Trùng phùng sau 23 năm xa cách

THANH THẮNG 20/03/2017 08:43

Với người đàn bà lưu lạc ấy, hạnh phúc không nằm ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Mà trên hết, đó là khi được sống trong tình mẫu tử thiêng liêng tưởng đã trùng trùng ngăn cách…

Sau 23 năm xa cách, bà Phạm Thị Bậu (53 tuổi, trú thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức) nhân vật trong bài viết “Trở về sau 22 năm mất tích” đã gặp lại hai người con trai của mình như một phép màu. Giữa tháng 3, chúng tôi gặp lại bà Phạm Thị Bậu trong căn nhà cấp 4 ở thị trấn Tân An. Bà Bậu tâm sự, sau khi cùng người chồng tên Yang (quốc tịch Trung Quốc) trở về quê nhà và được báo chí đăng bài viết “Trở về sau 22 năm mất tích”, hai người con trai của bà là Nguyễn Văn Phương (SN 1992) và Nguyễn Văn Bình (SN 1993) đang sinh sống ở Canada đã liên lạc về cho bà Bậu. “Sau khi đọc báo, hai đứa con của tôi biết tôi vẫn còn sống nên chúng nó tìm cách liên lạc về cho tôi. Cái ngày đầu khi nhận được tin của hai đứa nó, biết chúng còn sống và được cha mẹ nuôi thương yêu tôi mừng lắm. Còn mẹ, còn con là còn có cơ hội trùng phùng” - bà Bậu vui mừng nói.

Bà Phạm Thị Bậu cùng chồng (người Trung Quốc) và hai con trai của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Phạm Thị Bậu cùng chồng (người Trung Quốc) và hai con trai của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 1994, trong một lần bà Bậu theo xe hàng từ Hiệp Đức ra Huế bỏ trái cây cho bạn buôn, đến khi về tới đèo Hải Vân thì xe bị nổ lốp. Trong lúc xuống xe ngồi chờ, bà Bậu bị một người phụ nữ trung niên vỗ vai và không còn hay biết gì nữa, khi tỉnh dậy mới biết mình bị bán sang Trung Quốc. Lúc này nơi quê nhà, hai đứa con trai của bà Bậu với người chồng đã ly dị đang ở với bà ngoại. Sang Trung Quốc, bà may mắn được một người đàn ông tốt bụng mua về làm vợ. Thế nhưng, nỗi nhớ con, nhớ nhà cứ đau đáu khôn nguôi. Và hạnh phúc đã mỉm cười với người đàn bà lưu lạc ấy, khi ba mẹ con được trùng phùng ngay tại quê xứ.

Bà Bậu nhớ như in, đúng ngày 12.2.2017, sau khi Phương và Bình cùng cha nuôi người Canada đáp xuống sân bay Đà Nẵng liền thuê xe về Hiệp Đức để gặp mẹ. Khi mới gặp lại, cả ba mẹ con bà Bậu chỉ biết ôm lấy nhau và khóc. Mỗi người khóc, nói một thứ tiếng khác nhau, không ai hiểu đang nói với nhau điều gì hết. Với bà Bậu, được gặp lại hai người con trai của mình sau 23 năm xa cách như một “câu chuyện cổ tích”. Hai đứa con của bà Bậu giờ đã có công ăn việc làm, Phương là một thủy thủ lái tàu, còn Bình đang học nghề tạo mẫu tóc. “Ban đầu khi vợ chồng người Canada đến Đà Nẵng và chỉ nhận nuôi một mình Bình, lúc đó Phương 6 tuổi đã phản ứng ngay. Phương khóc thét và nói rằng, nếu đi thì hai anh em cùng đi. Trước sự dứt khoát của Phương, vợ chồng người Canada đã nhận cả hai đứa. Bây giờ Phương và Bình không nói được tiếng Việt” - bà Bậu kể lại.

Cuộc trùng phùng của ba mẹ con bà Bậu chỉ vỏn vẹn trong một tuần, sau đó  Phương, Bình đã trở về Canada để tiếp tục công việc của mình. Hiện ba mẹ con bà Bậu thường xuyên liên lạc với nhau, tuy nhiên do không cùng ngôn ngữ nên thông qua mạng xã hội nhìn nhau bằng hình ảnh. Mong ước gặp lại hai người con đã trở thành hiện thực, vợ chồng bà Bậu có ý định ở lại thị trấn Tân An để lập nghiệp. Nhưng vì điều kiện giấy tờ và hộ khẩu của bà Bậu ở địa phương trước đây không còn lưu giữ, giấy tờ liên quan đều do Trung Quốc cấp, vì vậy cứ 3 tháng một lần, vợ chồng bà Bậu bắt xe ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam. Bởi khi bà Bậu mất tích trở về ở địa phương không còn tên trong hộ khẩu. Bà đã đến cơ quan chức năng và được hướng dẫn cụ thể nhưng chưa có điều kiện làm lại giấy tờ tùy thân.

Hiện bà Bậu và ông Yang thuê một căn nhà cấp 4 với giá 300 nghìn đồng/tháng ở vùng ven thị trấn Tân An để ở. Hàng ngày vợ chồng bà Bậu cùng nhau đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy để kiếm thu nhập. Cuộc sống của bà Bậu nhanh chóng hòa đồng với người hàng xóm mới, có lúc bà bậu cũng theo chân phụ nữ nơi đây đi làm nghề lột vỏ keo… “Công việc ở bên Trung Quốc vợ chồng tôi đã sắp xếp ổn cả rồi. Hai đứa con của tôi và Yang cũng đều có công ăn việc làm, nên gọi điện cho tôi mỗi ngày. Tôi và Yang cũng muốn ở lại Tân An (Hiệp Đức) để lập nghiệp. Bây giờ chúng tôi chỉ muốn có được một mảnh đất ở quê hương để sản xuất nông nghiệp mưu sinh qua ngày” - bà Bậu nói.

THANH THẮNG

THANH THẮNG