Dấu ấn thể thao đất Quảng
Thể thao đất Quảng, cả phong trào lẫn thành tích cao, đều để lại những dấu ấn đậm nét trong thời gian qua. Và không dừng lại ở đó, những người làm công tác thể thao tỉnh nhà hiện nay tự tin hướng đến những mục tiêu xa hơn.
Sôi nổi thể thao phong trào
Trước đây, hoạt động thể thao phong trào khá trầm lắng. Mỗi năm, giải đấu cấp tỉnh gói gọn trong khoảng chưa đến 10 giải; cấp huyện, thị xã, thành phố ít hơn, còn cấp cơ sở được tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Nhưng thời gian gần đây, phong trào thể thao trên địa bàn tỉnh khởi sắc hơn rất nhiều. Có thể thấy rõ điều này qua những con số tại đại hội thể dục thể thao (TDTT) cơ sở vừa qua. Sở VH-TT&DL cho biết, chuẩn bị cho đại hội TDTT cấp huyện, thị xã, thành phố diễn ra trong năm 2017, từ năm 2016, tất cả 214 xã, phường, thị trấn đều đã hoàn thành tổ chức đại hội TDTT. Khác với những kỳ đại hội trước đây, lần này các địa phương đều tổ chức khá nhiều môn thể thao nhằm tạo điều kiện cho đông đảo người dân được tham gia.
Những môn thể thao truyền thống luôn thu hút sự tham gia cổ vũ của nhiều người.Ảnh: TƯỜNG VY |
Theo thống kê, cả tỉnh có tổng cộng 1.418 giải đấu thuộc chương trình đại hội TDTT xã, phường, thị trấn với hơn 90.000 lượt vận động viên tranh tài. Những con số đó cho thấy đại hội TDTT cơ sở thật sự là những ngày hội của người dân trên khắp địa bàn tỉnh. Hiện tại các huyện, thị xã, thành phố đang sôi nổi tổ chức đại hội TDTT của địa phương, chuẩn bị lực lượng để sắp tới dự tranh các môn thi đầu tiên trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII năm 2017-2018.
Phạm Thị Thu Hiền là VĐV xứ Quảng đầu tiên tranh tài tại Asiad và giành tấm huy chương đồng. |
Bên cạnh các bộ môn thể thao hiện đại được ưa chuộng như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh, một trong những nỗ lực của ngành TDTT là việc đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn thể thao truyền thống như đua thuyền, cờ tướng, bắn ná, chạy băng đồng vượt đồi, đẩy gậy. Không chỉ tạo điều kiện cho nhiều người, đủ loại thành phần, lứa tuổi, giới tính, vùng miền thuận lợi tham gia thi đấu và thưởng thức, việc này đã giúp cho các giải thể thao phong trào thêm đa dạng, phong phú, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Vì vậy, song song với các giải đấu hàng năm, đại hội TDTT các cấp, Lễ hội Văn hóa - Thể thao các huyện miền núi toàn tỉnh cũng được duy trì thường xuyên 4 năm 1 lần. Đây là sân chơi của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở 9 huyện miền núi, tranh tài ở các bộ môn văn hóa và thể thao, được tổ chức luân phiên tại các địa phương. Đặc biệt, từ năm 2016, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ I đã được tổ chức tại huyện Nam Trà My, thu hút hơn 1.000 vận động viên của 8 huyện miền núi, gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, chủ nhà Nam Trà My và huyện Núi Thành góp mặt. Hội thi tranh tài ở các môn bóng đá nam, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ và 4 môn thể thao đặc trưng của miền núi là đẩy gậy, kéo co, bắn ná, việt dã leo núi.
Trong chặng đường 20 năm qua với những thành quả đạt được trên lĩnh vực thể thao quần chúng, không ít lần thể thao đất Quảng được Bộ VH-TT&DL “chọn mặt gửi vàng”. Năm 2000, phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Quảng Nam được Ủy ban TDTT (cũ) chọn làm điểm của cả nước để tổ chức lễ. Đến năm 2002, một lần nữa xứ Quảng được chọn làm nơi tổ chức “Ngày chạy Olympic” của cả nước. Những năm gần đây, nhiều giải đấu vô địch quốc gia, một số môn thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc cũng được đưa về Quảng Nam. Đặc biệt, ngành TDTT Quảng Nam đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba - phần thưởng ghi nhận những thành tích xuất sắc trên chặng đường phát triển của thể thao đất Quảng.
Dấu ấn thành tích cao
Trước khi thăng hoa với chức vô địch giải hạng nhất và lên chơi tại giải đấu cao nhất cả nước V-League trong 4 mùa giải qua, bóng đá Quảng Nam cũng có những bước thăng trầm. Sau khi tái lập tỉnh, đội bóng Quảng Nam bắt đầu tham gia thi đấu ở giải hạng nhì quốc gia. Phải mất hơn 10 năm, đến năm 2008, đội mới giành quyền lên chơi ở giải hạng nhất quốc gia sau khi đoạt chức vô địch giải hạng nhì. Trải qua các mùa giải sau đó gắn với doanh nghiệp như Nhựa Hoa Sen Quảng Nam rồi Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam, đội đều thi đấu không thành công. Năm 2012, Câu lạc bộ đổi tên thành QNK Quảng Nam sau khi Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam tài trợ. Chỉ sau đó 1 năm, đội bóng QNK Quảng Nam giành chức vô địch giải hạng nhất và giành vé lên thi đấu ở V-League năm 2014. Trong 3 mùa giải qua, sau 2 lần xếp vị thứ 8, mùa giải năm 2016 đội vươn lên vị thứ 5. Bước sang mùa giải 2017, Câu lạc bộ QNK Quảng Nam đổi tên thành Câu lạc bộ Quảng Nam. Hiện nay, đội Quảng Nam thi đấu khá thành công khi nằm ở tốp đầu bảng xếp hạng. |
Gần 2 năm sau ngày tái lập tỉnh, Quảng Nam mới bắt đầu quan tâm đầu tư cho thể thao thành tích cao qua việc thành lập Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh để đào tạo, huấn luyện lực lượng vận động viên (VĐV). Dù vậy, một thời gian dài, nơi đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như quy mô đào tạo nhỏ, điều kiện ăn ở, tập luyện của VĐV thiếu thốn, thậm chí chỗ làm việc của trường nhiều năm phải thuê nhà dân. Song trong gian khó ấy, đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, VĐV đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, giành được nhiều kết quả đáng tự hào cho tỉnh. Đặc biệt, thể thao đất Quảng đã gây ấn tượng với một số gương mặt VĐV đi vào lịch sử của thể thao nước nhà, như Đặng Thị Thúy, Đặng Văn Chín, Lê Thị Hồng Ngoan, Nguyễn Thị Hòa - những nhà vô địch SEA Games, vô địch thế giới. Từ đó đến nay, xuyên suốt chặng đường 20 năm qua, thể thao đất Quảng không ngừng lớn mạnh và ngày càng để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên bản đồ thể thao của cả nước, ở các giải đấu vô địch quốc gia, các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc. Gần đây nhất, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, Quảng Nam xếp thứ 29/65 tỉnh, thành, ngành của cả nước khi giành tổng cộng 6 HCV. Còn ở các giải đấu hàng năm, thể thao Quảng Nam đã có được sự thăng tiến mạnh mẽ về thành tích. Năm 2016 vừa qua, cả tỉnh có 98 VĐV tham gia thi đấu tại 29 giải thể thao thành tích cao cấp khu vực, quốc gia, quốc tế, giành được 91 huy chương, gồm 25 HCV, 24 HCB và 42 HCĐ. Đáng chú ý, 15 VĐV trong màu áo đội tuyển quốc gia tham gia 6 giải đấu cấp quốc tế và đem về cho tổ quốc 2 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ.
Có một điều đáng mừng nữa là, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thể thao đất Quảng vẫn luôn xuất hiện những gương mặt tài năng, nhiều lần làm rạng danh cho thể thao nước nhà. Sau khi các nhà vô địch thế giới và SEA Games ở bộ môn Pencak Sikat là Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan, rồi nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Hòa chia tay sự nghiệp thi đấu, ngay lập tức có những nhà vô địch SEA Games tiếp nối như Bùi Thị Triều (Karatedo) và mới nhất là Phạm Thị Thu Hiền (Taekwondo). Điều ấn tượng hơn, cho đến nay Thu Hiền chính là VĐV Quảng Nam đầu tiên góp mặt tại đấu trường Asiad và giành tấm HCĐ. Ngoài ra, còn rất nhiều cái tên đáng chú ý khác như Bùi Như Mỹ, Nguyễn Phi Tuấn - những VĐV cũng đã đem về không ít thành công trong màu áo đội tuyển quốc gia. Hiện nay, bên cạnh Phạm Thị Thu Hiền, Nguyễn Phi Tuấn, đã có một lớp VĐV trẻ bước đầu thể hiện được mình, như: Huỳnh Thị Mai Khuyên (19 tuổi) giành được 2 HCV tại giải trẻ quốc gia môn bắn súng; Võ Quốc Luật (18 tuổi) giành 1 HCV tại giải trẻ, 1 HCB giải Cúp quốc gia và 1 HCĐ tại giải vô địch quốc gia môn Taekwondo; Nguyễn Thị Mỹ Trinh (19 tuổi) giành 1 HCB giải vô địch quốc gia môn Vovinam và 2 HCV tại giải Cúp quốc gia môn Vovinam và Võ cổ truyền; Mai Thị Huệ (18 tuổi) giành 1 HCB giải vô địch và 1 HCV giải trẻ quốc gia môn Vovinam; Lý Diễm Hằng (13 tuổi) giành 1 HCB giải vô địch điền kinh các lứa tuổi trẻ quốc gia nội dung chạy 600m.
Qua 20 năm, thể thao Quảng Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình, nhất là cung cấp cho quốc gia nhiều VĐV tài năng. Với đội ngũ huấn luyện viên cùng nhiều VĐV tài năng, cùng với đó là sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thể thao đất Quảng tự tin bước vào tương lai với nhiều mục tiêu mới cao hơn.
TƯỜNG VY