Hành trình 20 năm phát triển

ALĂNG NGƯỚC 22/03/2017 09:04

Cùng với hệ thống giao thông rộng khắp từ trung tâm huyện đến các xã, hành trình 20 năm phát triển của Nam Giang còn nổi bật với những công trình hạ tầng nông thôn, góp phần tạo nên diện mạo mới ở vùng cao.

Vượt qua gian khó

Trong ký ức của ông Zơrâm Ul - nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang, những ngày đầu tái lập tỉnh, huyện đứng trước nhiều khó khăn thử thách khi điều kiện kinh tế - xã hội còn rất hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn chưa phát triển như bây giờ. Hồi đó, ngoài con đường duy nhất 14A đi qua khu vực thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy đã xuống cấp trầm trọng do xây dựng sau năm 1975, địa phương chỉ có hệ thống đường công vụ đi các xã vùng cao mới thông tuyến đến thôn Vinh, xã Ta Bhing (nay là Tà Pơơ).

Diện mạo thị trấn Thạnh Mỹ hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo thị trấn Thạnh Mỹ hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong khi đó, các tuyến giao thông liên xã, liên thôn chủ yếu là đường mòn băng qua các cánh rừng hình thành từ khi lập làng, lập bản. Nam Giang ngày đó được ví như vùng đất mồ côi, gắn liền với nhiều câu chuyện về kỷ niệm một thời của những người cán bộ buổi đầu công tác đầy gian khó: “Chỉ có Giằng - chẳng có gì”. Không chỉ hạ tầng giao thông, những ngày mới chia tách tỉnh, hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng khác như: trường, lớp học, trạm y tế, trụ sở các xã ở Nam Giang còn nhiều tạm bợ, sơ sài; hệ thống kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng, việc sản xuất của người dân miền núi hoàn toàn dựa vào “nước trời”, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ khiến năng suất bấp bênh. “Bây giờ thì khác rồi, đường sá thông suốt đến tận biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội đã và đang phát triển khá rõ nét, diện mạo vùng cao thay đổi rõ rệt, đời sống của đồng bào địa phương ngày một được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng, cũng như hệ thống chính trị từ huyện đến xã ngày càng vững mạnh, có chiều sâu” - ông Ul chia sẻ.

Vượt qua gian khó, Nam Giang bây giờ không còn là “vùng đất mồ côi”, khi các tuyến quốc lộ 14B, 14D, đường Hồ Chí Minh và Đông Trường Sơn đi qua địa bàn đã kết nối Nam Giang với TP. Đà Nẵng, sang huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) thông qua Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc. Những lợi thế đó được xem là “đòn bẩy”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng. Các bản làng vùng cao Nam Giang nay đã khoác lên mình sắc màu tươi mới, cùng với những công trình nông thôn mới. Bên cạnh kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch sinh thái tại thác Grăng (xã Ta Bhing) và khai phá tiềm năng du lịch đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, những năm qua địa phương còn chú trọng đến việc sưu tầm, phục dựng và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cũng như đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, đội múa trống chiêng, đội đinh tút tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, chủ trương quy hoạch 37,2ha cụm công nghiệp thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ) được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều đổi thay về phát triển công nghiệp cho địa phương với hàng loạt dự án tiếp tục được đầu tư, xây dựng.

Chuyển mình

Đến nay, huyện Nam Giang có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã với 60/63 thôn, bản có đường giao thông liên thôn, cùng các tuyến quốc lộ 14B, 14D, đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn đi qua địa bàn. Bên cạnh đó, 100% xã có trạm y tế, trụ sở làm việc kiên cố; hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư khang trang. Ngoài ra, Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, tạo điểm nhấn kết nối với Hành lang kinh tế Đông - Tây và các địa phương của Lào, Thái Lan trong tương lai gần, mở rộng giao thương quốc tế, thúc đẩy phát triển  kinh tế - xã hội miền núi. Từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 70% (năm 1997), đến nay Nam Giang đã giảm xuống còn 50,36%, theo điều tra đa chiều.

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, theo hoạch định phát triển, những năm tới địa phương tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực: cán thép, may mặc và chế biến nguyên liệu giấy. Cùng với đó, công tác quy hoạch chăn nuôi quy mô công nghiệp sẽ được mở rộng (đến nay, đã thu hút được một doanh nghiệp tại TP.Đà Nẵng đến đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi bò thịt kết hợp trồng cây ăn quả, cây dược liệu ứng dụng kỹ thuật - công nghệ cao, với tổng diện tích 57ha và quy mô chăn nuôi bò thịt giống Brahman khoảng 200 con, tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng).

Dự án này dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong vòng một năm và chính thức đi vào vận hành vào khoảng tháng 5.2018, giúp giải quyết việc làm cho khoảng trên dưới 100 lao động, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, địa phương cũng tập trung triển khai thực hiện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng “3 cây” (cao su, keo, chuối) và “3 con” (heo, bò, dê), với hơn 1.300ha cây cao su được trồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 lao động địa phương và tạo nguồn thu nhập ổn định bình quân 3 triệu đồng/tháng/người. “Năm 2016 các xã vùng thấp còn tập trung phát triển cây keo với diện tích gần 300ha, tạo thu nhập 25 - 30 triệu đồng/ha và hình thành, khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, chủ yếu là phát triển đàn bò và các mô hình nuôi heo cỏ địa phương, heo rừng lai tạo sản phẩm có giá trị, giúp ổn định thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững” - ông Mai nói.

Bên cạnh khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh cá thể, địa phương còn tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài huyện đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nhân dân. Ngoài Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 khoảng 1,7 triệu tấn xi măng/năm, trên địa bàn huyện còn có 6 nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng, trong đó có 4 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, tạo giá trị sản lượng công nghiệp cho địa phương. Và sau 20 năm, từ một huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, Nam Giang đã vươn mình trỗi dậy, khẳng định vị thế bằng những tiềm năng và lợi thế sẵn có, quyết tâm vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC