Trả lời cử tri về vấn đề dân tộc, hỗ trợ người nghèo
Việc xem xét công nhận người Ca Dong là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp trên xem xét; lồng ghép chính sách hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn vào chính sách hỗ trợ sản xuất… là nội dung Ủy ban Dân tộc trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Nam.
Xác định thành phần dân tộc phải nghiên cứu chuẩn xác
Theo thống kê hiện nay, người Ca Dong có tổng số dân khoảng 29.000 người; trong đó phân bổ ở Quảng Nam khoảng 21.000 người, chủ yếu tại huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Người Ca Dong có phong tục tập quán riêng, có ý thức về nguồn gốc tổ tiên và đặc biệt có ngôn ngữ riêng, khác với người Xê Đăng và các dân tộc khác. Vì vậy, cử tri khu vực này đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc xem xét công nhận tộc người Ca Dong là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hồ sơ đề nghị đã được UBND tỉnh trình Ủy ban Dân tộc từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, trả lời.
Đồng bào Ca Dong ở huyện Bắc Trà My trình diễn điệu múa tuyền thống tại Lễ hội VH-TT các huyện miền núi năm 2014. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Theo Ủy ban Dân tộc, hiện nay thành phần và tên gọi các dân tộc Việt Nam theo bản danh mục ban hành kèm Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2.3.1979 của Tổng cục Thống kê, các cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc vào năm 1979, 1989, 1999 và 2009 đều được tiến hành trên cơ sở bản danh mục này. Trong bản danh mục nêu rõ, Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc có thể có một hoặc nhiều tên gọi như: Ca Dong, Cà Dong, Mơ-nâm, Hà Lăng… Việc xác định thành phần dân tộc và xây dựng bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam là một nhiệm vụ lớn, dựa trên các cơ sở pháp lý và được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố theo trình tự quy định của pháp luật. Năm 2017, Ủy ban Dân tộc với vai trò là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ xác định thành phần dân tộc dự kiến trình các cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chí xác định thành phần các dân tộc Việt Nam, làm cơ sở cho việc xác định thành phần dân tộc.
Đối với trường hợp người Ca Dong, từ trước đến nay đã có một số nghiên cứu của các cấp từ trung ương đến địa phương về một số tiêu chí, nhưng để đưa ra kết luận về thành phần dân tộc đối với trường hợp trên vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu. Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo
Một kiến nghị quan trọng nữa của cử tri Quảng Nam là hiện nay, tiêu chí xác định hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QD-TTg ngày 7.8.2009 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt: Quyết định 102) về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn chưa thực sự phát huy hiệu quả, định mức hỗ trợ quá thấp. Theo đó, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng định mức hỗ trợ cấp theo nhóm hộ hoặc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất.
Quyết định 102 của Thủ tướng đã được triển khai 6 năm, qua tổng kết đánh giá cho thấy chính sách này đã có kết quả nhất định. Từ đó hỗ trợ cho đồng bào nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo tuy nhiên cũng thể hiện một số bất cập trong cơ chế, chính sách, đặc biệt mức hỗ trợ không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, tháng 9.2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 và đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan đưa chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102. Đồng thời lồng ghép vào chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19.12.2014.
Tháng 3.2016, Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành văn bản gửi Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn giai đoạn 2010-2015 làm cơ sở lồng ghép chính sách này vào chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đề xuất tháo gỡ cho địa phương. Hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, tham mưu tổng hợp Quyết định 102 vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xem xét, đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
TÂY BÌNH (tổng hợp)