Đi lên bằng sự đồng lòng, dám nghĩ dám làm

NGUYÊN ĐOAN (ghi) 24/03/2017 10:38

Chia sẻ với Báo Quảng Nam về những thành tựu phát triển của Quảng Nam sau 20 năm tái lập, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định: Có được kết quả như ngày hôm nay, Quảng Nam đã chú trọng và tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, sự giúp đỡ của các tỉnh bạn, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí, đồng lòng vượt lên gian khó của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân toàn tỉnh. Đó cũng là cơ sở để Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, định hướng phát triển đúng đắn và thực hiện thành công.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường khảo sát, kiểm tra tiến độ công trình nâng cấp đập Khe Tân (Đại Lộc) vào cuối năm 2016.Ảnh: HOÀNG LIÊN
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường khảo sát, kiểm tra tiến độ công trình nâng cấp đập Khe Tân (Đại Lộc) vào cuối năm 2016.Ảnh: HOÀNG LIÊN

Một số kết quả đạt được đáng phấn khởi mà tôi muốn nêu ra để có cái nhìn rõ hơn về sự phát triển của Quảng Nam so với năm đầu tái lập tỉnh. Năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20.000 tỷ đồng, gấp 85 lần so với năm 1997; trong đó, thu nội địa hơn 13.700 tỷ đồng. Từ một tỉnh khó khăn, hàng năm phải nhận sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, thì nay Quảng Nam đã trở thành một trong số 16 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương. Năm 2016, chi đầu tư phát triển hơn 7.843 tỷ đồng, gấp gần 49 lần so với 1997. Với sự tập trung đầu tư đó, kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước cải thiện; hệ thống giao thông phát triển toàn diện, các đường trục chính được phát triển và nâng cấp; mạng lưới bưu chính viễn thông phủ khắp địa bàn tỉnh; công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đạt mục tiêu đề ra...

Bước ngoặt từ chính sách

Có thể khẳng định, trong hành trình xây dựng và phát triển của mình, Quảng Nam luôn mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Khi đã chọn được hướng đi lên, Đảng bộ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Đối với địa phương có xuất phát điểm thấp như Quảng Nam, trong định hướng chiến lược phát triển ở từng giai đoạn, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, có tính bước ngoặt; và việc triển khai đã mang lại hiệu quả, góp phần phát huy nội lực, tạo tiền đề vững chắc cho định hướng phát triển tiếp theo của tỉnh. Ở đây, tôi điểm lại một số nghị quyết có tính đột phá của tỉnh, nhằm qua đó cho thấy tính định hướng, dự báo của các nghị quyết đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh trong 20 năm qua.

Bớt cảnh ly hương

Bằng cảm quan có thể thấy, hiện nay đã qua rồi cái thời bon chen nơi xứ người tìm kiếm việc làm của thanh niên Quảng Nam. Sau mỗi dịp lễ tết, chúng ta ít còn bắt gặp hình ảnh các cặp vợ chồng trẻ tay xách, nách bồng con thơ, tất tả dắt díu nhau đón xe vào Nam - ra Bắc mưu sinh. Bây giờ, nhiều con em của Quảng Nam “ly nông, nhưng không ly hương” - đây là một tín hiệu rất đáng mừng, bản thân tôi cũng thấy rất vui, phấn khởi. Bởi chẳng ai muốn xa quê hương, ai cũng muốn được làm việc, sinh sống gần người thân. Nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện rất “khát” lao động, đây chính là cơ hội cho thanh niên của tỉnh tìm kiếm việc làm, nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. Tôi chia sẻ như vậy để một lần nữa khẳng định rằng, định hướng phát triển của Quảng Nam là đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước. (Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch một cách cơ bản cơ cấu kinh tế lạc hậu sang công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Nhằm cụ thể hóa nghị quyết của đại hội, ngày 30.4.2003, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 (khóa XVIII), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp, đặt nền móng to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy việc cải thiện môi trường đầu tư là hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành bại trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 (khóa XIX) ngày 4.5.2009, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết lần này xác định, tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu tăng thứ bậc xếp hạng hàng năm. Chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp. Phấn đấu hàng năm nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của Quảng Nam đứng trong tốp 10 địa phương có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Trong đó, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để đảm bảo các dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ cam kết.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước. Có thể thấy, ở nghị quyết này, công tác cải cách hành chính được xem là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín, có tâm huyết đối với sự nghiệp phát triển chung của Quảng Nam. Những thành tựu phát triển hôm nay của tỉnh là minh chứng cho định hướng chiến lược đúng đắn của Quảng Nam khi lựa chọn xây dựng địa phương thành tỉnh công nghiệp. Rồi trên cơ sở đó, Quảng Nam đã luôn kiên trì, quyết liệt trong việc thực hiện các quyết sách thu hút đầu tư, không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Kinh tế của tỉnh từng bước phát triển, công tác chăm lo an sinh xã hội cũng ngày càng tốt hơn, đời sống người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Động lực từ kết cấu hạ tầng

Còn nhớ, khi nhận thấy được tầm quan trọng của các khu công nghiệp, kinh tế trong chiến lược đưa địa phương phát triển nhanh hơn, vững bền hơn để sánh cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, ngày 5.4.2012, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XX), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả nhằm đưa Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đến ngày 18.5.2012, tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 đã đánh giá kết quả phát triển công nghiệp, kết quả 8 năm xây dựng và bàn giải pháp tiếp tục phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai. Nghị quyết đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư kết cấu hạ tầng; về ưu đãi đầu tư và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, tâm huyết... Chính từ các quyết sách này đã tạo tiền đề cho Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển, trở thành một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Nhưng quan trọng hơn, khu kinh tế này đã tạo động lực kích thích, đem lại sự lan tỏa, góp phần vào việc thực hiện tốt định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh.

Nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào địa bàn tỉnh, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ luôn được Quảng Nam ưu tiên tập trung thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà có sự lựa chọn, chọn lọc các nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm, có chiến lược phát triển ít gây tác động xấu đến môi trường. Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ khóa XXI, Tỉnh ủy đã bàn bạc, thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng có tính đột phá đối với sự phát triển của tỉnh trong chặng đường mới. Điều đó thể hiện cụ thể ở các lĩnh vực như cải cách hành chính, phát triển du lịch, chiến lược phát triển vùng đông nam, vùng tây của tỉnh... Trong thời gian tới, Quảng Nam xác định tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm 11,5% - 12%. Tăng cường thu hút các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư khu vực ven biển, thúc đẩy các dự án vùng đông nam phát triển trở thành động lực kích thích cho vùng tây của tỉnh vươn lên. Quảng Nam phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, trở thành tỉnh khá của cả nước, sánh vai cùng Đà Nẵng, Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ.

NGUYÊN ĐOAN (ghi)

NGUYÊN ĐOAN (ghi)