Thầm lặng hiến đất

HỮU PHÚC 24/03/2017 08:55

Dòng nước ngọt dẫn từ lòng hồ Phú Ninh đã làm thỏa mơ ước bao đời của người dân. “Kiệt tác” đó được sinh ra từ khối óc, bàn tay lao động cần mẫn của hàng vạn con dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Và ở đó còn có sự hy sinh của cư dân lòng hồ: họ không chỉ bỏ lại nhà cửa, vườn tược ra đi mà còn là lực lượng đắp đập xây hồ.

Hiến cả gia tài

Có mặt trong những ngày đầu tiên phá đá, đào sỏi công trình, trong ký ức ông Nguyễn Vẹn (nguyên Cụm trưởng Cụm thủy lợi Phú Ninh thuộc Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh) vẫn còn nguyên vẹn khí thế lao động hừng hực của tuổi thanh niên. Ông kể lại: “Ngày đó lao động chủ yếu bằng hình thức thủ công. Công cụ thô sơ, tận dụng sắt thép phế liệu chiến tranh để lại chế ra xẻng cuốc, xe cút kít, xe ba gác đào, chuyên chở đất vì mỗi đại đội thi công chỉ bố trí vài chiếc xe cải tiến thôi”. Tiêu chuẩn để tham gia lao động ở lòng hồ phải là thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi lao động, khỏe mạnh.

Không chỉ hiến toàn bộ đất của gia đình, ông Phan Lanh còn trực tiếp tham gia thi công hồ Phú Ninh. Ảnh: H.PHÚC
Không chỉ hiến toàn bộ đất của gia đình, ông Phạm Lanh còn trực tiếp tham gia thi công hồ Phú Ninh. Ảnh: H.PHÚC

Mỗi người được cấp một cái cuốc, đôi gánh; đại đội bổ sung thêm một xe cải tiến. Để phát động phong trào lao động giỏi, nhiều hình thức thi đào, vận chuyển đất trên công trình ra đời. Có người được phong “kiện tướng” bởi ngày đào và chở gần 10m3 đất đá. “Tôi và nhiều thanh niên khác có mặt rất sớm từ những nhát cuốc đầu tiên, nghe tiếng mìn phá đá nổ long trời lở đất. Khuôn mặt đen sạm với nắng gió công trường, vét từng xô nước bùn lẫn đất đá. Trên vai nặng trĩu trăm cân mà chân đi không biết mỏi, làm việc hối hả theo tiếng đầm còi, tiếng máy âm vang. Dưới chân Chóp Chài, chúng tôi hăng hái bạt núi san đồi” - ông Vẹn nhớ lại. Làm nghĩa vụ xong, ông Vẹn là cán bộ gắn bó hơn 30 năm với công việc phân phối nước ở các kênh dẫn từ lòng hồ Phú Ninh và nay đã về hưu.

Chiều, tôi ra đến cánh đồng canh tác đậu phụng mới gặp được ông Phạm Lanh (hiện sống ở phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ). Ông Lanh bảo, 40 năm trước, ông trực tiếp tham gia hàng trăm ngày công lao động để đào vét lòng hồ Phú Ninh, nhường hơn một mẫu đất vườn tại thôn Long Sơn (xã Tam Đại) cho Nhà nước xây hồ. Cả làng thời đó ai cũng vui vẻ nhường đất ra đi và chẳng so đo tính toán thiệt hơn. Gia đình ông Lanh đã 2 lần bị thu hồi đất, gần đây nhất là 20 năm, bị giải tỏa trắng toàn bộ đất đai để xây dựng trung tâm hành chính tỉnh lỵ. “Rau màu, ruộng lúa ở đây xanh mơn mởn quanh năm do sử dụng nguồn nước ngọt của kênh Phú Ninh đấy” - ông Lanh miệng nói tay vừa dọn cỏ đậu.

Dân lòng hồ xưa đều di dân tự do. Họ đến Eo Gió - xã Tam Lộc, về Tam Lãnh, Tam Dân, Tam Thái (Phú Ninh), Tiên Lập (Tiên Phước), lên vùng cao Bắc Trà My hay chọn đi kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên. Với ông Vẹn hay ông Lanh, tôi chẳng nghe một lời thở than hay hối tiếc nào khi nhắc chuyện đất đai, nhà cửa gia đình ngập sâu dưới lòng hồ, chỉ thấy họ say sưa kể về kỷ niệm của một thời trai trẻ đắp đập xây hồ.

Một thời và mãi mãi

Các kênh N1, N2, N3, hàng nghìn ki lô mét kênh mương lớn nhỏ đã dẫn nước đến các đồng ruộng các địa bàn  TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn và Duy Xuyên. Dòng nước Phú Ninh đã làm thay đổi diệu kỳ cho nông nghiệp, nông thôn suốt gần 40 năm qua. Và cũng từ công trình vĩ đại này, những mầm xanh hạnh phúc đã nở. Nhiều mối tình kết duyên bền chặt cũng từ tháng năm làm nhiệm vụ công trình này. Sau khi đào vét lòng hồ, năm 1979, “kiện tướng” vác đất Võ Mau (quê xã Tam Đại, Phú Ninh) lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, ông rời quân ngũ và lấy bà Nguyễn Thị On làm vợ. Bà On quê ở phố cổ Hội An, là một trong những phụ nữ có mặt ở hồ Phú Ninh ngay từ những ngày đầu. Cảm phục trước sức khỏe phi thường của ông Mau khi hàng ngày có thể đào, chở gần 10m3 đất, bà On đem lòng thương yêu. Họ sống hạnh phúc, đùm đề bên cháu con. Qua lời kể của các vị cao niên của làng Long Sơn (xã Tam Đại), ông Võ Mau là người khỏe mạnh nhất làng thời đó, đất đai nhà cửa của cha mẹ để lại ông đều hiến hết cho Nhà nước; đồng thời lại xung phong vào đào đất xẻ núi tại Tổng B huyện Tam Kỳ cũ. Mất đất gia đình ông dời lên làng Long Sơn sinh sống, dựng nhà lập nghiệp cho đến hôm nay.

Theo tiếng gọi dựng xây quê hương, nam nữ thanh niên gần như làm việc với năng suất gấp đôi. Họ thấm nhuần câu khẩu hiệu “Người nào không hoàn thành nhiệm vụ, chết không nhắm mắt”. Góp công, góp của đã thành làn sóng hiệu triệu dân chúng thời đó. Về một số vùng miền, còn thấy nhiều ngôi làng được lập bởi cư dân lòng hồ Phú Ninh. Như ở xã Tiên Lập (Tiên Phước) có thôn Suối Dưa hay thôn 4 - Eo Gió xã Tam Lộc (Phú Ninh) có hàng chục hộ di cư từ lòng hồ về đây. Nhiều gia đình có đến 3 thế hệ gắn bó với công trình, như gia đình ông Bùi Thơ (đã chết) - nguyên Phó ban chỉ huy công trình B Tam Kỳ (thuộc Tổng B Phú Ninh). Ông Thơ từng chỉ huy thi công phần đập tràn, làm kênh chính nam - bắc. Ông Bùi Viện là con trai kế nghiệp cha, nguyên là Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Núi Thành đã về hưu. Hiện ông Viện có 2 người con trai là Bùi Văn Thành và Bùi Văn Lương đều đảm nhận công việc điều tiết nước phục vụ tưới tiêu từ các kênh thủy lợi Phú Ninh.

Và tất nhiên là: không thể kể hết sự hy sinh thầm lặng của cư dân lòng hồ Phú Ninh.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC