Một cách tri ân
Chuyện những người quản trang nằm lòng từng cái tên, quê quán của các liệt sĩ để giúp cho thân nhân trong việc tìm kiếm chính xác hơn, cũng như ngày ngày hương khói, quét dọn sạch sẽ nơi các anh yên nghỉ khiến nhiều người xúc động.
Về bên đồng đội
Như là định mệnh, dù có trải qua bao lần đổi thay trong công việc, đến đoạn cuối cuộc đời, ông Phan Văn Hóa (SN 1948, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) lại trở về bên đồng đội. Đó là ông chọn công việc chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn trong suốt 13 năm qua. Dù không thể nhớ hết tên tuổi hay vị trí của gần 6.000 mộ tại nghĩa trang, nhưng ông vẫn có thể xác định từng khu vực các anh đang nằm. Điều này giúp ích rất nhiều đối với thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm về hương khói. Người đến thắp nhang, thăm viếng mộ đều yên tâm khi các phần mộ luôn sạch sẽ nhờ bàn tay chăm sóc của ông Hóa.
Ông Nguyễn Thanh Tùng chăm sóc những cây hoa bát tiên trên phần mộ liệt sĩ. Ảnh: D.L |
Trong cuộc đời làm quản trang của mình, ông Hóa nhớ nhất một lần có thân nhân ở ngoài Bắc dùng ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ. Họ đến nghĩa trang cúng bái ở phần mộ liệt sĩ chưa biết tên khiến ông Hóa nghi ngờ nên theo sát. Thấy họ cúng, nhảy múa một hồi rồi ôm khư khư phần mộ, khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là mộ phần của liệt sĩ là người thân của họ. Sau khi hỏi tên tuổi, quê quán và sự hy sinh của liệt sĩ ra sao, ông Hóa giải thích muốn bốc mộ liệt sĩ phải có sự xác minh của khoa học bằng cách giám định AND và có giấy tờ hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền. Họ không trình được giấy tờ nên ông nghi ngờ sẽ có chuyện không hay. Tối đó, ông Hóa và một người nữa thay nhau canh giữ nghĩa trang. Nửa đêm, nhóm người tìm mộ lúc sáng trèo rào vào định bốc trộm mộ thì bị ông Hóa phát hiện. Vụ việc được báo đến công an địa phương giải quyết. Hay có trường hợp của một liệt sĩ quê ở Hải Phòng được người thân đến nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn tìm theo kiểu ngoại cảm. Ông Hóa thấy họ đến nghĩa trang cúng vái và khẳng định một phần mộ chưa biết tên là liệt sĩ của gia đình. Sau khi nắm tên tuổi, quê quán ông Hóa khẳng định ngay mộ phần của liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Trung và hướng dẫn tỉ mỉ để họ đi tìm. Ban đầu họ không tin ông Hóa mà tin nhà ngoại cảm. Ông kiên trì thuyết phục, không cho bốc mộ nên họ đành tháo lui. Và đi theo lời chỉ dẫn của ông Hóa, họ tìm được đúng mộ liệt sĩ của gia đình. Khi đã bốc mộ đưa về quê hương, họ gửi thư xin lỗi cũng như cảm ơn ông Hóa đã giúp gia đình tìm được liệt sĩ.
Ông Phan Văn Hóa nhổ cỏ từ những kẽ nứt bê tông bên những phần mộ liệt sĩ. Ảnh: D.L |
Vì người nằm xuống
Đến Nghĩa trang liệt sĩ TP.Tam Kỳ hôm nay, màu xanh của những bóng cây trên lối đi, hoa bên phần mộ các liệt sĩ luôn khoe sắc, khiến người đến viếng có cảm giác ấm áp, gần gũi. Nghĩa trang được chăm sóc theo hướng công viên xanh, nên gần đây hay có du khách trong và ngoài nước đến xin vào tham quan. Mỗi ngày, đều đặn cứ 2 giờ sáng, đúng ca trực của mình, ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1957, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) lại lục đục dậy lo những công việc thường nhật. Đó là tưới nước cho những hàng cây, chậu cảnh trong khuôn viên nghĩa trang, rồi dọn quét sạch sẽ từng lối đi ở các hàng mộ. Toàn bộ 527 phần mộ, trong đó có khoảng 300 phần mộ vô danh ông đều quét tước, hương khói tỉ mẩn. Ông Tùng tâm sự: “Người nằm xuống mà không có ai chăm lo mộ phần thì lạnh lắm! Những anh hùng liệt sĩ hy sinh thân mình vì Tổ quốc thì càng phải được kính trọng. Có thể tôi thắp nhang cho các vị nhiều hơn cả thắp nhang ông bà ở gia đình, chỉ mong vong linh các vị được yên nghỉ. Tính tôi nóng nảy lắm, nhưng từ khi làm nhiệm vụ quản trang thấy mình điềm đạm hơn. Ban ngày có người lui tới, ban đêm chỉ mình với các phần mộ nhưng tôi nghĩ mình sống bằng tấm chân tình thì có gì phải sợ”.
Không ít lần ông Tùng nổi nóng với những người đến tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm. Nhưng ông cố dặn lòng phải tiết chế bản thân, kiên trì thuyết phục họ. Các đoàn đi tìm mộ theo kiểu ngoại cảm những năm trước nhiều, nhưng về sau càng vắng hơn. Ông Tùng nhớ có lần gần đến 2 giờ sáng, ông chuẩn bị dậy để lo dọn dẹp vệ sinh cho nghĩa trang, thì nghe có tiếng hát hò đến từ phía cổng phụ. Ông định thần, rồi mở cửa phòng quản trang xem có chuyện gì. Một đoàn người già có, trẻ có đang tiến vào khu vực nghĩa trang và hát vang những bài hát cách mạng. Hỏi ra mới biết họ từ Bắc vào thăm mộ liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang này. Sau khi cúng kiếng xong, họ khăng khăng ôm chầm lấy một phần mộ, nói rằng đó là mộ phần của liệt sĩ của gia đình và xin được đưa hài cốt về quê. Trong đêm tối, họ không nhìn được tên liệt sĩ, chỉ theo nhà ngoại cảm chỉ đâu hay đó. Ông Tùng thì biết quá rõ đó là phần mộ của liệt sĩ nào nên giải thích cặn kẽ để họ hiểu. Đồng thời hướng dẫn họ đến Sở LĐ-TB&XH của tỉnh để có thông tin chính xác hơn.
HOÀNG LINH