Tình người nơi phố thị
Hai mảnh đời cơ cực vào tuổi xế chiều đang rau cháo nuôi nhau qua ngày giữa phố thị đông đúc. Chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng tình đồng hương và tình người khiến họ không thể tách rời.
Bà Quế (phải) tự nguyện đón bà Anh về ở cùng phòng trọ và chăm sóc hơn 2 năm nay. |
Đến căn phòng trọ ọp ẹp của hai bà cụ trong hẻm 250 Nguyễn Công Trứ (TP.Đà Nẵng) vào cuối giờ chiều, khi bà Nguyễn Thị Quế (quê xã Đại Thạnh, Đại Lộc) vừa đi bán vé số dạo về và đang chuẩn bị cơm nước cho bà Trần Thị Anh (quê xã Quế Lộc, Nông Sơn). Bà Quế bộc bạch: “Bữa nào bán được nhiều thì ghé chợ mua đồ ăn và ít bánh ngon ngon cho bà Anh, còn ít quá thì chỉ mua mớ rau, con cá về ăn qua ngày”. Năm nay cả bà Quế và bà Anh đều đã hơn 75 tuổi, khoảng 3 năm trước, hai bà tình cờ gặp nhau giữa phố thị khi đang nhọc nhằn mưu sinh. Từ đó, như một mối duyên nợ, họ bấu víu lấy nhau để tồn tại qua ngày.
Bà Anh mất cả chồng và con sau trận lụt lịch sử năm 1964, từ đó sống lang bạt qua ngày bằng nghề làm thuê. Mấy năm gần đây do tuổi cao, không còn đủ sức khỏe nên chỉ làm những công việc lặt vặt kiếm sống. Bà Quế khá hơn khi có mấy người con nhưng cũng đều khó khăn, thiếu thốn nơi quê nhà nên đành cặm cụi ra phố bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chính bà Quế đã đứng ra “bảo lãnh” và cho bà Anh mượn tiền để đặt cọc nhận vé số về bán rồi trả lại vào cuối ngày bởi thấy hoàn cảnh của người bạn già quá bi đát. Được một thời gian, trong một lần bán vé số, bà Anh bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt cả hai chân và sống vất vưởng, phải ngủ qua đêm ở chợ bởi chủ trọ không cho thuê phòng nữa. Thêm một lần, bà Quế lại dắt díu bà Anh sang ở cùng bởi không nỡ nhìn người bạn già sống lay lắt bên vệ đường. Từ đó, hàng ngày khi mới mờ sáng, bà Quế đã lục đục dậy sửa sang cơm nước, vệ sinh cá nhân và thuốc men cho bà Anh rồi tất tả nhận vé số về đi bộ bán dạo khắp thành phố. Bà Quế chia sẻ: “Mỗi ngày bán đâu được chừng 50 tờ, nhiều ngày bán ế tiền không đủ ăn, may nhờ có một số tổ chức từ thiện giúp đỡ bà Anh thêm được một tháng mấy trăm nghìn và ít gạo”.
Trước tình cảnh ngặt nghèo của bà Anh, vừa qua UBND xã Quế Lộc đã mời bà Anh về quê và có ý định cấp một mảnh đất để bà cụ cất căn nhà nhỏ nương náu những năm tháng cuối đời. Tuy nhiên, sau chuyến về quê bà Anh đành ngậm ngùi trở lại căn phòng trọ ọp ẹp vì có đất cũng chẳng biết lấy tiền đâu xây nhà, mà xây được nhà ở cảnh thui thủi một mình cũng buồn hiu hắt. Một nhà hảo tâm đã liên hệ để đưa bà đi chữa trị đôi chân nhưng các bác sĩ cho biết đôi chân bà hiện không thể đi lại được nữa nên cũng đành thôi. Khi được hỏi về những ngày tháng tới đây sẽ ra sao, bà Quế trầm ngâm bộc bạch: “Tôi thì dễ rồi, còn nhà cửa, con cái ở quê, khi nào đi bán không nổi nữa thì về chứ bà Anh thì tội nghiệp quá. Bà Anh có gửi gắm rằng nếu bà chết thì đem vô chùa thờ cũng được”. Nói đoạn, bà Quế lại lúi húi vừa lấy thuốc băng bó cho đôi chân teo tóp dần của bà Anh vừa cười xuề xòa với bà cụ.
QUỐC TUẤN