Liên kết du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng: Ách tắc từ sông Cổ Cò

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN 23/03/2017 09:31

Tròn 20 năm, cũng là quãng thời gian để Quảng Nam và Đà Nẵng chuyển mình trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được thì sự hợp tác, liên kết giữa 2 địa phương vẫn còn nhiều dang dở, trong đó dự án nạo vét sông Cổ Cò để khai thác du lịch là một ví dụ.

Sông Cổ Cò có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác.Ảnh: TUẤN LỘC
Sông Cổ Cò có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác.Ảnh: TUẤN LỘC

Từ một dòng sông…

Năm 2003, dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông nhiều thăng trầm này. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 14 năm trôi qua nhưng sông Cổ Cò vẫn ách tắc, thậm chí nhiều đoạn sông hiện nay không còn xác định được ranh giới giữa con nước và đồng ruộng. Theo ông Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, trong giai đoạn ông còn đương chức đã nhiều lần tham gia cùng chính quyền 2 địa phương tổ chức cắm mốc ranh giới trên sông Cổ Cò để thực hiện việc nạo vét nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi nhiều.

Theo đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, dự án nạo vét sông Cổ Cò đã được UBND tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng đã cho chủ trương bằng nguồn vốn ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng do hiện nay nguồn vốn này gặp khó khăn từ phía nhà tài trợ. Tỉnh Quảng Nam cũng đang tích cực thúc đẩy các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ để thúc đẩy dự án sông Cổ Cò thông với Đà Nẵng và Quảng Nam qua cầu Cửa Đại. Do đó, nguyên nhân chậm trễ là vì nguồn vốn (hiện tại dự án mới cấp về 50 tỷ đồng) dù tỉnh đã chuẩn bị các bước thiết kế, lập dự án cơ bản.

Trong quy hoạch phát triển một số tuyến thủy nội địa Đà Nẵng - Quảng Nam do Sở GT-VT TP.Đà Nẵng trình và được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt,  trong năm 2017 chỉ có 2 tuyến vận tải du lịch liên địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam được mở mới gồm sông Hàn - Cù Lao Chàm và sông Hàn - Vĩnh Điện. Còn việc phá dỡ các đập Đồng Nò, đập Bờ Quang phục vụ thông tuyến sông Cổ Cò, cải tạo các tuyến kè ven sông bảo vệ bờ sông Cổ Cò phải chờ đến năm 2020. Hiện nay, phần lớn trong số 9km đoạn sông Cổ Cò ở phía Đà Nẵng đã được khơi thông một phần nên con nước không bị tắc ở đoạn này. Tuy nhiên càng về phía Quảng Nam thì con sông Cổ Cò lại phủ đầy bèo và bị bồi lấp nghiêm trọng nên không thể triển khai tuyến du lịch thủy nội địa trên sông.

Vừa qua, tại lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, hàng vạn du khách đã đổ về đây trẩy hội. Điều đáng nói là khu vực này được con sông Cổ Cò hiền hòa, thơ mộng uốn lượn bao quanh tạo nên một cảnh quan non nước hữu tình. Nhiều hoạt động sôi nổi như đua thuyền đoạt lệnh, tái hiện cảnh tướng Trần Khắc Chung cứu Huyền Trân công chúa… được tổ chức trên sông Cổ Cò gây ấn tượng với du khách, tuy nhiên nó chỉ gói gọn trong thời gian diễn ra lễ hội và du khách cũng chỉ có thể thưởng ngoạn dòng sông Cổ Cò từ trên bờ. Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay đơn vị chưa thể xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên sông Cổ Cò dù thừa biết địa điểm này rất có tiềm năng. Muốn xúc tiến du lịch phải có sản phẩm để thu hút du khách nhưng sông thì vẫn dở dang khiến bao dự định cũng dang dở theo.

Kỳ vọng khai thông

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng – Quảng Nam (cụ thể là Đà Nẵng - Hội An) được xác định là địa bàn trọng điểm của du lịch duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Kết nối giữa 2 địa danh nổi tiếng này là vùng đệm Điện Bàn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. Theo nhận định của PGS-TS. Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) tại hội thảo “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” diễn ra cách đây chưa lâu, sự liên kết giữa Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An qua con sông Cổ Cò sẽ tạo cơ hội cho sự ra đời những sản phẩm du lịch hấp dẫn không chỉ của Quảng Nam,  Đà Nẵng mà của cả miền Trung.

Dòng sông Cổ Cò đoạn qua phường Điện Dương (Điện Bàn) đã bị bồi lấp, thu hẹp dần. Ảnh: TUẤN LỘC
Dòng sông Cổ Cò đoạn qua phường Điện Dương (Điện Bàn) đã bị bồi lấp, thu hẹp dần. Ảnh: TUẤN LỘC

Thực tế, hơn 10 năm nay Quảng Nam và Đà Nẵng đã có sự hợp tác trong phát triển du lịch thông qua mô hình liên kết “Ba địa phương một điểm đến” (Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế) nhưng chủ yếu chỉ là liên kết phối hợp trong việc quảng bá, xúc tiến, còn mối liên kết cụ thể qua con sông Cổ Cò nhằm kết nối du lịch đường thủy từ Hội An, Điện Bàn ra Đà Nẵng dường như vẫn chưa quyết liệt, dù đây được xem là tuyến du lịch đường sông hấp dẫn bậc nhất hiện nay. Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Tran Tours nhận định, việc triển khai tour du lịch đường sông Cổ Cò sẽ tạo sự đột phá về sản phẩm du lịch Hội An và Quảng Nam, mở ra một không gian rộng lớn để doanh nghiệp khai thác phục vụ du lịch. Tuy vậy, do nhiều đoạn sông bồi lấp cũng như vướng một số công trình cầu cống mà bao năm nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tổ chức tour được. “Nếu khai thông được dòng sông Cổ Cò chúng tôi sẽ tổ chức một loại hình du lịch mới cho khách theo kiểu tàu khách sạn nổi trên sông, qua đó tham quan được những điểm du lịch tại Đà Nẵng và ngược lại” - ông Khoa cho biết. Theo quan sát, trên khoảng chiều dài hơn 19km đoạn qua Quảng Nam (trong tổng số 27km chiều dài của sông), ngoại trừ đoạn sông thuộc địa phận Hội An tương đối sâu rộng, thì khu vực Điện Bàn hầu hết đã bị bồi lấp.

Còn nhớ, cuối năm 2012, tại Palm Garden Resort (Hội An), chính quyền 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cũng đã ngồi lại với nhau quyết tâm xúc tiến dự án khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, đã thống nhất ranh giới, cắm mốc thực địa và chọn nhà đầu tư tham gia các hạng mục nạo vét. Cụ thể, quy hoạch sẽ được thực hiện theo hướng bám sát hiện trạng, chiều rộng dòng sông đoạn hẹp nhất 90m, rộng nhất 160m. Tháng 3.2013, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phê duyệt dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam với tổng mức đầu tư lên đến 625 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm (2013 - 2015), chia thành 3 hợp phần đầu tư, bao gồm các hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng, nạo vét, khơi thông, xây dựng các công trình trên tuyến và đảm bảo giao thông đường thủy, hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương, nhất là khai thác du lịch, dịch vụ. Tuy vậy, theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đến nay việc nạo vét sông Cổ Cò trên địa bàn thị xã vẫn chưa có động tĩnh. Hiện tại ngoài 2 dự án của Công ty Mỹ Việt và Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng đã và đang triển khai, tận thu cát trên sông Cổ Cò (chiều dài khoàng 1,5km, khu vực Điện Dương, Điện Bàn) thì hơn 10km còn lại tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam thực hiện vẫn chưa khởi động, mặc dù theo cam kết cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.  

Nạo vét dòng sông Cổ Cò không chỉ mở ra những cơ hội phát triển du lịch mà còn là chuyện khơi thông cả một dòng chảy lịch sử - văn hóa của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng gắn với bao thăng trầm cùng mảnh đất này. Dù thế, ước mơ về một tuyến du lịch thủy bộ nhộn nhịp trên bến dưới thuyền kết nối những địa danh, đô thị ven sông kéo qua những địa danh ở Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng có lẽ vẫn phải đợi thêm một thời gian dài.

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN