Sự cố thủy điện Sông Bung 2: Có nguyên nhân chất lượng công trình chưa đảm bảo
Đó là một trong những nội dung quan trọng Bộ Công Thương trả lời cử tri Quảng Nam về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện cũng như xác định trách nhiệm của các ngành, cá nhân liên quan đến sự cố thủy điện Sông Bung 2 cũng như quy trình xả lũ đảm bảo an toàn cho hạ du.
Những năm gần đây, các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng và vận hành tương đối đầy đủ và đảm bảo cho việc thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng từ khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, khai thác, sử dụng các công trình xây dựng, trong đó có công trình thủy lợi thủy điện. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình thủy điện trong thời gian qua của Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng công trình xây dựng. Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện. Năm 2013, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình từ giai đoạn nghiên cứu đến hoàn thành xây dựng công trình theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Trường hợp vi phạm trong quản lý chất lượng xây dựng công trình xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về sự cố vỡ van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 vào ngày 13.9.2016 đã gây thiệt hại về người và tài sản. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay thời điểm sau sự cố, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Điều tra sự cố với sự tham gia của Bộ Xây dựng, địa phương, các cơ quan và chuyên gia độc lập. Bộ Công Thương đã lựa chọn Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC) làm cơ quan tư vấn kiểm định nguyên nhân sự cố. Qua xem xét, đánh giá ban đầu có thể nói, sự cố có nguyên nhân chất lượng công trình chưa đảm bảo. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo Tổ Điều tra và Tư vấn kiểm định khẩn trương đánh giá nguyên nhân sự cố và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, đơn vị liên quan.
Ngoài ra, vấn đề quy trình xả lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vùng hạ du cử tri quan tâm cũng được Bộ Công Thương trả lời cụ thể. Những năn gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ thị, văn bản đề nghị UBND các tỉnh, địa phương, chủ hồ chứa thủy điện tuân thủ việc vận hành đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình đơn hồ chứa. Tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý những nhà máy thủy điện không thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt; trong trường hợp vi phạm đề nghị chuyển cơ quan chức năng xử lý. Rà soát, xem xét, điều chỉnh hoặc có kiến nghị điều chỉnh những nội dung của Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt cho phù hợp hơn với thực tế. Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi, cung cấp số liệu vận hành hồ chứa; tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân địa phương các nội dung của quy trình vận hành, quy định về hệ thống các tín hiệu thông báo, cảnh báo lũ lụt vùng hạ du của việc vận hành nhà máy và xả lũ hồ chứa thủy điện; phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trong việc thông báo kịp thời cho người dân hạ du khi các hồ chứa thủy điện tiến hành xả lũ.
TÂY BÌNH (tổng hợp)