G-20 bất đồng về thương mại và khí hậu

QUỐC HƯNG 20/03/2017 16:32

(QNO) - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) vừa kết thúc, phá vỡ truyền thống kéo dài một thập kỷ qua về ủng hộ thương mại mở. 

Các Bộ trưởng tài chính G-20. Ảnh: Telegraph
Các Bộ trưởng Tài chính G-20. Ảnh: Telegraph

Sau hai ngày nhóm họp (17 và 18.3) tại thị trấn Baden-Baden miền Nam nước Đức, G-20 không đưa cam kết cụ thể nào về thương mại tự do và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Bất đồng này của G-20 mà cụ thể là sức ép lớn chỉ riêng từ Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump theo đuổi lập trường bảo hộ mậu dịch với lập luận bảo vệ việc làm của người dân Mỹ trước các mối đe dọa hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Bundesbank (Đức) - Jens Weidmann nói với hãng tin Reuters: “Đây không phải là kết quả tốt của cuộc họp”.

Theo các chuyên gia phân tích, rõ ràng là một sự thất bại đối với nước chủ nhà Đức, vốn luôn nỗ lực để duy trì các cam kết trước đây của G-20, chống lại mọi hình thức mới hoặc cũ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, kể cả chế độ thuế quan và quy định cấm nhập khẩu để bảo vệ công ty nội địa khỏi sức ép cạnh tranh. Bản thông cáo, tuy không có sự ràng buộc pháp lý, nhưng có thể đặt ra đường hướng của kinh tế và tài chánh thế giới. Chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ được cho sẽ gây xáo trộn thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, G-20 còn bỏ qua cam kết hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang rất được quan tâm, sau khi nhận được phản đối và chỉ trích của đại diện Mỹ và Arab Saudi. Tổng thống Donald Trump từng gọi hiện tượng trái đất nóng lên là “một trò lừa đảo” do Trung Quốc đưa ra nhằm phá hoại nền công nghiệp Mỹ và cho biết sẽ chấm dứt thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải công nghiệp. Vào tuần trước, trong dự thảo ngân sách chính quyền liên bang đầu tiên với tổng chi tiêu là 3.800 tỷ USD, Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm 31% chi tiêu cho Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cũng như sẽ ngừng tham gia Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên hiệp quốc. GCF nhằm giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho hay ông hối tiếc rằng những bàn luận của các quan chức tài chính cấp cao G-20 tại Baden-Baden chưa đủ để đạt được kết luận thỏa đáng về hai ưu tiên cực kỳ thiết yếu trong thế giới ngày nay: thương mại và khí hậu. Kết quả hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương do vậy có thể sẽ khiến không khí của hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20, diễn ra vào ngày 7 và 8.7 tới tại thành phố cảng Hamburg (Đức) thêm phần căng thẳng.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG