Cát sông vẫn... chảy
Tuy đã quy hoạch khoanh vùng vị trí tận thu cát ở sông Vu Gia - Thu Bồn nhưng tình trạng khai thác cát trái phép chưa có dấu hiệu dừng lại. Các địa phương vẫn đang nỗ lực ngăn chặn…
Sông Yên chưa thể bình yên
Con sông Yên, chảy qua địa phận thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc mấy năm nay chưa một ngày yên ả. Nhân tai cùng với thiên tai đã làm biến dạng dòng chảy, gây sạt lở nặng bờ sông ở nhiều vị trí. Ngoài Công ty TNHH MTV Phương Đông được Nhà nước cấp phép khai thác, trên khu vực giáp ranh này thường xuyên xảy ra cảnh tận thu cát trái phép. Bờ sông Yên phía thôn Phú Mỹ (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) được bồi lấp, còn bờ kia phía thôn Lạc Thành Tây (xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) bị sạt lở nặng với chiều dài gần 300m.
Một bãi tập kết cát ở bờ sông Thu Bồn, đoạn qua phường Điện Minh (thị xã Điện Bàn). Ảnh: T.HỮU |
Để khơi thông, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ phía xã Điện Hồng, UBND tỉnh đã ra quyết định (số 2513/QĐ-UBND ngày 17.7.2015) cho phép Công ty TNHH MTV Phương Đông khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại phạm vi bãi bồi phía xã Đại Hiệp có diện tích hơn 1ha với trữ lượng 29.012m3. Theo doanh nghiệp này, đơn vị chấp hành nghiêm túc các quy định ghi trong giấy phép như khai thác đúng quy trình kỹ thuật, đúng tọa độ, độ sâu, trữ lượng và công suất. Tuy vậy, chung quanh khu vực khai thác của doanh nghiệp vẫn có một số ghe mạo danh của công ty để khai thác cát trái phép vào ban đêm.
Ngày 12.10.2016, Công ty TNHH MTV Phương Đông có văn bản gửi UBND huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn báo cáo sự vụ một số đối tượng lợi dụng việc công ty có giấy phép khai thác để khai thác cát sỏi trái phép trên địa phận xã Điện Hồng. Sau đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh bắt quả tang nhiều đối tượng trên địa bàn xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Yên. Theo nhiều người dân địa phương, lòng sông Yên cũng như nhiều khu vực giáp ranh giữa thị xã Điện Bàn và Đại Lộc lâu nay là lãnh địa tranh cát. Chính quyền cấp xã thôn gần như nắm được “đường đi nước bước” của sa tặc, có điều họ có dám đấu tranh hay không mà thôi.
Kiểm soát xuất xứ cát
Từ đầu năm đến nay, chính quyền 2 địa phương thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc đã thống nhất lập điểm chốt chặn ở sông Yên với sự vào cuộc của những xã giáp ranh. Theo đó, các địa phương ký kết quy chế phối hợp để đẩy đuổi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực giáp ranh. Thêm vào đó, UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo chính quyền các địa phương lập trạm chốt chặn tại các địa bàn ngã ba sông Thu Bồn thuộc thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong; khu vực sông Tứ Câu, phường Điện Ngọc; khu vực sông Yên, thuộc thôn 2 Diệm Sơn, xã Điện Tiến; vùng giáp ranh với huyện Đại Lộc và TP.Đà Nẵng.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Điện Bàn - ông Phạm Ngọc Anh cho hay, thời gian qua lực lượng chức năng địa phương đã có nhiều chế tài xử lý cứng rắn với đối tượng vi phạm, phạt tiền nặng hoặc tịch thu phương tiện tài sản lớn; tập trung kiểm soát “đầu vào” nguồn nguyên vật liệu; giám sát nguồn gốc xuất xứ sử dụng cát của các nhà thầu xây dựng ở các dự án, công trình trọng điểm. Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên cát sỏi lòng sông hiện nay còn một vài kẽ hở, nhất là trong quản lý đường thủy nội địa. Thực tế, phần lớn phương tiện ghe thuyền đều không đăng ký, đăng kiểm; công tác kiểm tra, thanh tra trên sông lỏng lẻo.
Quy định thời gian hoạt động
Theo thống kê của UBND thị xã Điện Bàn, trên địa bàn hiện có ít nhất 128 phương tiện được đăng kiểm, 21 bến bãi tập kết cát dọc sông. Địa phương đã thành lập trạm kiểm soát đường sông ở một số xã để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát. UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501, Công ty CP An Thịnh, Công ty CP Xây dựng và vật liệu Phước Lợi, Công ty TNHH Đại Việt và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Gia Lộc. Tuy nhiên, có một thời gian các doanh nghiệp đều không cắm mốc thực địa khai thác, tận thu vượt độ sâu, công suất cho phép. Hai năm qua, lực lượng chức năng xử phạt hành chính các đối tượng khai thác trái phép cũng như doanh nghiệp có phép sai phạm hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, huyện Đại Lộc đã ban hành thời gian hoạt động hút cát, vận chuyển cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Theo đó, từ tháng 1 - 9, quy định hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, còn từ tháng 10 - 12 thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - Trần Văn Mai khẳng định, nếu phát hiện đơn vị, cá nhân nào sử dụng ghe, tàu chưa qua đăng ký, khai thác ngoài phạm vi cấp phép, địa phương sẽ tịch thu ghe tàu, nặng thì kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường khẳng định, hiện nay tỉnh tuyệt đối không cấp mới và gia hạn giấy phép khai thác cát sỏi, sạn tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
TRẦN HỮU