Người lái đò sông Tranh

HÀ SẤU - LÊ ANH 23/03/2017 09:19

(QNO) - Thực ra ông lão đã bỏ nghề đưa đò cũng lâu rồi bởi chục năm nay lần lượt hai cây cầu đã mọc lên ở con sông Tranh đoạn qua xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My.

Bốn giờ sáng, không gian quạnh vắng mù tịt, trời giăng giắc hơi sương khắp nơi, ngụm xong mấy cốc nước lá rừng, ông Ninh tà tà xuống đò đẩy mái chèo đi gỡ lưới. Ông bảo mấy năm gần đây có tuổi rồi nên chẳng thể ngủ lâu được, cứ nghe tiếng chim rừng lảnh lót là mắt lại mở thao láo

Nhuốm màu ký ức

Trong gần năm tiếng đồng hồ, ông Ninh lòng vòng trên đoạn sông khoảng hơn 3km để đánh cá và thao thao bất tuyệt những dòng ký ức chẳng thể nào phai nhạt mà trong hơn ba mươi năm thăng trầm đưa đò ở khúc sông này ông đã trải qua.

Ông Ninh từng có gần 30 năm làm nghề đưa đò qua sông Tranh. Ảnh: T.A
Trước khi sông Tranh có cầu cầu bắc qua, ông Ninh đã có 25 năm gắn bó với nghề đưa đò. Ảnh: S.A

Ông tên thật là Võ Đức Ninh, người gốc Bắc Trà My. Trước năm 1975 ông Ninh là du kích xã tham gia nhiều trận đánh ác liệt để giải phóng quê hương. Người đàn ông đã pha sương màu tóc chậc chậc ra vẻ tiếc nuối rồi cười giòn tan, bảo hồi trước dân trong vùng này rồi cả lãnh đạo các cấp ở huyện ai cũng quen mặt, biết tên ông, có thể gọi vui là “người của công chúng”. Còn bây giờ thì hết rồi, cầu treo mọc lên dần dần tên tuổi ông cũng chìm vào quên lãng.

Theo phân công của Phòng Giao thông Trà My, năm 1982 ông lên công tác tại bến đò Trà Dơn để phục vụ cho nhu cầu đi lại, giao thương của người dân và cán bộ trong vùng. Trà Dơn những năm ấy heo hút và hoang sơ đúng chất đại ngàn, dân cư cực kỳ thưa thớt, cảnh tượng ông vừa chèo đò trên sông vừa thấy cọp, gấu đi từng đàn lững thững rồi mất hút sau những quả đồi rậm rạp chẳng hiếm hoi gì. Thôn, bản ông sống lúc ấy và cả nhiều bản, làng gần đó có người Kinh, có người dân tộc thiểu số, chẳng một ai dám ngủ một mình và sẩm tối đã phải cửa chốt, then cài cẩn thận để tránh thú dữ.

Những con đường phẳng phiu bây giờ tất nhiên lúc đó chưa xuất hiện, đường giao thông chỉ là những nẻo đường mòn do người dân đi mãi thì thành đường. Giao thương, buôn bán giữa đôi bờ sông Tranh lúc này thực hiện qua đường… bơi lội và đương nhiên phải lụy đò.

Trong cuộc mưu sinh vạn đò của mình, ông Ninh chẳng nhớ được đã thực hiện bao nhiêu chuyến đò đưa các đoàn công tác của tỉnh, huyện, xã,… qua sông để đến với đồng bào. Con đò tuy mang tiếng là của chính quyền huyện Trà My cấp nhưng cũng chòng chành chứ chẳng được bề thế, vững chãi như bây giờ. Có những đêm đang say giấc nồng trong mái nhà nhỏ bên sông thì đoàn cán bộ có chuyện cấp tốc, vậy là phải gác cơn ngái ngủ để xuống đò xuôi mái chèo lặng lẽ giữa khuya thanh vắng.

Rồi thêm nhiều buổi khuya khác, ông lục tục mò dậy trong tiếng kêu la dồn dập, xé màn đêm vội vã đưa người thì đau ruột thừa, người thì máu chảy đầm đìa sang sông đi cấp cứu. Đồng lương phụ cấp vài chục nghìn đồng ngày đó dĩ nhiên là còm cõi và chẳng thể đủ cho cuộc sống của hai vợ chồng và đàn con nheo nhóc của ông. Có điều những chuyến chở thuê quế sang sông cho các tiểu thương từ miền xuôi lên vào cái thời quế còn quý như vàng cách đây mấy thập kỷ cũng giúp ông kiếm được món hời kha khá để ông không phải lo nghĩ về “cơm, áo, gạo, tiền”.

Vui, buồn bên con đò

Phàm đã là nghề chèo đò trên các khúc sông ở gần thượng nguồn thì hiểm nguy luôn rình rập, nhất là vào mùa mưa. Ông Ninh bộc bạch, cũng bởi gắn bó với con đò này mà ông mấy lần “chết hụt” trước thiên tai của đất trời, nhất là thuở mới vào nghề. Hồi đó làm gì có dự báo thời tiết, mọi thứ chỉ dựa vào cảm tính và kinh nghiệm lăn lộn với núi rừng.

Có lần, đang chính trưa nắng như đổ lửa, vừa đưa khách sang sông xong gác mái chèo thủng thỉnh vào nhà thì thình lình một cơn lũ ống ào ào như thác về qua đoạn sông khiến ông chậc lưỡi ngao ngán về sự phiêu diêu của dòng đời. Riết thành quen, bây giờ người đàn ông có vóc người kham khổ nhưng rắn rỏi này có thể đoán được những cơn lũ ống về nhờ con mắt sõi đời, từng trải trong việc quan sát sự đổi màu đục ngầu của dòng nước. Chưa hết, ông cũng từng bị đám phu vàng ở Trà Leng (ngày đó cũng thuộc xã Trà Dơn) dí súng vào đầu chỉ vì tội góp ý, khuyên can vài lời về sự phá phách, ngông cuồng của nhóm người này trong lúc nhờ ông đưa qua đò.

Nhưng tạo hóa rất thú vị, đi kèm với ghềnh thác, dòng nước xiết hiểm nguy luôn đi kèm xuất hiện những sản vật mà thiên nhiên ban tặng, nhất là đàn cá với nhiều chủng loại quý giá. Một vài con cá chiên vàng nặng khoảng 30kg tưởng như chỉ có ở các khúc sông hiểm trở thượng nguồn miền Tây Bắc, dính lưới giãy lồng lộn khiến ông vật vã mới đưa được lên bờ; hay thông thường hơn là những con cá chình khoảng hơn 10kg khiến ông thêm quấn quýt với dòng sông.

Nói đoạn, ông ngừng rít hơi thuốc rồi bùi ngùi chép miệng, bây giờ vực nước xiết cũng mất đi dần rồi do có thủy điện mọc lên ở phía trên và có cảm giác nó biến thành “hồ” thì đúng hơn bởi sự phẳng lặng. Đàn cá to, hiếm cũng thay đổi tập tính dần chuyển lên đoạn sông khúc khuỷu hơn ở đầu nguồn để sinh sống. Chưa nói, lớp trẻ bây giờ thích chích điện và dùng mìn để săn, tận diệt nguồn lợi thủy sản, hơn là đánh cá theo tập quán cũ.

Kỷ niệm bên dòng sông quê thì nhiều nhưng khoảnh khắc ớn lạnh mà ông Ninh không bao giờ quên được là vào một sáng cách đây tròn trèm mười lăm năm. Như bao ngày khác ông xuống đò đi gỡ cá, vừa chèo được một đoạn thì phát hiện một xác chết nằm úp đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy. Vừa kịp hoàn hồn thì ông quay đò về gọi thêm người vớt lên rồi lúi húi đi báo chính quyền, rốt cuộc ở chốn rừng thiêng, nước độc chẳng ai đứng ra xác nhận danh tính nạn nhân. Chẳng nói chẳng rằng ông lại xắn tay vào chôn cất người xấu số giữa núi rừng và mãi mãi chẳng biết nguyên nhân và danh tính.

Dần dần mọi chuyện cũng phôi phai, đến năm 2007 khi cây cầu kiên cố đầu tiên bắc qua khúc sông này thì ông Ninh giải nghệ nghề chèo đò hẳn, khép lại một thuở không dài mà cũng chẳng ngắn đầy đáng nhớ trong đường đời.

Chín giờ sáng, nắng đã trải khắp các triền núi, ông Ninh liến thoắng gỡ vội mớ cá nhỏ cuối cùng mắc lưới khi con đò đã lững lờ sắp cập vào bờ. Ngày trước, lên bờ đã thấy nhà mình nhưng sau vài ba lần sạt lở nhà trôi theo sông thì con cái cũng không dám cho hai vợ chồng già mạo hiểm sinh sống ngoài triền sông nữa. Ông Ninh lững thững xách giỏ cá đi vào con ngõ sát đường lộ cho bà nhà kịp bữa chợ. Bóng người đàn ông sải dài, sải dài theo bóng nắng…

HÀ SẤU - LÊ ANH

HÀ SẤU - LÊ ANH