Nhiều nước cấm nhập khẩu thịt từ Brazil

NAM VIỆT 23/03/2017 08:36

Sau vụ bê bối thịt bẩn gây chấn động, hàng loạt quốc gia ban hành lệnh cấm nhập thịt bò và gia cầm từ Brazil.

Hiện có 150 quốc gia nhập khẩu thịt từ Brazil với các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ả rập Xê-út, Chi lê… Năm 2016, ngành sản xuất và chế biến thịt bò và gia cầm mang về cho Brazil hơn 10 tỷ USD, đóng góp 0,7% tổng GDP, sử dụng 7 triệu lao động và chiếm 15% xuất khẩu quốc gia. Giữa lúc Brazil đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài từ hai năm qua, ngành xuất khẩu thịt bò và gia cầm lớn nhất thế giới của quốc gia Nam Mỹ này bị chao đảo vì lệnh tạm thời cấm nhập khẩu thịt từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vụ việc diễn ra chưa đầy một tuần sau khi cảnh sát Brazil phát hiện hàng chục cơ sở đóng gói thịt đã hối lộ thanh tra y tế và nhiều quan chức để bỏ qua những sai sót như thiếu vệ sinh, chế biến thịt thối rửa và xuất khẩu thịt có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường ruột salmonella, hóa chất tẩm ướp gây ung thư và giấy chứng nhận kiểm dịch giả để che mắt người tiêu dùng. Tạm thời, 21 kho tích trữ thịt đông lạnh bị điều tra, 33 công chức nhận hối lộ bị cách chức.

Một cơ sở chế biến và đóng gói thịt tại Brazil. Ảnh: nationalgeographic.com
Một cơ sở chế biến và đóng gói thịt tại Brazil. Ảnh: nationalgeographic.com

Brazil cho biết đến nay chưa ghi nhận được ca tử vong nào vì thịt bẩn. Nhưng đầu tuần, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu Brazil, trong đó Hồng Kông - thị trường nhập khẩu thị bò lớn nhất từ Brazil với doanh thu 718 triệu USD năm ngoái đã áp đặt lệnh cấm tạm thời thịt đông lạnh và gia cầm Brazil. Nga, Mexico hay Liên minh châu Âu dừng mua sản phẩm thịt từ các công ty có dính líu đến vụ bê bối thịt bẩn. Nhật Bản cho biết, đã đình chỉ vô thời hạn việc nhập khẩu thịt gia cầm và các sản phẩm thịt khác từ 21 nhà máy chế biến thịt của Brazil đang trong diện bị điều tra. Đến nay, chỉ có Hàn Quốc vừa bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt gà từ công ty BRF, một trong những nhà xuất khẩu gia cầm lớn nhất thế giới và sở hữu 54 công ty tại 7 quốc gia, có dính líu vụ việc trên. Do vậy, Martin Bernard, một quan chức của Brazil lo ngại  vụ tai tiếng này sẽ là một “thảm họa” cho Brazil nếu bị cấm vận thương mại lâu dài.

Để trấn an dư luận cũng như các đối tác quốc tế trước suy giảm uy tín của công nghiệp chế biến thịt - ngành kinh tế chủ đạo của Brazil, Tổng thống Brazil Michel Temer khẳng định, chỉ 21 trong số hơn 4.800 cơ sở sản xuất thịt của Brazil liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn nên không thể đánh đồng vụ việc liên quan đến toàn bộ ngành xuất khẩu thịt. Tuy nhiên, Tổng thống Michel Temer thừa nhận vụ bê bối gây “hổ thẹn” cho kinh tế Brazil. Trong lúc này, nhiều người dân Brazil đều lo lắng sau vụ bê bối thịt bẩn. Maria Fonseca, một người bán hàng tại thành phố Rio de Janeiro nói: “Tủ lạnh nhà tôi đầy thịt và tôi không biết xử lý thế nào, bỏ đi thì quá lãng phí, không biết nên vứt đi hay sử dụng chúng. Tôi ở vùng quê, sau vụ xì-căng-đan lớn nhất lịch sử của ngành xuất khẩu thịt bò và gia cầm Brazil, tôi phải tự nuôi gà và bò để cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình”. Bê bối thịt bẩn có thể làm kinh tế Brazil thêm khó khăn, theo nhận định của cơ quan tư vấn Capital Economics, vì nó gây thiệt hại cho kim ngạch xuất khẩu ít nhất là 3,5 tỷ USD, tương đương với 0,2% GDP.

NAM VIỆT

NAM VIỆT