày càng ổn định và tốt đẹp hơn”. Sự đóng góp âm thầm đã và đang diễn ra trong suốt bao nhiêu năm qua, với không biết bao nhiêu cuộc đời đã được cưu mang, giúp đỡ. Những đứa trẻ sơ sinh được nhặt trước cổng Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh trước kia giờ đã lớn lên, có tên tuổi, học hành nên người. Các cháu không được sống trong vòng tay của cha mẹ nhưng bù lại nhận được sự chăm sóc, bảo bọc của các bảo mẫu tại trung tâm. Đồng thời tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề để sau khi ra đời các em tìm được việc làm ổn định nuôi sống bản thân, trở thành người có ích cho xã hội. Ngay cả những người tâm thần không có gia đình chăm sóc cũng được đón vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần để điều trị bệnh đúng cách, có chỗ ăn chỗ ngủ đàng hoàng…
Có thể nói, chính cái tâm với nghề đã giúp cán bộ, nhân viên trong ngành công tác xã hội gắn bó lâu dài, tận tâm với công việc. Bởi sẻ chia nếu không xuất phát từ tâm, sẽ khó chạm đến trái tim đang bị tổn thương, để có thể hoàn thành công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng được đặt để thành “sứ mệnh”.
DIỄM LỆ