Chuyện an cư ở vùng dự án
Vì sự phát triển chung, nhiều người dân vùng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (thuộc xã Duy Hải và Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đồng thuận nhường đất đến khu tái định cư (TĐC) mới, nhưng một số hạng mục thiết yếu như nước sạch, cây xanh và nhất là giải pháp chuyển đổi sinh kế… vẫn chưa đảm bảo để họ an cư.
Ở đâu cũng là quê
Qua rồi một thời những con đường đất cát dẫn vào làng mà hai bên xương rồng mọc kín. Làng TĐC trung tâm xã Duy Hải (Duy Xuyên) bây giờ đường nội bộ rộng hơn hai làn xe ô tô, dọc ngang như ô bàn cờ. Nằm ở vùng lõi dự án, 2 thôn Tây Sơn Tây, Tây Sơn Đông (Duy Hải) phần lớn đất ở, sản xuất của người dân đều bị thu hồi. Nghĩa là tất cả người dân chuyển vào khu TĐC trung tâm của xã giai đoạn 1 quy mô rộng 39ha (đóng tại thôn Tây Sơn Đông) đều bị mất trắng đất sản xuất, được bồi thường nhà ở. Khi dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An khởi công, từ đầu năm 2016, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, chính quyền huyện Duy Xuyên đã thực hiện cuộc di dân thần tốc chưa từng thấy từ trước đến nay.
Nhà cửa xây dựng san sát ở một tuyến đường tại khu TĐC Duy Hải. Ảnh: TRẦN HỮU |
Chỉ sau hơn một năm, nhiều gia đình đã xây nhà mới trên đất TĐC. Với các trường hợp vì nhiều lý do khác nhau chưa thể xây nhà ở được bố trí ra ở nhà tạm của chủ đầu tư mà không phải mất tiền thuê. Hộ chị Nguyễn Thị Sanh ra nhà tạm này ở trước Tết Đinh Dậu. Chị bảo, giữa tháng 2 âm lịch, gia đình mới khai móng nên được bố trí ở trong căn nhà này. Gia đình chị Sanh sống bằng nghề biển, ngư lưới cụ rất nhiều nên được duyệt cho ở tạm 2 căn nhà. Để tạo điều kiện cho người dân chấp hành tốt chủ trương nhường đất, chủ đầu tư đã làm sẵn dãy nhà tạm gồm hơn 30 căn. Thời điểm này, hơn một nữa căn hộ đã có người đến ở tạm.
Dọn nhà ra khu TĐC xã Duy Hải sinh sống hơn 2 năm nay, gia đình ông Phan Công Hủy tuy có xáo trộn ban đầu nhưng vẫn duy trì kế sinh nhai. Được Nhà nước bố trí 180m2 đất TĐC, ông dành hơn một nửa diện tích xây nhà kiên cố, diện tích còn lại cùng với bãi đất trống liền kề thì thâm canh vườn ươm cây giống, kinh doanh cây cảnh; mở thêm quầy tạp hóa buôn bán nhỏ. “Chỗ này cũng không xa mấy so với làng Tây Sơn Tây trước đây gia đình sinh sống. Ở đâu cũng là quê nhà. Nếu Nhà nước sớm đầu tư điện đường, nước sạch đầy đủ, thì khu này rất khang trang” - ông Hủy mong muốn. Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, năng lực của khu TĐC này đáp ứng hơn 200 lô đất nhưng thời điểm hiện tại mới có 155 hộ ra làm nhà sinh sống. Nằm về phía bắc của khu TĐC này, chủ đầu tư đang triển khai một khu TĐC khác có diện tích 43ha. Điểm thuận lợi là làng mới gần với vị trí làng cũ bị giải tỏa, đối tượng người đi làm biển hoặc lao động dịch vụ thương mại không bị tác động nhiều.
Cần đầu tư đồng bộ
Cần hơn 1.000 lô đất TĐC năm 2017 Theo Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam, tính đến nay, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã bố trí được 193 lô đất mới cho đối tượng bị giải tỏa trắng vào khu TĐC xã Duy Hải giai đoạn 1. Hạ tầng khu này đã hoàn thành hơn 90% khối lượng xây lắp. Năm 2017 sẽ tiếp tục đầu tư thi công các khu TĐC Duy Hải giai đoạn 2, 3 và khu TĐC Sơn Viên tại xã Duy Nghĩa. Trong khi nhu cầu TĐC năm nay cần hơn 1.000 lô đất, thì hiện nay cả 2 khu TĐC xã Duy Hải giai đoạn 2 và Sơn Viên (xã Duy Nghĩa) mới hoàn thiện được 170 lô. |
Tại xã Duy Nghĩa - nơi dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An chuẩn bị rục rịch thi công, các khu TĐC tập trung hoàn thiện hạ tầng, mở rộng quy mô để đón người dân vào sinh sống. Xã Duy Nghĩa có các khu TĐC là Lệ Sơn và Nồi Rang, Sơn Viên. Theo kế hoạch, ít nhất 200ha đất bố trí sắp xếp dân cư lại cho người bị thu hồi đất từ dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Tuy nhiên, đến nay khu TĐC Lệ Sơn mới xây gần 30ha; khu TĐC Nồi Rang mới hoàn thiện 26ha. Theo chính quyền xã Duy Nghĩa, chủ trương của tỉnh là mở rộng diện tích các khu TĐC để có quỹ đất dự phòng, nhưng để tạo đồng thuận cao từ phía người dân, chủ đầu tư phải kịp thời khắc phục các điểm yếu về cơ sở vật chất, đầu tư khớp nối hạ tầng, làm sao để nơi ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Toàn xã Duy Nghĩa có hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích bị giải tỏa trắng 256ha khi thực hiện dự án này. Nhiều trường hợp dù đã vào khu TĐC Lệ Sơn ở nhưng sống dựa vào làng cũ. Hộ ông Trần Vinh xây nhà ở khu TĐC Lệ Sơn, nhưng tranh thủ về lại đất làng cũ chưa giải tỏa để trồng trọt, chăn nuôi. Ông nói: “Tiền hỗ trợ nghề nghiệp thì đủ ăn vài tháng là hết. Người dân mất đất là mất nhiều thứ”.
Một thực trạng nữa là thiếu nước sạch, điện thắp sáng công cộng. Về lâu dài, người dân sẽ chật vật tìm kiếm việc làm phù hợp. Tại xã Duy Hải, hầu hết sử dụng nước ngầm nhưng đều nhiễm phèn, nhiễm mặn buộc người dân phải bỏ tiền ra mua nước sạch. Hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu TĐC xã Duy Hải do Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam thi công. Nguồn nước lấy từ Hội An, dẫn ống dưới chân cầu Cửa Đại, rồi qua đường ĐH6b, ĐX mới tới khu TĐC. “Chính quyền đã nhiều lần phản ánh về bức xúc nguồn nước của người dân, song đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đấu nối nước sạch về dù đường ống đã lắp đặt xong. Chưa kể trắng hạng mục cây xanh, điện công cộng” - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải Trần Văn Siêm nói. Còn ông Huỳnh Bửu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam (đơn vị làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhìn nhận, thông qua dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, vùng đông bước đầu chuyển động, rõ nhất là sắp xếp dân cư theo quy hoạch. Tuy vậy, về lâu dài khó nhất vẫn là giải quyết sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, nhất là đối tượng chuyên sống bằng nông nghiệp. “Nếu đầu tư đồng bộ cả hạ tầng lẫn sinh kế, người dân vùng dự án sẽ an cư khởi nghiệp bền vững hơn” - ông Bửu nhận định.
TRẦN HỮU